ĐBQH Quàng Văn Hương – Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La
Theo ĐBQH Quàng Văn Hương, từ thực tế công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua cho thấy, thành công có được là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo chủ động, quyết liệt, sát sao của Đảng, Nhà nước. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân và chung sức đồng lòng của toàn xã hội. Nhưng đồng thời cũng cho thấy khả năng chống chịu của hệ thống y tế của nước ta. Mặc dù trong điều kiện nguồn lực rất có hạn nhưng đã ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh, bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân. Trong thành công đó, ngoài vai trò to lớn của hệ thống y tế trung ương và tuyến tỉnh trong việc cách ly, điều trị người bệnh có đóng góp không nhỏ của tuyến y tế cơ sở, nhất là trong việc tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân chấp hành các quy định về phòng, chống dịch và thực hiện cách ly đối với vùng có dịch. Hiện nay, khi dịch được ngăn chặn là lúc cần phải tổng kết, đánh giá lại để có kịch bản, phương án thật sự chắc chắn, hiệu quả để nếu dịch bệnh bùng phát trở lại, chúng ta vẫn duy trì tốt các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và thực hiện tốt việc phòng, chống dịch, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Thực hiện thông báo Kết luận số 118 ngày 04/01/2016 và Kết luận số 112 ngày 01/4/2013 của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2348 ngày 05/12/2016 phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình mới. Thực hiện đề án trong thời gian qua, hệ thống y tế cơ sở gồm các trung tâm y tế cấp huyện và trạm y tế cấp xã đã được đầu tư cơ bản và đi vào hoạt động ổn định, phát huy vai trò hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, qua thực tiễn ở các địa phương miền núi, vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, kết quả thực hiện đề án còn một số vấn đề đáng quan tâm là: mặc dù trạm y tế xã đã được đầu tư xây dựng đạt 100% nhưng chưa đạt quy định của bộ tiêu chí quốc gia về y tế và thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, mưa lũ, ảnh hưởng đến việc tổ chức hoạt động, thiếu sự đồng bộ trong đầu tư nhà cửa, trang thiết bị, chất lượng đội ngũ cán bộ y tế. Có nơi thiết bị, dụng cụ chưa được khai thác có hiệu quả. Số kinh phí bảo hiểm y tế thanh toán cho trạm y tế xã chỉ khoảng 30 đến 40 triệu đồng/năm, bằng khoảng 4% đến 5% số thu bảo hiểm y tế trên địa bàn xã cho thấy mức thụ hưởng dịch vụ từ trạm y tế xã của người dân còn rất thấp.
Theo ĐQBH Quàng Văn Hương, nguyên nhân các trạm y tế xã chưa thu hút được người dân đến khám bệnh là do vùng miền núi đồng bào vẫn còn tập quán cũ, thói quen tự chữa trị bệnh tại nhà. Bên cạnh đó, đường đến trạm y tế xã xa xôi, đi lại khó khăn do điều kiện kinh tế hạn hẹp nên chỉ đến khi bệnh nặng người dân mới tìm đến cơ sở y tế. Công tác tuyên truyền cho người dân biết về quyền lợi trong chính sách bảo hiểm y tế còn hạn chế. Chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất cập, theo Quy định số 75 ngày 11/5 2009 của Thủ tướng Chính phủ, nhân viên y tế thôn bản được hưởng chế độ phụ cấp nên thời gian qua đội ngũ này đã hoạt động có hiệu quả, thực sự là những cánh tay nối dài của y tế cơ sở đến với người dân. Tuy nhiên thực hiện Nghị định số 34 ngày 24/4/2019 của Chính phủ, chế độ phụ cấp này không còn và mức hỗ trợ theo quy định mới thấp nên không khuyến khích duy trì được sự tham gia của đội ngũ này, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các trạm y tế xã.
Xuất phát từ yêu cầu của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác phòng, chống dịch bệnh trong tình mới, ĐBQH Quàng Văn Hương đề nghị:
Chính phủ chỉ đạo rà soát các chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân theo các văn bản còn hiệu lực thi hành. Tổng kết thực hiện các chương trình, đề án, trong đó có Đề án 2348. Sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách trọng tâm là việc hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao chất lượng phục vụ của trạm y tế xã. Nâng mức hỗ trợ và có chế độ chính sách cho nhân viên y tế thôn bản phù hợp với vùng đặc biệt khó khăn cùng với việc tổ chức lại, giao thêm nhiệm vụ để nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ này.
Thực tế cho thấy khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh nghiêm trọng hoặc vụ việc về an ninh trật tự ở vùng đặc biệt khó khăn thì công tác xử lý, khắc phục hậu quả gặp rất nhiều khó khăn và tốn kém. Do đó cần củng cố hoạt động của đội ngũ này để phát huy hiệu quả phương châm 4 tại chỗ.
Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh, trong đó tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp với tình mới, nhất là việc tăng cường phòng, chống các dịch bệnh nghiêm trọng như dịch COVID-19.
Đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn, nhất là các chính sách về giảm nghèo bền vững, xây dựng kết cấu hạ tầng để đồng bào có điều kiện thuận lợi trong sản xuất, sinh hoạt và tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ các chính sách của Đảng, Nhà nước./.