Đại biểu Lê Công Đỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An phát biểu tại phiên thảo luận
Phát biểu tại thảo luận về dự Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Lê Công Đỉnh bày tỏ về sự cần thiết để ban hành, sửa đổi Luật xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện dự án Luật, đại biểu Lê Công Đỉnh tham gia đóng ý kiến một số vấn đề sau:
Về vấn đề chung, đại biểu Lê Công Đỉnh đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu nâng mức phạt tiền tối đa tất cả các lĩnh vực để tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của nhóm hành vi vi phạm, tăng tính răn đe, phòng ngừa, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, đảm bảo thực hiện nghiêm nguyên tắc mọi hành vi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải được xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định pháp luật.
Theo đại biểu, khi vi phạm hành chính phải xử lý đến nơi đến chốn, nếu không tự thực hiện thì phải tiến hành cưỡng chế thi hành, không phải phạt cho tồn tại. Song song đó, cùng với việc Quốc hội vừa thông qua Luật Xây dựng, đại biểu đề nghị sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan như Luật Quy hoạch và Luật Đất đai và trong triển khai thực hiện phải đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người dân, có như vậy mới hạn chế được tình trạng vi phạm hành chính như hiện nay.
Về các điều khoản cụ thể, qua nghiên cứu dự án luật cũng như thực tế quản lý nhà nước ở địa phương, đại biểu Lê Công Đỉnh tham gia đóng góp ý kiến vào 3 nội dung:
Thứ nhất, đại biểu Lê Công Đình đề nghị bổ sung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 28 về các biện pháp khắc phục hậu quả, buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép, xây dựng không đúng giấy phép hoặc công trình xây dựng, phần công trình xây dựng không phù hợp với quy hoạch được duyệt, đồng thời điều chỉnh tiêu đề của Điều 30 tương ứng với nội dung này.
Theo đại biểu, luật hiện hành không quy định buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không phù hợp quy hoạch được duyệt, nhưng tại Nghị định số 139/2017, Chính phủ có quy định biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra. Hiện nay, do thiếu quy định của pháp luật, nên tại các địa phương, hành vi vi phạm xây dựng công trình không phù hợp quy hoạch được duyệt, xây dựng trên đất không được cấp giấy phép xây dựng diễn ra khá nhiều và rất khó xử lý. Bởi vì hiện tại xây dựng nhà ở nông thôn riêng lẻ thì không phải xin phép, xây dựng trên đất ở nhưng trái quy hoạch thì bị xử lý xây dựng nhưng cơ sở pháp lý để khắc phục hậu quả buộc tháo dỡ thì chưa quy định trong luật.
Thứ hai, đại biểu Lê Công Đỉnh cho biết, tại khoản 1 Điều 58 dự thảo luật quy định: “Biên bản vi phạm hành chính được lập trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi phát hiện vi phạm hành chính”. Qua thực tế, việc lập biên bản vi phạm hành chính ở địa phương cho thấy, quy định như trên là rất khó thực hiện, nhất là trong lĩnh vực đất đai, xây dựng môi trường. Khi phát hiện vi phạm nhưng chưa xác định được cá nhân hoặc tổ chức vi phạm thì cần phải thu thập thông tin, xác định đối tượng vi phạm, có khi cần mời đại diện tổ chức để làm rõ vi phạm có liên quan đến tổ chức hay không và cần củng cố hồ sơ, tài liệu, chứng cứ để chứng minh vi phạm mất rất nhiều thời gian, chỉ trong vòng 24 giờ hoặc 48 giờ đối với các trường hợp phức tạp cũng rất khó thực hiện.
Ngoài ra, đại biểu bày tỏ băn khoăn về việc dự thảo luật quy định việc lập biên bản vi phạm hành chính phải trong vòng 24 giờ, khi phát hiện thì xảy ra trường hợp lập biên bản không kịp thời, vậy khi phát hiện vi phạm thì xử lý hậu quả trong trường hợp vượt 24 giờ thì như thế nào? Có thuộc trường hợp không ra quyết định xử phạt hay không? Dự thảo luật chưa quy định điều khoản đối với trường hợp này. Do đó, nếu như sửa quy định như dự thảo luật thì sẽ có rất nhiều hành vi vi phạm hành chính sẽ không được xử lý. Đại biểu đề nghị, nếu sửa đổi và buộc phải quy định thời gian thì nên quy định thời gian dài hơn và nên giao Chính phủ quy định chi tiết thời gian cho từng lĩnh vực, để người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính đảm bảo được thực hiện đúng theo quy định pháp luật.
Thứ ba, đại biểu Lê Công Đỉnh cũng tham gia ý kiến về bổ sung điểm đ khoản 2 Điều 86 của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đại biểu bày tỏ sự tán thành với việc bổ sung biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm là biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm hành chính. Trong đó, điện, nước được sử dụng là công cụ, phương tiện vi phạm hành chính. Qua thực tế, quản lý nhà nước ở địa phương cho thấy, tình trạng vi phạm hành chính, nhất là lĩnh vực xây dựng rất khó ngăn chặn, bởi nhiều lý do, nhất là khi các cá nhân, tổ chức cố tình vi phạm.
Theo đại biểu, nếu chỉ thực hiện biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề theo thủ tục hành chính quy định tại Điều 125 của dự thảo luật là chưa đủ để ngăn chặn vi phạm hành chính. Lập biên bản thì lập biên bản, làm thì cứ làm, khi lực lượng đến thì họ ngừng, nhưng khi quay đi họ lại tiếp tục thực hiện và chưa kể họ nghĩ phạt xong cho tồn tại. Đại biểu cho biết, thực tế rất ít công trình xây dựng vi phạm bị cưỡng chế, tháo dỡ và không có đội ngũ lực lượng cơ sở nào đủ sức ngăn chặn vi phạm hành chính hiệu quả, nếu không bổ sung biện pháp này. Bổ sung biện pháp này sẽ góp phần đảm bảo nguyên tắc mọi hành vi vi phạm phải được ngăn chặn kịp thời.
Mặt khác, điện, nước là nhu cầu thiết yếu của mọi người, là nguyên liệu quan trọng của hoạt động sản xuất kinh doanh, nên việc dừng cung cấp dịch vụ điện, nước như một biện pháp cưỡng chế để buộc cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính phải thực hiện quyết định xử phạt là chưa phù hợp, không tương xứng, làm ảnh hưởng đến cuộc sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của cá nhân, tổ chức, nhất là khi điện, nước không phải là công cụ, phương tiện vi phạm. Hơn nữa, Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định nhiều biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt hành chính có tính trực tiếp để thi hành xử phạt hành chính./.