ĐBQH NGUYỄN THANH HỒNG GÓP Ý ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT CƯ TRÚ (SỬA ĐỔI)

30/07/2020

Trong phiên thảo luận toàn thể hội trường về dự án Luật Cư trú (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đã góp ý về một số nội dung cụ thể nhằm hoàn thiện dự thảo Luật.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể hội trường, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, về quản lý dân cư bằng số định danh hay nói cách khác là chuyển sang phương thức quản lý mới không chỉ giúp đơn giản về thủ tục giấy tờ, tạo điều kiện thuận lợi và tiết kiệm chi phí hành chính, bảo đảm tốt hơn việc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân mà còn khắc phục những vấn đề tồn tại, bất cập trong quản lý cư trú, quản lý dân cư khi đang áp dụng các phương thức hiện nay.

Ngoài ra, về góc độ kinh tế, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 15 trường thông tin được xác định trong Luật Căn cước công dân đây là tài sản quốc gia, tài sản của nhà nước. Với điều kiện phát triển nền kinh tế số như hiện nay thì dữ liệu điện tử nói chung và dữ liệu cơ sở quốc gia về dân cư được xem như một công cụ tư liệu và những sản phẩm mang lại những hiệu quả kinh tế nhất định trong một số lĩnh vực, hầu hết các lĩnh vực trong đời sống hiện nay.

Đại biểu chỉ rõ, cuộc điều tra dân số năm 2019 có được cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và quản lý cư trú thì chắc chắn chi phí cho cuộc điều tra này sẽ ở mức thấp hơn và độ chính xác sẽ cao hơn. Tuy nhiên, chi phí về mặt thời gian, chi phí về mặt vật chất sẽ ít hơn.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cũng cho rằng, khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, khi đó, những thông tin về hộ khẩu hiện nay được lưu trữ vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu về cư trú và sẽ được khai thác sử dụng trong những trường hợp cần thiết. Việc này không cản trở việc thực hiện các quy định khác trong của các lĩnh vực khác. Như vậy rất thuận lợi cho việc khai thác, sử dụng, tránh được các loại giấy tờ, phát sinh nhiều loại giấy tờ. Khi hoàn thành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì dần dần bỏ được các thủ tục.

Trước một số ý kiến cho rằng việc thực hiện Luật Căn cước công dân và Cơ sở dữ liệu quốc gia vừa qua không thực hiện đúng quy định trong luật, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng nêu rõ, thực tế, Điều 31 của Luật Căn cước công dân quy định là ngân sách nhà nước đảm bảo cho việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho căn cước công dân và triển khai các quy định của luật, nhưng do chúng ta chưa bố trí được ngân sách nhà nước cho nên triển khai không đúng tiến độ. Vì vậy, Chính phủ đã xác định quyết tâm thực hiện và thể hiện quyết tâm đó bằng các gói thầu triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đại biểu cũng đề nghị nghiên cứu lộ trình triển khai thực hiện để tránh việc khi thực hiện không đồng bộ, ảnh hưởng đến hoạt động chung của xã hội, hoạt động quản lý cư trú, quản lý và hoạt động một số lĩnh vực khác.

Về bỏ điều kiện đăng ký thường trú ở các thành phố, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng cho rằng việc bỏ các điều kiện đăng ký các thành phố trực thuộc Trung ương sẽ đảm bảo bình đẳng trong thực hiện quyền công dân và việc bỏ quy định thường trú này tạo điều kiện để công dân đăng ký thường trú, bên cạnh quyền công dân nhưng công dân thực hiện nghĩa vụ công dân. Đồng thời đại biểu nhấn mạnh nghĩa vụ công dân khi đăng ký thường trú, thực hiện các nghĩa vụ như các công dân thường trú khác. Quản lý công dân cả về quyền, thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, việc bỏ các điều kiện này có ý nghĩa về mặt kinh tế. Đại biểu chỉ rõ qua nghiên cứu một số quốc gia khuyến khích nhập cư vào nếu có các dự án đầu tư, khi đó nếu các thành phố trực thuộc Trung ương có các điều kiện về đảm bảo cư trú, về nhà ở thì rõ ràng sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước. Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu thêm khía cạnh kinh tế. Ở đây có thể phát sinh thêm những điều kiện đảm bảo an sinh về văn hóa, giáo dục là tất yếu tuy nhiên cũng đang thảo luận và quyết định cho các thành phố trực thuộc Trung ương những cơ chế đặc thù, trong đó cơ chế đặc thù cũng là yếu tố đảm bảo cho việc bỏ điều kiện thường trú cho công dân.

Hơn nữa việc bỏ điều kiện này sẽ hạn chế được những tiêu cực bởi vì những quy định về mặt thời gian, về điều kiện nhà phát sinh ra sơ hở trong việc cấp đăng ký thường trú cho công dân./.

Bảo Yến