ĐBQH BỐ THỊ XUÂN LINH GÓP Ý VỀ CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI

23/07/2020

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đóng góp ý kiến vào Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ về đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc.

Có thể nói thời gian qua Đảng, Nhà nước đã quan tâm rất đặc biệt đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn ở miền núi thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, các đề án. Từ năm 2016 cho đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 41 văn bản đề cập đến chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 15 đề án, chính sách trực tiếp lũy kế đến nay còn là 118 văn bản có 54 đề án chính sách còn hiệu lực và đặc biệt vào ngày 18/11/2019 Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 88 về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và giao nhiệm vụ cho Chính phủ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và trình cho Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp thứ 9 này. Chính nhờ vậy mà ở mức độ khác nhau, tình hình kinh tế - xã hội, đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong cả nước ngày càng phát triển và cải thiện. Tuy nhiên, do xuất phát điểm thấp, vị trí địa lý, địa hình, điều kiện sản xuất khí hậu khắc nghiệt và phong tục tập quán nên hiện nay sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần, cơ sở hạ tầng, việc tiếp cận các dịch vụ cơ bản nhất của nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt là khoảng cách lớn so với miền xuôi. Vì vậy rất cần thiết có một chương trình là mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 nhằm khắc phục những hạn chế, thực hiện chính sách dân tộc và miền núi trong thời gian qua và là một giải pháp rất quan trọng để đạt được các mục tiêu của Nghị quyết số 88 của Quốc hội.


Đại biểu Bố Thị Xuân Linh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận.

Qua nghiên cứu các tài liệu và tôi cũng nhất trí về phạm vi, đối tượng, địa bàn của chương trình mục tiêu quốc gia về quan điểm, nguyên tắc và phân công nhiệm vụ về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Đặc biệt là về tổng mức đầu tư và cơ cấu các nguồn và tính khả thi trong việc thực hiện các mục tiêu của đề án, các dự án, chỉ tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia về các nội dung và các giải pháp đề xuất nguồn lực và sự phù hợp, tính khả thi của các dự án, tiểu dự án cụ thể trong chương trình. Tuy nhiên, đại biểu Bố Thị Xuân Linh cũng đề nghị Chính phủ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, cụ thể:

Một là, phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các địa bàn đặc biệt khó khăn và nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Rà soát các chính sách không phù hợp trong quá trình thực hiện, nhất là trong giai đoạn hiện nay để ban hành chính sách mới và đồng thời cần phải áp dụng một số cơ chế đặc thù để thực hiện các dự án của chương trình và đẩy mạnh phong cách trao quyền và nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền của từng địa phương. Lồng ghép thực hiện chính sách bình đẳng giới trong triển khai thực hiện chương trình.

Hai là, công khai, dân chủ, phát huy tinh thần vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số, tránh tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, không chủ động vươn lên của đồng bào và huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để theo dõi, giám sát, đặc biệt là vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi các mục tiêu của chương trình.

Ba là, tập trung đầu tư xây dựng các trạm y tế xã, tập trung cho các xã ở vùng sâu, vùng xa, biên giới có đủ điều kiện khám, chữa bệnh và thực hiện các dịch vụ kỹ thuật cơ bản; có chính sách phù hợp đối với đội ngũ nhân viên y tế tại các xã, thôn bản đặc biệt khó khăn; có các giải pháp giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, phòng, chống xâm hại trẻ em và thực hiện chính sách dân số, kiểm soát tỷ lệ sinh và nâng cao chất lượng dân số ở một số dân tộc thiểu số. Mặt khác, để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của chương trình, Chính phủ có giải pháp thật cụ thể đảm bảo nguồn vốn kịp thời và đồng bộ theo hướng đa dạng hóa nguồn vốn và trong đó nguồn vốn Nhà nước là quan trọng và có ý nghĩa quyết định đẩy mạnh thu hút các nguồn lực ngoài ngân sách, khuyến khích sự tham gia đóng góp của người dân để thực hiện mục tiêu của chương trình theo nguyên tắc Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đồng thời, trong triển khai thực hiện cần phải quan tâm, hướng dẫn cụ thể việc lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt kết quả.

Bốn là, đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Dân tộc xây dựng và hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong việc giám sát thực hiện chương trình này. Nếu được Quốc hội thông qua, dưới sự điều hành, chỉ đạo của Chính phủ, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 sẽ là động lực phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói chung và bà con đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng./.

Bích Lan

Các bài viết khác