ĐBQH NGUYỄN SĨ CƯƠNG CHO Ý KIẾN VÀO DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI)

22/07/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Nguyễn Sĩ Cương - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận đã đóng góp ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

 

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương phát biểu

Đại biểu chỉ ra rằng, Luật Bảo vệ môi trường là một dự án Luật rất lớn với 16 chương và 192 điều. Vấn đề về môi trường nói chung và việc bảo vệ môi trường là vấn đề rất lớn mang tính toàn cầu, không chỉ riêng ở Việt Nam. Đây là một dự án Luật thể chế hóa rất nhiều các chính sách của Đảng, Nhà nước về môi trường, được rất nhiều các nhà khoa học quan tâm.

Đại biểu đồng tình với ý kiến cho rằng thực hiện việc xem xét và thông qua dự án luật này theo quy trình 3 kỳ họp. Quốc hội sẽ thảo luận rất kỹ và giao lại cho Quốc hội khóa XV ban hành. Đồng thời, việc rà soát các dự án Luật có liên quan là rất rộng cho nên trong điều khoản chuyển tiếp với điều khoản thi hành chưa rõ về các dự án Luật sẽ phải rà soát để sửa đổi, bổ sung trước khi luật này được ban hành. Cần phải cân nhắc về hiệu lực thi hành quy định thời gian rất ngắn, từ ngày 01/7/2021 tức là đến tháng 7 sang năm.

Đại biểu cho rằng cần phải quy định rõ nội dung quản lý và kiểm soát bụi và khí thải tại Điều 92. Trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã có những quy định về kiểm soát bụi, khí thải. Tuy nhiên, trên thực tế hiệu quả việc thực thi quy định này chưa cao. Qua nghiên cứu dự thảo luật, đại biểu nhận thấy dự thảo đã rà soát các quy định từ khoản 1 đến khoản 3 Điều 102 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 về kiểm soát bụi và khí thải. Dự thảo Luật đã hợp nhất nó thành một điều trong Điều 92, trong đó thay đổi cụm từ "bụi và khí thải có yếu tố nguy hại" thành cụm từ "bụi có yếu tố nguy hại". Ngay trong khoản 3 Điều 92 của dự thảo luật đã quy định rõ thẩm quyền của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, trong đó quy chuẩn Việt Nam về khí thải thì có phương tiện giao thông. Đại biểu cho rằng quy định như vậy là phù hợp.

Theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, thẩm quyền ban hành về quy chuẩn Việt Nam thuộc bộ quản lý chuyên ngành và lĩnh vực. Bộ Tài nguyên và Môi trường là một bộ quản lý trong lĩnh vực môi trường. Đại biểu nhận thấy khoản 2 Điều 118 luật năm 2014 đã có quy định này, Bộ Giao thông vận tải chỉ thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường quy định tại khoản 2 Điều 74 Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Các dự án luật như Luật Giao thông đường bộ, Luật Giao thông đường thủy, đường sắt, hàng không, Bộ luật Hàng hải của Việt Nam cũng giao cho Bộ Giao thông quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Đại biểu chỉ rõ, trong thời gian vừa qua vấn đề ô nhiễm môi trường không khí tại các đô thị ngày càng gia tăng và đã trở thành một vấn đề môi trường rất bức xúc, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân, một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường không khí và khí thải của phương tiện giao thông. Vì vậy, quy định như trong dự thảo là đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật hiện hành, phù hợp với thông lệ quốc tế và không trùng giẫm lên nhau, thực hiện một nguyên tắc, đó là một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và các cơ quan khác phối hợp, không làm phát sinh thủ tục hành chính cũng như thay đổi bộ máy để tổ chức thực hiện.Trên cơ sở quy chuẩn Việt Nam về chất thải do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, Bộ Giao thông vận tải có quy định về quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy và tổ chức việc thực hiện theo quy định của lĩnh vực mà Bộ Giao thông quản lý./.

Hồ Hương