Sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường
Luật Bảo vệ môi trường hiện hành được Quốc hội khóa XIII thông qua năm 2014 đã đưa ra nhiều chính sách, cách tiếp cận đổi mới, từng bước đưa phương thức quản lý, giải quyết các vấn đề về môi trường từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, sau gần 6 năm thực hiện, Luật đã bộc lộ những hạn chế, chưa tiếp cận kịp thời những vấn đề phát sinh mới từ thực tiễn. Cách thức quản lý còn mang nặng tính mệnh lệnh hành chính, chủ yếu dựa vào quy trình, thủ tục, chưa chú trọng quản lý theo mục tiêu và kết quả về bảo vệ môi trường; một số quy định mới chỉ ở mức khung, chưa quy định chi tiết nên chưa bảo đảm các yếu tố thực thi; nhiều nội dung về bảo vệ môi trường còn phân tán tại các luật khác nhau.
Trong khi đó, môi trường nước ta đang diễn biến ngày càng phức tạp; chất lượng môi trường tại một số nơi đã vượt ngưỡng cho phép, không còn khả năng tiếp nhận chất thải... đã xuất hiện những sự cố môi trường lớn, sự bùng phát dịch bệnh, đòi hỏi phải nhanh chóng thay đổi phương thức quản lý, kiểm soát về môi trường.
Nhiều quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và cam kết quốc tế mới liên quan đến môi trường (Hiệp định CPTPP, EVFTA, v.v.) cần sớm được thể chế hóa; thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi cần đổi mới tư duy, cách thức trong quản lý môi trường. Từ những vấn đề trên đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường một cách tổng thể, toàn diện, đồng bộ và thống nhất, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả.
Bảo vệ môi trường là vấn đề cấp bách
Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, theo quy hoạch công suất xử lý khoảng 700 tấn/ngày đêm, tuy nhiên bãi rác rắn Xuân Sơn phải tiếp nhận và xử lý chất thải sinh hoạt trên 1.000 tấn mỗi ngày.
Bãi rác thải Nam Sơn nhiều lần bị người dân chặn không cho xe chở rác vào
Bãi rác thải Nam Sơn đi vào hoạt động từ năm 1999 và là nơi tập kết và xử lý rác thải lớn nhất Hà Nội cũng đã và đang nằm trong tình trạng quá tải. Với diện tích hơn 80 ha, nhưng do hàng ngày phải tiếp nhận tới 5.000 tấn rác thải nên nhiều năm trở lại đây, các hố chôn lấp rác thải nơi đây luôn phải hoạt động quá công suất.
Những ngày giữa tháng 7/2020, người dân Hà Nội lại chứng kiến tình trạng ùn ứ hang nghìn tấn rác do người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn. Phương án đưa rác về bãi trung chuyển Cầu Diễn (phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm), để "giải cứu" tình trạng này cũng không thành do người dân nơi này phản đối với lý do lượng rác chuyển vào quá lớn, gây mùi hôi thối ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân quanh khu vực này
Bà Nguyễn Thị Thuỳ Ninh, Phó Phòng Điều hành sản xuất, Công Ty Môi Trường Đô Thị Hà Nội cho biết, do quỹ đất của thành phố hạn chế nên việc quy hoạch điểm tập kết cũng như chuyển tải rác chưa đáp ứng về số lượng cũng như quy mô cho mỗi điểm. Do đó đơn vị rất khó khăn trong công tác quản lý.
Từ nhiều năm nay, tình trạng quá tải tại các bãi chứa rác giống như một căn bệnh trầm kha, lây lan khắp các tỉnh thành của cả nước, từ nông thôn cho tới thành thị. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua vẫn còn có sự bất cập trong quản lý chất thải rắn, chưa thống nhất và đồng bộ trong quản lý chất thải từ Trung ương tới địa phương. Cụ thể, hiện, Luật bảo vệ môi trường quy định chức năng quản lý được giao cho nhiều Bộ cùng chịu trách nhiệm như Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Xây dựng,….Do vậy, ở địa phương, một số tỉnh cơ quan quản lý chất thải rắn sinh hoạt là Sở Tài nguyên và Môi trường, nhưng một số tỉnh khác lại là Sở Xây dựng. Vì vậy, vấn đề quản lý chất thải rắn sinh hoạt còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, thậm chí có địa phương chất thải rắn sinh hoạt trở thành điểm nóng, hiệu quả quản lý chưa cao.
Những năm trở lại đây môi trường nước ta không chỉ chịu áp lực lớn từ các bãi chôn lấp rác thải mà còn chịu áp lực lớn từ ô nhiễm môi trường không khí, ô nhiễm nguồn nước thải và nhiều sự cố môi trường khác…để lại hậu quả nặng nề đời sống sức khỏe và sản xuất của người dân.
Trước những áp lực lớn này đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, triển khai các giải pháp toàn diện cùng sự tham gia của toàn xã hội đảm bảo công tác bảo vệ môi trường hiệu quả hơn. Một trong những giải pháp quan trọng ấy là hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, mà đỉnh cao là sửa đổi Luật bảo vệ môi trường năm 2014 để đảm bảo với yêu cầu thực tiễn.
Quốc hội lần đầu cho ý kiến vào dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)
Cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đánh giá cao dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động bảo vệ môi trường; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường… theo hướng đổi mới mạnh mẽ cơ chế, biện pháp, công cụ quản lý trong hoạt động bảo vệ môi trường.
Quan tâm tới các hành vi nghiêm cấm, đại biểu Lê Quang Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang đề xuất cần cấm nhập khẩu, sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng gây ô nhiễm môi trường. Theo đại biểu Lê Quang Trí nếu ngăn chặn ngay từ đầu việc này thì các doanh nghiệp không cần tốn nhiều chi phí để xử lý rác thải, giảm chi phí sản xuất, tăng cạnh tranh, tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm tra, thanh tra và giám sát.
Đại biểu Lê Quang Trí: Cần cấm nhập khẩu thiết bị lạc hậu
Đại biểu Lê Quang Trí cũng cho rằng, hiện nay công nghệ sinh học phát triển, các phòng thí nghiệm vi sinh, virut, các nhà khoa học đã và đang tạo ra các chủng mới để phục vụ sản xuất, khám chữa bệnh, phục vụ con người. Tuy nhiên, vấn đề này cũng tạo ra những chuẩn sinh vật nguy hiểm cho môi trường và sức khỏe con người. Nếu bị phát tán ra cộng đồng thì hậu quả rất nghiêm trọng. Đại biểu Lê Quang Trí đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung quy định về cấm phát tán các chủng vi sinh vật ra môi trường.
Cho ý kiến về dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu thành phố Hà Nội cho rằng phương thức địa táng người chết đã trở nên lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, Do vậy, Luật cần quy định làm sao hạn chế thấp nhất hình thức địa táng, khuyến khích hoả táng và hình thức xử lý tro cốt sau hoả táng phù hợp đạo lý, đảm bảo vệ sinh nhưng không tốn nhiều đất.
Trước thực tế công tác thanh kiểm tra về môi trường thời gian qua còn nhiều bất cập, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, nhiều ý kiến đề nghị xem xét kỹ quy định về thanh tra, kiểm tra đột xuất để phù hợp với Luật Thanh tra, đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tránh chồng chéo.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà: Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đảm bảo tính khả thi trong thực tế
Làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, thay mặt Ban soạn thảo dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định những ý kiến tâm huyết của các đại biểu Quốc hội sẽ được Ban soạn thảo, Bộ tài Nguyên và Môi trường nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng với một tư duy nhất quán là làm thế nào để bộ luật này khi ban hành sẽ đảm bảo tính khả thi trong thực tế cũng như sẽ làm thay đổi tình trạng môi trường đang bị ô nhiễm và suy thoái hiện nay. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cam kết những vấn đề đại biểu quan tâm về đến vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, xuyên quốc gia như không khí, nước hoặc một số vấn đề khác liên quan đến sinh học sẽ được nghiên cứu và sẽ có sự nghiên cứu tham vấn của các chuyên gia để có được một công cụ pháp lý hoàn chỉnh, nhằm kiểm soát tốt tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay.
Trước quyết tâm và cam kết của Bộ Trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêm túc tiếp thu và tiếp tục lấy ý kiến về dự thảo Luật này. Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi) không phải sẽ được thông qua 3 kỳ họp như dự kiến mà chỉ được thông qua khi đã hoàn thiện Dự luật một cách thận trọng và hoàn chỉnh./.
Công cụ kinh tế đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường
Quan điểm chỉ đạo xây dựng dự án Luật, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà nhấn mạnh bảo vệ môi trường phải được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển. Môi trường không chỉ là không gian sinh tồn của con người mà còn là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế-xã hội bền vững. Chúng ta không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường. Bảo đảm hài hòa lợi ích, tạo động lực khuyến khích các bên liên quan tham gia công tác bảo vệ môi trường. Và bảo vệ môi trường phải lấy bảo vệ sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu, bảo đảm mọi người dân đều có quyền được sống trong môi trường trong lành; dựa trên cơ sở phòng ngừa là chính, kết hợp với khắc phục ô nhiễm, suy thoái và cải thiện chất lượng môi trường. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về vấn đề này.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh: Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tiếp thu kinh nghiệm của các nước phát triển
Phóng viên: Với quan điểm xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được tư lệnh ngành môi trường Trần Hồng Hà trình bày trước Quốc hội là bảo vệ môi trường phải được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này như thế nào?
- Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Trong tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà trình bày trước Quốc hội thể hiện rõ sự chuẩn bị công phu của Ban soạn thảo, thể hiện sự trăn trở của Bộ trưởng hướng tới làm sao bảo vệ môi trường nước ta được bền vững hơn trước tình trạng môi trường nước ta đang bị ô nhiễm nghiêm trọng hiện nay.
Tôi đánh giá cao những đổi mới trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đặc biệt tiếp thu kinh nghiệm của các nước phát triển. Ví dụ, về quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn môi trường, dự thảo đã xây dựng theo hướng ngày càng nghiêm ngặt hơn để bảo vệ tốt hơn sức khỏe con người và đạt mục tiêu người dân Việt Nam được hưởng chất lượng môi trường ngang bằng với các nước tiên tiến trên thế giới.
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà: Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã khắc phục được những vấn đề ứng phó với sự cố môi trường
- Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung theo hướng đổi mới mạnh mẽ cơ chế, biện pháp, công cụ quản lý trong hoạt động bảo vệ môi trường cho phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, có hai vấn đề quan trọng trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này đã được làm rõ hơn là đã khắc phục được những vấn đề ứng phó với sự cố môi trường. Một là xác định rất rõ trách nhiệm của các chủ thể trong việc phản ứng với những sự cố môi trường. Hai là đã có quy định cụ thể, rõ hơn trách nhiệm và việc xử lý trách nhiệm của những người để xảy ra sự cố môi trường, trong đó có cả trách nhiệm về hành chính, trách nhiệm về kỷ luật, trách nhiệm hình sự cũng như liên quan tới trách nhiệm về dân sự bồi thường thiệt hại và khắc phục sự cố môi trường.
Đại biểu Hoàng Văn Cường: Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tiệm cận dần với các quy định chung của khu vực và thế giới
- Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Dự thảo Luật sửa đổi lần này được sửa đổi, bổ sung theo hướng tiến bộ, chặt chẽ hơn so với Luật bảo vệ môi trường năm 2014. Nội dung theo hướng nghiêm ngặt hơn, kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, nhưng đồng thời cũng không được gây cản trở cho sự phát triển kinh tế. Đặc biệt, nhiều quy định trong Dự thảo Luật cũng đã tiệm cận dần với các quy định chung của khu vực và thế giới trong việc thiết kế các công cụ kinh tế, rào cản kỹ thuật, các quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
Phóng viên: Góp ý vào Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đang được Ban soạn thảo tiếp tục lấy ý kiến, đại biểu có đề xuất kiến nghị gì để góp phần hoàn thiện dự thảo đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn?
- Đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Luật Bảo vệ môi trường hiện hành đã quy định công cụ kinh tế như công cụ về thuế, phí được áp dụng trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, nhưng hiệu quả chưa cao, chưa góp phần hữu hiệu trong việc điều chỉnh, thay đổi các hành vi theo hướng có lợi cho môi trường, giảm phát thải ra môi trường.
Dự thảo Luật sửa đổi lần này đã bổ sung nhiều quy định về công cụ, chính sách kinh tế trong bảo vệ môi trường hơn như việc mở rộng lĩnh vực và đối tượng chịu thuế, phí, như thuế bảo vệ môi trường đối với chất thải, phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khác có tác động xấu đến môi trường. Tôi đánh giá cao nội dung này. Bởi chúng ta cần sử dụng các công cụ kinh tế linh hoạt thay cho công cụ hành chính cứng nhắc nhằm khuyến khích các hoạt động thân thiện môi trường, tăng tính hiệu lực, hiệu quả trong công tác bảo vệ môi trường của các cá nhân, tập thể hơn.
Chúng ta thấy tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường không chỉ đơn thuần là kỹ thuật không kiểm soát được mà phần lớn là người ta không muốn kiểm soát, thậm chí nếu kiểm soát thì chi phí quá lớn so với việc vi phạm khi xử lý. Chính vì vậy tôi cho rằng Luật sửa đổi lần này cần quy định cụ thể, chặt chẽ để điều tiết hành vi gây ra ô nhiễm môi trường. Đứng về mặt kinh tế chúng ta cần đưa ra các chế tài đủ sức răn đe để trên cơ sở đó thiết lập ra các công cụ kinh tế quản lý hoạt động gây ô nhiễm môi trường.
Đại biểu Lê Công Nhường: Coi chất thải là tài nguyên để góp phần thúc đẩy kinh tế
- Đại biểu Lê Công Nhường, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định:Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, chất thải được quản lý theo quy định về chất thải nguy hại, chất thải rắn thông thường, chất thải rắn sinh hoạt, nước thải, bụi, khí thải, tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bức xạ. Tuy nhiên, các quy định này chưa đầy đủ, chưa thống nhất, nhất là đối với chất thải rắn sinh hoạt, nhiều quy định không còn phù hợp với thực tiễn, tiến bộ khoa học kỹ thuật. Tôi cho rằng, cần phải đổi mới phương thức quản lý chất thải, coi chất thải là tài nguyên để góp phần thúc đẩy kinh tế. Chúng ta cần tận dụng tối đa nguồn rác thải này để phát triển cho các ngành công nghiệp phụ trợ khác.
Đối với chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, theo tôi trong xu thế hội nhập hiện nay cần đẩy mạnh khuyến khích phân loại chất thải nhằm nâng cao hiệu quả tái chế. Tôi cũng đề xuất cần có quy định cụ thể về cách tính chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng phát sinh và cách thức quản lý phù hợp với đặc điểm khu vực đô thị và nông thôn theo hướng xả rác thải nhiều sẽ phải trả phí cao hơn so với cá nhân, hộ gia đình xả ít./.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn các đại biểu!
Với vai trò là một đạo luật cơ bản về bảo vệ môi trường, các đại biểu Quốc hội cũng mong muốn Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) phải bảo đảm được tính toàn diện, đồng bộ, thống nhất, khắc phục được sự phân tán, tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho việc định hình chuyển đổi các mô hình kinh tế theo hướng bền vững; tạo cơ sở pháp lý thực hiện các cam kết quốc tế, trách nhiệm được quy định trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới./.