Đại biểu Võ Đình Tín, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Võ Đình Tín bày tỏ sự tán thành với nhiều nội dung của dự thảo luật và các vấn đề Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã nêu. Bên cạnh đó, đại biểu Võ Đình Tín cũng đóng góp một số ý kiến cụ thể về chính sách đối với người nghiện ma túy, bao gồm những đối tượng dưới 18 tuổi và trên 18 tuổi với những góc độ sau:
Về chính sách cai nghiện đối với người nghiện ma túy, theo đại biểu Võ Đình Tín, dự thảo luật quy định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi tại khoản 5 Điều 92 và áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên tại khoản 1 Điều 96. Như vậy, so với luật hiện hành, dự thảo luật bổ sung chính sách coi việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi là biện pháp xử lý hành chính và áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với đối tượng này. Đối với người đủ 18 tuổi trở lên nghiện ma túy thì không áp dụng biện pháp cai nghiện tự nguyện, biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng hay biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà đưa hết vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Đại biểu Võ Đình Tín cho rằng, tại hại của ma túy đối với người nghiện với gia đình và xã hội là rất lớn nên nhà nước cần có chính sách để cai nghiện đối với những trường hợp nghiện ma túy. Tuy nhiên, đây là biện pháp để cai nghiện cho họ mà không phải là hình thức trừng phạt, đây là chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ngay từ khi Quốc hội xác định bỏ tội danh sử dụng trái phép chất ma túy từ năm 2009. Riêng đối với trẻ em, người dưới 18 tuổi, ngoài các quy định chung, các chính sách, biện pháp cai nghiện cho các em còn phải đảm bảo được lợi ích tốt nhất cho trẻ em theo Luật Trẻ em, các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.
Đi vào vấn đề cụ thể, đại biểu Võ Đình Tín kiến nghị không đưa người nghiện ma túy vào trường giáo dưỡng, do trường giáo dưỡng không phải là nơi để cai nghiện ma túy, người nghiện ma túy phải được áp dụng các biện pháp để cai nghiện.
Bên cạnh đó, đối với các quy định khác, dự thảo luật có sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách lớn về áp dụng biện pháp xử lý hành chính để cai nghiện cho người nghiện ma túy. Hồ sơ dự án luật chưa cụ thể, báo cáo tổng kết không nêu khó khăn, vướng mắc, báo cáo đánh giá tác động cũng không đánh giá tác động, đại biểu cho rằng đây là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Chỉ thị số 36 của Bộ Chính trị đã đưa ra các giải pháp tổng kết, đánh giá toàn diện tác hại của ma túy để có sự điều chỉnh cho phù hợp theo hướng tập trung nguồn lực cho những hình thức cai nghiện có hiệu quả. Do đó, đại biểu Võ Đình Tín đề nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung, tổng kết, đánh giá tác động kỹ lưỡng đối với những đề xuất sửa đổi để có cơ sở xem xét, cho ý kiến về nội dung này.
Về mối quan hệ giữa Luật Xử lý vi phạm hành chính và Luật Phòng, chống ma túy trong việc quy định cai nghiện ma túy. Theo đại biểu Võ Đình Tín, Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định về biện pháp xử lý hành chính để cai nghiện cho người cai nghiện ma túy, trong khi các quy định mang tính tổng thể về cai nghiện ma túy cho người nghiện ma túy được quy định trong Luật Phòng, chống ma túy, trong đó áp dụng biện pháp xử lý hành chính để cai nghiện cho người nghiện chỉ là một phần, ngoài ra còn các biện pháp khác như biện pháp cai nghiện tự nguyện, biện pháp cai nghiện bắt buộc tại cộng đồng; .
Trong khi đó, theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh được Quốc hội thông qua chiều ngày 10/6/2020, dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội, dự kiến vào khoảng tháng 3/2021, tức là thông qua sau dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Do đó, cùng với đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung tổng kết, đánh giá tác động nêu trên, đại biểu đề nghị chuyển việc xem xét thông qua dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính từ kỳ họp thứ 10 sang kỳ họp thứ 11 để thông qua cùng với Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi).
Trên cơ sở Quốc hội đã cho ý kiến và quyết định về tổng thể các biện pháp cai nghiện, trong đó, đối tượng nào bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính để cai nghiện với hình thức nào, với thời hạn bao lâu trong dự án Luật Phòng, chống ma túy để sửa đổi, đưa vào dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Như vậy, vừa đảm bảo tính tổng thể, tính hệ thống, tránh phát sinh mâu thuẫn, vừa có thời gian để các cơ quan có liên quan xem xét, đánh giá kỹ lưỡng hơn.
Trường hợp vẫn thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính tại kỳ họp thứ 10, tức là trước Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), đại biểu Võ Đình Tín đề nghị Luật Xử lý vi phạm hành chính cần sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng các biện pháp hành chính để cai nghiện cho người nghiện ma túy. Đối với các quy định về trường hợp nào bị áp dụng biện pháp gì và thời hạn bao lâu thì nghiên cứu quy định theo hướng dẫn chiếu liên quan đến Luật Phòng, chống ma túy./.