Đại biểu Trần Thị Hoa Ry phát biểu
Phát biểu tại Phiên họp, đại biểu bày tỏ tán thành với sự cần thiết về sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, khi thực tiễn đặt ra ngày càng nhiều vấn đề bức xúc, cấp bách cần phải giải quyết hiện nay như môi trường nước ta diễn biến phức tạp, chất lượng môi trường tại một số nơi vượt ngưỡng cho phép và không còn khả năng tiếp nhận chất thải. Thời gian qua cũng đã xuất hiện sự cố môi trường làm ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Điều đó cho thấy luật hiện hành chưa đáp ứng và đặt ra vấn đề sửa đổi một cách toàn diện. Tuy nhiên, qua nghiên cứu trong các dự án luật trình tại kỳ họp này, đại biểu cho rằng bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng tiếp thu của Ban soạn thảo trong nội dung luật vẫn còn những điều khoản quy định mang tính vận động, thuyết phục, hô hào, còn khá là chung nên cần phải có tiếp thu, chỉnh sửa trong thời gian tới. Đại biểu chưa thực sự an tâm khi xem xét luật này thông qua tại 2 kỳ họp, Quốc hội cũng cần có sự cân nhắc thêm.
Nghiên cứu hồ sơ dự thảo Luật, đại biểu đóng góp một số vấn đề cụ thể như sau:
Thứ nhất, về nội dung chính sách mới, đại biểu chỉ ra rằng, trong Báo cáo đánh giá tác động có 13 nhóm chính sách được Ban soạn thảo đề xuất sửa đổi trong dự thảo lần này. Đại biểu cho rằng chuẩn bị khá công phu và có những quy định mới tiến bộ hơn so với quy định hiện hành. Tuy nhiên, để áp dụng trong thực tiễn thì phần lớn các chính sách này đều phải tăng thêm nguồn ngân sách và nhân lực để thực hiện nhưng không rõ phát sinh cụ thể như thế nào. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cũng cần phải làm rõ thêm nguồn ngân sách cũng như nguồn nhân lực phát sinh để thực hiện những quy định mới này để Quốc hội có những cơ sở xem xét, đánh giá và quyết định.
Theo đại biểu, trong báo cáo về tác động chính sách có một số chính sách cũng chưa được làm rõ, thiết kế tại các điều luật có những nội dung chưa phù hợp với những báo cáo đánh giá tác động này. Ví dụ, chính sách 7 về công cụ kinh tế và nguồn lực tài chính cho bảo vệ môi trường. Các giải pháp đề xuất trong báo cáo tác động gồm có ký quỹ bảo vệ môi trường và sát hạch hạn ngạch xả thải và xây dựng thị trường hạn ngạch xả thải. Tuy nhiên, trong dự thảo luật quy định lại thiết kế rộng hơn so với chính sách này, bao hàm cả nội dung về thuế bảo vệ môi trường, chứng nhận sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường, mua sắm xanh, tín dụng xanh. Đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại cho phù hợp giữa nội dung quy định tại các dự thảo luật, cùng với báo cáo đánh giá tác động về chính sách mới.
Thứ hai, về bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường. Đại biểu thống nhất với Ban soạn thảo đề xuất sửa đổi lần này khắc phục triệt để những mâu thuẫn, chồng chéo để đảm bảo tính thống nhất hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, điều chỉnh một số nội dung về bảo vệ môi trường đã được quy định tại các luật khác về đúng vị trí của Luật Bảo vệ môi trường với tinh thần đã đánh giá tác động kỹ, đồng thời không làm xáo trộn, mất tính khả thi và ảnh hưởng của luật chuyên ngành.
Tuy nhiên, qua xem xét trong dự thảo đối chiếu lại với những quy định của luật liên quan như Luật Kinh doanh, Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đa dạng sinh học, Luật Chăn nuôi vẫn còn nhiều nội dung mới khác và chưa phù hợp với những luật chuyên ngành. Do vậy, cần có sự sửa đổi để phù hợp chung và thống nhất, tránh những xung đột, chồng lấn giữa các dự án của luật này.
Thứ ba, về tích hợp giấy phép. Đại biểu đánh giá cao sự nỗ lực của Ban soạn thảo khi sửa đổi luật lần này đã cố gắng cắt giảm đến 40% thủ tục hành chính cũng như giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Đặc biệt, trong lần sửa đổi này việc tích hợp 7 giấy phép về môi trường thành một giấy phép chung. Tuy nhiên, đại biểu băn khoăn việc tác động đến môi trường liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành khác nhau thì có đảm bảo về tiêu chuẩn và kỹ thuật chuyên môn không. Việc tích hợp giấy phép này có thực sự thuận lợi cho người dân không hay chúng ta vẫn giữ là một cửa nhưng có đến 7 khóa thì cũng cần phải làm rõ. Mặt khác, khi giao một đơn vị vừa cấp phép vừa là cơ quan kiểm tra, thanh tra thì đây là một quy trình khép kín, có đảm bảo sự khách quan hay không hay quy định như thế này là “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Thứ tư, liên quan đến thẩm quyền đánh giá, thẩm định tác động môi trường. Hiện tại Chính phủ trình phương án 1 đảm bảo sự tương thích trong các quy định của Luật Đầu tư công về thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan trong quyết định đầu tư, trong đó có việc đánh giá, thẩm định tác động môi trường. Tuy nhiên, phương án này có hạn chế là đôi khi chưa đảm bảo tính khách quan, thực tiễn do thiếu sự tham gia đầy đủ của chính quyền địa phương.
Còn phương án 2 không giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ tổ chức thẩm định, đánh giá về ĐTM đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư, trừ Bộ Quốc phòng và Bộ Công an mà giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm định báo cáo ĐTM trừ đối tượng thuộc thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Phương án này đảm bảo sự tham gia của chính quyền địa phương nhưng nảy sinh vướng mắc đối với các dự án đầu tư bởi các bộ, ngành, chưa phát huy được khả năng chuyên môn sẵn có của các cơ quan chuyên môn, chuyên ngành. Vì vậy, đại biểu đề xuất với Ban soạn thảo là chúng ta có phương án 3, đó là kết hợp giữa phương án 1, phương án 2, trong đó quy định rõ vai trò tham gia đánh giá, thẩm định, cấp phép của Ủy ban nhân dân ở các địa phương đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của các bộ, ngành từ khi lập hồ sơ dự án cho đến khi triển khai thực hiện để đảm bảo sự thuận lợi hơn trong công tác quản lý về môi trường trên địa bàn.
Thứ năm, liên quan đến Hội đồng thẩm định báo cáo của ĐTM. Hiện nay công tác thẩm định, báo cáo ĐTM chứa đựng những lỗ hổng tiêu cực. Vẫn còn những báo cáo được thực hiện một cách hình thức sơ sài và vẫn được thông qua do có sự tiêu cực giữa cơ quan chủ trì thẩm định và các thành viên trong Hội đồng thẩm định. Do đó, trong lần sửa đổi này kỳ vọng được cải tiến thủ tục thẩm định ĐTM theo hướng nâng cao hơn về độc lập, khách quan của Hội đồng thẩm định. Đại biểu đề xuất Ban soạn thảo nghiên cứu thêm một số vấn đề như sau:
Một là, đối với thành viên của Hội đồng thẩm định sẽ được lựa chọn một cách ngẫu nhiên trên danh sách chuyên gia môi trường được lập từ trước, điều này để giảm sự phụ thuộc của thành viên đối với cơ quan chủ trì thẩm định.
Hai là, đối với một số trường hợp không được lựa chọn làm thành viên Hội đồng thẩm định như những người đã tham gia vào quá trình lập báo cáo ĐTM hoặc người có quan hệ lao động với tổ chức được lập báo cáo ĐTM và có quan hệ thân thiết thì không nên lựa chọn vào Hội đồng thẩm định này. Cần nghiên cứu đối với những dự án quan trọng cần quy định bắt buộc tổ chức hội thảo khoa học để lấy ý kiến báo cáo nghiên cứu khả thi đối với báo cáo ĐTM trước khi phê duyệt dự án. Mặt khác, những nội dung này cũng được công bố trên thông tin điện tử về danh sách Ủy viên, thành viên của Hội đồng cũng như những ý kiến của từng thành viên Hội đồng để cho nhân dân được theo dõi. Liên quan đến vấn đề này, trong luật cũng cần có quy định, nếu trong luật không thể hiện được nội dung đó thì giao cho Chính phủ quy định cụ thể về cơ chế giám sát, chế độ lưu trữ hồ sơ ràng buộc trách nhiệm Hội đồng thẩm định./.