ĐBQH NGUYỄN HOÀNG MAI GÓP Ý VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

24/07/2020

Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, tham gia thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, cho rằng việc Ban soạn thảo đề xuất đưa đối tượng vị thành niên nghiện ma túy từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào trường giáo dưỡng là không có cơ sở về mặt khoa học cũng như về thực tiễn.

 

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai cho rằng việc Ban soạn thảo đề xuất đưa đối tượng vị thành niên nghiện ma túy từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào trường giáo dưỡng là không có cơ sở về mặt khoa học cũng như về thực tiễn. Tuy vậy, đại biểu cũng bày tỏ quan điểm rằng nếu giữ nguyên như Luật Phòng, chống ma túy hiện hành thì rất có vấn đề.

Điểm lại lịch sử vấn đề, đại biểu Nguyễn Hoàng Mai cho biết, Quốc hội năm 2000 ban hành Luật Phòng, chống ma túy, trong đó có quy định đối với các cháu từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi. Thực ra ban đầu quy định đây là biện pháp xử lý vi phạm hành chính, khi đó, trước khi Quốc hội thông qua, có một đồng chí lãnh đạo Quốc hội cho rằng Bộ luật Hình sự còn tội sử dụng trái phép chất ma túy, tránh cho các đối tượng nhỏ tuổi bị áp dụng tội sử dụng trái phép chất ma túy, nếu sau lại tái phạm. Vậy nên đến giờ chót mới quyết định biện pháp này toàn bộ trình tự, thủ tục thẩm quyền là theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhưng thêm một câu “đây không coi là biện pháp xử lý vi phạm hành chính”, để tránh việc các đối tượng nhỏ tuổi bị xử lý hình sự, nếu như tái phạm.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng chỉ ra bất cập trong Luật Phòng, chống ma túy hiện hành, đó là toàn bộ thẩm quyền, trình tự, thủ tục như Luật Xử lý vi phạm hành chính nhưng đây không coi là xử lý vi phạm hành chính.

Bộ luật Hình sự từ năm 2009 đến giờ đã bỏ tội sử dụng trái phép chất ma túy, do đó hậu quả pháp lý của việc áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với các đối tượng từ 12 tuổi dưới 18 tuổi không còn nguy cơ như trước kia nữa. Để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các cháu, đại biểu đề nghị coi đây là biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Chúng ta còn có biện pháp nữa như Ban soạn thảo đề xuất là biện pháp giáo dục tại cộng đồng đối với các cháu, nếu đáp ứng được các điều kiện để có thể cai nghiện được thì đưa về cộng đồng để giáo dục. Trong trường hợp bất đắc dĩ thì mới đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Đại biểu cho rằng việc sử dụng toàn bộ các biện pháp như vậy sẽ bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho các đối tượng nhỏ tuổi./.

Bùi Hùng