ĐBQH TRIỆU THỊ HUYỀN: THAY ĐỔI PHƯƠNG THỨC QUẢN LÝ DÂN CƯ CẦN CÓ LỘ TRÌNH TỔ CHỨC THỰC HIỆN PHÙ HỢP

27/07/2020

Thảo luận hội trường về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Triệu Thị Huyền – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái tán thành với việc quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân thay thế cho quy định về sổ hộ khẩu, đồng thời đề nghị cần có lộ trình tổ chức theo từng giai đoạn cụ thể, phù hợp với tiến độ cấp mã số định danh cá nhân.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể hội trường về dự án Luật Cư trú (sửa đổi), đại biểu Triệu Thị Huyền – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái bày tỏ sự thống nhất với Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về sự cần thiết ban hành dự án Luật Cư trú (sửa đổi) và cho biết dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của cử tri và nhân dân về sự thay đổi phương thức quản lý dân cư mới. Đại biểu Triệu Thị Huyền nêu rõ, dự thảo luật sửa đổi quy định về việc quản lý dân cư bằng mã số định danh cá nhân thay thế cho quy định về sổ hộ khẩu. Mặc dù cuốn sổ này đã tồn tại gần 70 năm qua, với những vai trò và ý nghĩa quan trọng với mỗi cá nhân, hộ gia đình. Đây là sự thay đổi tích cực, phù hợp với sự phát triển của trình độ khoa học công nghệ thông tin, đồng thời cũng phù hợp với xu thế chung của thế giới. Phương thức quản lý mới về dân cư góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý dân cư, cải cách, giảm bớt các thủ tục hành chính, tạo cơ chế thuận lợi cho người dân tham gia các hoạt động giao dịch dân sự, thể hiện tính minh bạch trong các hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước khi giao dịch với người dân.

Đại biểu Triệu Thị Huyền – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái

Tuy nhiên, đại biểu Triệu Thị Huyền cũng cho rằng để đảm bảo thuận lợi cho việc triển khai dự án luật khi luật có hiệu lực thi hành, cần có lộ trình tổ chức theo từng giai đoạn cụ thể, phù hợp với tiến độ cấp mã số định danh cá nhân do Bộ Công an hiện đang triển khai. Trong quá trình đó, cần tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu đối với những trường hợp chưa được cấp mã số định danh cá nhân, đảm bảo cho các hoạt động giao dịch của người dân được diễn ra bình thường.

Góp ý và các nội dung cụ thể, đại biểu Triệu Thị Huyền đề nghị bỏ nội dung  tại khoản 3 Điều 4 dự thảo luật quy định: “Trình tự, thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú và khai báo tạm vắng, thông báo lưu trú phải đơn giản, thuận tiện, kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, không gây phiền hà. Việc quản lý cư trú phải đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả”. Đại biểu lý giải, tên Điều 4 là nguyên tắc cư trú và quản lý cư trú, nhưng nội dung trong khoản 3 lại nêu về nguyên tắc đối với trình tự, thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú và khai báo tạm vắng, thông báo lưu trú. Đây là 2 vấn đề khác nhau, do vậy đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét lại. Bên cạnh đó, trình tự thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú và khai báo tạm vắng, thông báo lưu trú thực chất là một thủ tục hành chính. Hiện nay, chúng ta đẩy mạnh về cải cách thủ tục hành chính nên các trình tự đăng ký thường trú, tạm trú và khai báo tạm vắng, thông báo lưu trú phải được quy định cụ thể về thủ tục hành chính trong lĩnh vực cư trú. Do đó, không nhất thiết chúng ta quy định nội dung này ở trong luật.

Góp ý đối với khoản 5 Điều 4 của dự thảo luật có quy định: “ Mọi hành vi vi phạm pháp luật về đăng ký quản lý cư trú phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật”, đại biểu Triệu Thị Huyền nêu rõ, trong thực tế, hành vi vi phạm pháp luật thường là những hành vi bị che giấu bởi sự cố ý của người vi phạm nên có thể sẽ bị phát hiện hoặc là không. Do vậy, để điều luật dễ hiểu, dễ thực hiện đề nghị Ban soạn thảo thay thế cụm từ “phải được phát hiện, xử lý kịp thời” bằng cụm từ “khi bị phát hiện phải được xử lý kịp thời”.

Về các hành vi bị nghiêm cấm tại khoản 12 Điều 7 của dự thảo luật quy định “đồng ý cho người khác cư trú vào chỗ ở của mình để vụ lợi hoặc trong thực tế người đăng ký cư trú không sinh sống tại chỗ đó”. Theo đại biểu, quy định này mới chỉ đảm bảo điều chỉnh đối với đối tượng người có chỗ ở của mình cho người khác cư trú chứ chưa điều chỉnh đối với người có hành vi gửi người thân trong gia đình của mình đăng ký cư trú ở chỗ ở của người khác vì lợi ích nào đó. Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu bổ sung quy định các hành vi bị nghiêm cấm, đảm bảo tính chặt chẽ, đủ sức răn đe với những hành vi gian dối trong việc đăng ký cư trú.

Đại biểu Triệu Thị Huyền cũng lưu ý nội dung quan trọng cần được quan tâm khi chuyển đổi phương thức quản lý dân cư đó chính là việc đảm bảo bí mật thông tin cá nhân của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do đó, trong điều cấm cần nghiên cứu, xem xét bổ sung thêm một khoản: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để khai thác thông tin, tiết lộ bí mật cá nhân, bí mật gia đình của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu về cư trú trái quy định của pháp luật”.

Về lưu trú và thông báo lưu trú, tại khoản 1 của Điều 31 dự thảo luật quy định về thông báo lưu trú, theo đó quy định: “đại diện gia đình nhà ở, tập thể cơ sở chữa bệnh, cơ sở lưu trú du lịch có trách nhiệm thông báo về việc lưu trú với công an xã, phường, thị trấn”, đại biểu Triệu Thị Huyền đề nghị cân nhắc quy định số ngày lưu trú cần phải thông báo. Bởi theo khoản 8 Điều 2 giải thích từ ngữ về lưu trú thì “lưu trú là việc công dân ở lại một nơi thuộc xã, phường, thị trấn trong một khoảng thời gian nhất định dưới 30 ngày không phải nơi đã đăng ký thường trú hoặc tạm trú”. Nếu như căn cứ theo quy định này thì đối với gia đình có người thân đến thăm chỉ ở lại đó 1 hoặc 2 ngày hoặc là 29 ngày đều là dưới 30 ngày và đều bắt buộc cần phải thông báo lưu trú. Đại biểu đặt vấn đề đối với những gia đình trong trường hợp này quy định như vậy có thật sự phù hợp hay không, đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại.

Ngoài ra đại biểu cũng đề nghị không quy định về nộp lệ phí đăng ký cư trú ở trong luật, bởi lệ phí đăng ký cư trú đã được quy định rất cụ thể tại Điều 15 và phần b của Phụ lục 1 Luật Phí và lệ phí./.

Bảo Yến