ĐẠI BIỂU CAO SỸ KIÊM: CẦN CHÍNH SÁCH TÀI CHÍNH LINH HOẠT ĐỂ PHỤC HỒI KINH TẾ SAU ĐẠI DỊCH COVID 19

20/07/2020

Đại dịch Covid-19 diễn ra là cú sốc nghiêm trọng nhất trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn nên chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII cho rằng, việc chủ động xây dựng một chiến lược ứng phó hữu hiệu, cùng với chính sách tài chính, tiền tệ linh hoạt để đưa nền kinh tế thoát khỏi sự trì trệ và phát triển bứt phá trong thời gian tới.

Tính đến giữa tháng 7/2020, dịch bệnh Covid 19 đã lan rộng đến 215 quốc gia và vùng lãnh thổ, số ca nhiễm mới và số người tử vong vẫn rất lớn. Dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới.

Các biện pháp nhằm “giãn cách xã hội” mà chính phủ các nước cũng như Chính phủ Việt Nam thực hiện trong thời gian qua đã làm gián đoạn chuỗi giá trị sản xuất, doanh nghiệp thu hẹp hoạt động, khiến tổng cung của nền kinh tế bị đình trệ. Kéo theo đó là sự sụt giảm tổng cầu nghiêm trọng thể hiện qua việc người dân thu hẹp tiêu dùng do thất nghiệp, giảm thu nhập và đầu tư toàn xã hội suy giảm. Cụ thể: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I ước chỉ tăng 3,82% so với cùng kỳ, thấp nhất từ năm 2011 tới nay. Một số chỉ tiêu vĩ mô có nguy cơ bị tác động mạnh như: Chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) cả năm có thể tăng trên 4% nếu không có các giải pháp điều hành giá quyết liệt; thu ngân sách nhà nước có thể giảm 145.000 tỷ đồng; xuất nhập khẩu, đầu tư của khu vực tư nhân và FDI giảm mạnh do “cầu” của thế giới giảm mạnh, các nhà đầu tư có xu hướng thận trọng trong quyết định đầu tư và chuyển hướng đầu tư an toàn hơn.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng trong thời kỳ dịch bệnh diễn ra trên toàn thế giới, ảnh hưởng, chính sách tài khóa đóng vai trò quyết định, chính sách tiền tệ chỉ mang tính chất hỗ trợ. Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát thì chính sách tiền tệ phải đóng vai trò quyết định trong việc cung cấp nguồn vốn cần thiết giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Vậy, để phục hồi nền kinh tế tại Việt Nam cần có những chính sách tài chính, tiền tệ như thế nào, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã phỏng vấn Chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII về nội dung này:

Chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII

Phóng viên: Thưa ông, mặc dù Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid 19, tuy nhiên dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Vậy, ông đánh giá như thế nào về tình hình kinh tế của Việt Nam trong thời điểm này?

Ông Cao Sỹ Kiêm, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII: Có thể nói, dịch bệnh Covid 19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế thế giới nói chung cũng như nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Tôi đánh giá cao Chính phủ Việt Nam thời gian qua đã có những chỉ đạo quyết liệt và kịp thời phòng ngừa dịch bệnh trong ngăn chặn dịch bệnh và đưa ra nhiều giải pháp nhằm phục hồi và kích cầu nền kinh tế. Tuy nhiên, để các chính sách này phát huy hiệu quả trong thực tế thì cần có thời gian, nhất là các lĩnh vực công nghệ, chế biến, sản xuất kinh doanh chế tạo. Hơn nữa, chỉ một nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng thì không thể bền vững mà cùng với đó là sự phục hồi nền kinh tế của các nước trên thế giới. Như vậy, phải chờ đến khi nào kinh tế thế giới hồi phục, mở cửa giao thương giữa các nền kinh tế với nhau thì kinh tế Việt Nam mới phát triển ổn định và có bước đột phá. Nếu chỉ riêng nền kinh tế Việt Nam ổn định mà kinh tế thế giới không có sự phục hồi thì không thể mang lại hiệu quả cao. Hơn nữa, hiện nay, Việt Nam mới chỉ mở cửa đối với một số quốc gia, nhưng không phải quốc gia nào cũng có quan hệ kinh tế rộng rãi với Việt Nam. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam không thực sự rộng, trong khi đó chất lượng, trình độ nguồn nhân lực của nước ta cũng chưa cao so với các nước trên thế giới, nêntính cạnh tranh của nền kinh tế còn yếu. Do vậy, kinh tế vẫn phụ thuộc rất nhiều vào hoạt động xuất khẩu.

Phóng viên: Vậy, trước những tác động của dịch Covid 19 ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế Việt Nam thì các chính sách tài chính, tiền tệ cần được điều chỉnh như thế nào cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, thưa ông?

Ông Cao Sỹ Kiêm, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII: Chính sách tài chính tiền tệ có vai trò quan trọng trong khôi phục nền kinh tế, trước hết theo tôi, Chính phủ cần ưu tiên nguồn vốn đầu tư phát triển, giúp các doanh nghiệp có vốn phát triển trong các lĩnh vực hạ tầng, công nghệ, thiết bị, đào tạo nhân lực. Khi các lĩnh vực này cần vốn cần có chính sách ưu đãi đáp ứng kịp thời thì mới có khả năng phục hồi và phát triển.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, nhất là vốn đầu tư công. Đây là giải pháp hữu hiệu hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh tác động của dịch bệnh. Trong đó, cần tiếp tục rà soát các quy định, kịp thời tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc về ngân sách, đầu tư xây dựng, đẩy mạnh phân cấp, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Nghiên cứu, rà soát các quy định về tỷ lệ nợ công, bội chi ngân sách nhà nước để kiến nghị sửa đổi những vấn đề chưa phù hợp với bối cảnh hiện nay, bảo đảm tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Giải pháp thứ hai là cần giảm tối đa chi phí sản xuất sau dịch Covid 19; cộng với đó, chi phí lãi vay ngân hàng cũng cần giảm hợp lý như vậy sẽ có tác động rất lớn đến doanh nghiệp. Lãi suất cho vay, lãi suất huy động và chi phí dịch vụ của các ngân hàng cần ở mức thấp để cứu các ngân hàng, giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đang chiếm số lượng lớn trong khi sức cạnh tranh của các doanh nghiệp này chưa cao.

Tôi cho rằng, thời gian qua, với sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước qua 2 lần giảm lãi suất điều hành và một số mức lãi suất trên thị trường, xu hướng lãi suất cho vay của các Ngân hàng Thương mại tiếp tục giảm để hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp, vực dậy nền kinh tế vượt qua đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, lãi vay chỉ giảm ở mức độ, muốn giảm sâu hơn vẫn cần nhiều giải pháp khác. Trong đó, giảm lãi suất cần thực hiện theo phân khúc khách hàng và ngành phù hợp với mục tiêu chung, không thể giảm đại trà.

Giải pháp thứ ba, đối với thị trường hàng hóa của Việt Nam phần lớn là những mặt hàng thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản đang có tốc độ phát triển cao, cho nên hướng đầu tư giải quyết vốn của ngân hàng cần tập trung vào những lĩnh vực này nhằm ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm để có thể xuất khẩu, mang lại nhiều ngoại tệ cho đất nước, giúp nâng cao thu nhập và đời sống của người dân Việt Nam, giúp khả năng hồi phục kinh tế tốt hơn.

Phóng viên: Ngoài các giải pháp về tài chính, tiền tệ, cần thực hiện các giải pháp nào giúp nền kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh hơn sau đại dịch Covid 19?

Ông Cao Sỹ Kiêm, Đại biểu Quốc hội Khóa XIII: Theo tôi, ngoài thực hiện linh hoạt chính sách tài chính, tiền tệ, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, giảm thuế để môi trường thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Về các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, Chính phủ và các bộ, ngành địa phương cần tận dụng lợi thế của đất nước kiểm soát sớm dịch bệnh để cải cách thủ tục hành chính, thúc đẩy tiêu thụ nội địa. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần rà soát lại hệ thống cơ chế, chính sách, thủ tục để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để tận dụng làn sóng đầu tư.

Tôi đánh giá cao Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Theo đó có khoảng 740 nghìn doanh nghiệp, chiếm đến 98% số doanh nghiệp đang hoạt động sẽ được hưởng lợi từ chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Dự kiến, chính sách này sẽ gia hạn khoảng 180 nghìn tỷ đồng.

Nhưng để doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất, bên cạnh phương án cắt giảm, miễn giảm nhiều loại phí, lệ phí, các bộ, ngành cũng cần sẵn sàng lắng nghe phản ánh về khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; đồng thời đưa ra các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh nhất là các vướng mắc liên quan đến xuất nhập khẩu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu hàng hóa, nhập khẩu nguyên liệu, xúc tiến thương mại…

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lan Hương