ĐBQH TRẦN THỊ DUNG GÓP Ý ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT CƯ TRÚ (SỬA ĐỔI)

24/08/2020

Phát biểu tại phiên họp toàn thể hội trường về dự án Luật Cư trú (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Thị Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên bày tỏ tán thành với việc quản lý cư trú theo phương thức mới, song cũng cho rằng dự kiến áp dụng Luật Cư trú với phương thức quản lý mới, dựa trên nền tảng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 01/7/2021 như Tờ trình của Chính phủ là khó có thể thực hiện được.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Thị Dung nêu rõ, nền tảng cơ sở dữ liệu để thực hiện việc quản lý cư trú theo phương thức mới. Việc quản lý cư trú theo phương thức mới chỉ có thể thực hiện được khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoàn thiện và đi vào khai thác sử dụng một cách ổn định, bảo đảm thuận tiện cho người dân. Tuy nhiên theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Căn cước công dân ngày 22/10/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII như sau: Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 896 và gọi là Đề án 896 với mục tiêu giảm các loại giấy tờ, thủ tục hành chính gây phiền hà cho công dân và lúc đó chỉ ra có 70 thủ tục hành chính. Yêu cầu xuất trình Giấy khai sinh hoặc bản sao Giấy khai sinh và 18 thủ tục hành chính, yêu cầu giấy đăng ký kết hôn hoặc bản sao Giấy đăng ký kết hôn. Như vậy, thời điểm đó nếu xuất trình thẻ Căn cước công dân và khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ thay cho việc xuất trình toàn bộ các giấy tờ như hiện nay và để minh chứng thêm thì báo cáo bổ sung ngành công an đang lưu trữ, khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống tàng thư Chứng minh nhân dân với 60 triệu người và hệ thống tàng thư hộ khẩu với 80 triệu nhân khẩu. Đại biểu Trần Thị Dung cho rằng, những thông tin, tài liệu sẵn có này cùng với các dữ liệu chuyên ngành khác là nguồn quan trọng cung cấp cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có thể tiết kiệm được chi phí và rút ngắn thời gian xây dựng cơ sở dữ liệu này. Như vậy, việc triển khai đồng bộ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc theo lộ trình đến năm 2020 là khả thi.

Đại biểu Trần Thị Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên

Theo quy định của Luật Căn cước công dân thì năm 2014 chậm nhất là từ ngày 01/01/2020 cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải được hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng, được quản lý thống nhất từ trung ương xuống địa phương và là cơ sở dữ liệu gốc, từ đó chia sẻ, kết nối với các cơ sở dữ liệu khác phục vụ công tác quản lý liên quan đến công dân. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm, kể từ khi luật được Quốc hội thông qua với dự kiến đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, theo báo cáo của Bộ Công an trong hồ sơ thì dự kiến phải đến tháng 12/2020 mới hoàn thành việc xác lập số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân Việt Nam trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để có thể vận hành thử nghiệm.

Cũng theo báo cáo của Bộ Công an, hiện nay mới có 18 triệu công dân được cấp và còn trên 80 triệu công dân nữa. Công tác này cần rất nhiều thời gian, đòi hỏi sự chính xác, có kiểm tra, đối soát chặt chẽ. Trong khi đó, việc đầu tư bố trí kinh phí cho hoạt động này còn hạn chế, với nguồn lực ngân sách hiện nay nhất là trong điều kiện chúng ta vừa tập trung khắc phục dịch bệnh, phục hồi kinh tế và giải quyết nhiều vấn đề xã hội khác thì việc bố trí, bảo đảm đủ 3 nghìn tỷ cho Bộ Công an như theo Đề án để hoàn thành việc này trong thời gian tới là rất khó khăn.

Bên cạnh đó, hiện nay Bộ Công an đang đề xuất việc cho lùi thời gian khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho đến khi hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Tức là, tới thời điểm cụ thể đến bao giờ thì chưa thấy rõ ràng.

Do đó đại biểu Trần Thị Dung cho rằng, trong điều kiện như vậy, có thể thấy việc dự kiến áp dụng Luật Cư trú với phương thức quản lý mới, dựa trên nền tảng của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 01/7/2021 như Tờ trình của Chính phủ là khó có thể thực hiện được.

Về đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở vào việc kết nối cơ sở hạ tầng, liên quan đến việc quản lý cư trú theo phương thức mới, đại biểu Trần Thị Dung nêu rõ, việc quản lý cư trú theo phương thức mới này có rất nhiều ưu điểm nhưng cũng đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý phải có trình độ hiểu biết với công nghệ phù hợp. Cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu công việc và đặc biệt là sự kết nối với các cơ quan nhà nước cũng như nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức ở địa phương khi giải quyết các công việc của người dân liên quan đến hộ khẩu. Nếu như ở các thành phố lớn, đô thị lớn, việc triển khai không có nhiều vướng mắc do việc kết nối cơ sở dữ liệu, hạ tầng kỹ thuật, chia sẻ thông tin giữa công an với các cơ quan nhà nước khác là khá đơn giản. Nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức giải quyết công việc của người dân là khá cao. Thế nhưng vấn đề này ở khu vực nông thôn, nhất là khu vực dân tộc miền núi thì không đơn giản. Hiện nay, sổ hộ khẩu là cơ sở pháp lý quan trọng được sử dụng khi người dân đến Ủy ban nhân dân xã để xin xác nhận thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước, v.v.. Nếu bỏ sổ hộ khẩu giấy ngay thì tất cả các Ủy ban nhân dân xã, các cơ quan Nhà nước từ cơ sở sẽ phải trang bị lại toàn bộ hệ thống máy tính, trang thiết bị để có thể truy cập, sử dụng, để bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc xác nhận, thay vì việc chỉ kiểm tra sổ hộ khẩu như hiện nay. Bên cạnh đó, người được giao làm công tác này cũng sẽ phải được đào tạo, hướng dẫn, tập huấn để quản lý sử dụng. Việc thay đổi này sẽ tạo ra những chi phí xã hội không nhỏ. Nếu tính ra giá trị kinh tế thì có thể còn lớn hơn nhiều con số 3.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vấn đề này chưa thấy được đánh giá tác động trong bộ hồ sơ của Chính phủ. Vì vậy, đại biểu Trần Thị Dung đề nghị cần phải có lộ trình thực hiện việc thay đổi này bảo đảm hạn chế tối đa việc xáo trộn đối với người dân. Đại biểu cho rằng những chỗ nào đủ điều kiện thì ta cho làm trước thử nghiệm, sau đó tổng kết, rút kinh nghiệm và nhân rộng phù hợp với nguồn lực và điều kiện thực tế của mỗi địa phương, khu vực. Nếu triển khai trên toàn quốc ngay mà thực hiện không hiệu quả, phải quay trở lại cách làm cũ sẽ còn tốn kém hơn rất nhiều, tác động lớn đến đời sống của xã hội.

Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Dung cũng đề nghị cân nhắc việc bãi bỏ khoản 3, 4 Luật Thủ đô quy định về điều kiện đăng ký thường trú ở Thủ đô. Theo đại biểu Trần Thị Dung, đây là vấn đề cần được cân nhắc thận trọng, bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân nhưng cũng phải đảm bảo hài hòa các yếu tố về hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, môi trường, chất lượng cuộc sống của người dân được quy định tại các điều của Luật Thủ đô. Theo đại biểu Trần Thị Dung, nêu quy định như dự thảo thì mục tiêu khi ban hành Luật Thủ đô sẽ không thực hiện được. Việc bỏ các quy định trên, dự kiến mỗi năm sẽ phải xây thêm bao nhiêu trường học, bao nhiêu bệnh viện và công viên cây xanh, hạ tầng để đáp ứng yêu cầu thiết yếu của người dân. Trong khi đó 117 cơ sở theo quy định tại Quyết định số 130 Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa được di dời theo đúng quy định này, cho nên phải hết sức cân nhắc./.

Bảo Yến