ĐBQH NGÀN PHƯƠNG LOAN GÓP Ý VỀ DỰ ÁN LUẬT CƯ TRÚ (SỬA ĐỔI)

24/08/2020

Phát biểu tại phiên họp toàn thể hội trường về dự án Luật Cư trú (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Ngàn Phương Loan – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn bày tỏ thống nhất về sự cần thiết xây dựng ban hành Luật Cư trú (sửa đổi) nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân, song cũng cho rằng cần nghiên cứu thêm về điều khoản chuyển tiếp đối với một số vùng đặc thù có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các quy định mới.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Ngàn Phương Loan – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn bày tỏ thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết xây dựng ban hành Luật Cư trú (sửa đổi) nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền tự do cư trú của công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự trong tình hình mới, bảo đảm thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính và ứng dụng khoa học, công nghệ về công tác đăng ký quản lý cư trú.

Đại biểu Ngàn Phương Loan – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn

Bên cạnh đó, đại biểu cũng góp ý đối với một số nội dung cụ thể của dự thảo Luật.

Cơ bản tán thành với quy định địa điểm không được đăng ký thường trú, tạm trú mới tại Điều 24 của dự thảo luật, song đại biểu Ngàn Phương Loan cũng đề nghị bổ sung thêm nội dung chỗ ở được xây dựng trên đất không phải là đất ở để bảo đảm thống nhất với quy định tại khoản 4 Điều 6 Luật Nhà ở.

Về xóa đăng ký thường trú được quy định tại Điều 25, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm 2 nội dung. Thứ nhất tại điểm d khoản 1 của điều này, đại biểu đề nghị cân nhắc đến tính hợp pháp của những trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài. Trên thực tế, có nhiều trường hợp xuất cảnh trái phép ra nước ngoài, cư trú nhiều năm ở nước ngoài, thậm chí có những trường hợp lấy chồng, lấy vợ, sinh con nhiều năm ở nước ngoài nhưng không làm thủ tục xóa đăng ký thường trú nên gây khó khăn cho công tác quản lý. Vì vậy, theo đại biểu Ngàn Phương Loan tại điểm này nên quy định trừ trường hợp xuất cảnh hợp pháp ra nước ngoài. Theo đó cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm cụm từ “hợp pháp” vào khổ cuối tại điểm c khoản 1 Điều 32 của dự thảo luật quy định về khai báo tạm vắng. Thứ hai, cũng tại Điều 25, đại biểu đề nghị bổ sung thêm quy định xóa đăng ký thường trú đối với trường hợp chấp hành hình phạt tù từ 12 tháng trở lên. Vì thực tế bản thân đối tượng này chấp hành hình phạt tù đã bị tước quyền tự do cư trú và không còn ở tại nơi đăng ký thường trú.

Về thay sổ hộ khẩu bằng số định danh cá nhân, đại biểu Ngàn Phương Loan phân tích, nếu luật được thông qua thì sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021. Theo lộ trình dự kiến thì đến tháng 12/2020, toàn bộ công dân Việt Nam sẽ được cấp số định danh cá nhân. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai Luật Căn cước công dân đến nay mới có hơn 18 triệu công dân được cấp số định danh cá nhân. Như vậy, từ nay đến thời gian đó không còn dài. Cùng với những yêu cầu và khó khăn của công tác này đã được chỉ ra trong các báo cáo của Bộ Công an và báo cáo thẩm tra. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo làm rõ tính khả thi của việc cấp sổ định danh cá nhân theo lộ trình để khi luật có hiệu lực thi hành thì bảo đảm luật được tổ chức triển khai trong cuộc sống. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm về điều khoản chuyển tiếp đối với một số vùng đặc thù có thể gặp khó khăn trong việc tiếp cận với các quy định mới.

Đại biểu chỉ rõ, như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Đối với những vùng này, việc chuyển đổi từ sổ hộ khẩu sang số định danh cá nhân có thể cần nhiều thời gian hơn bởi các lý do đặc thù như người dân sinh sống phân tán hay khả năng tiếp cận thông tin, v.v.. có thể ảnh hưởng tới quá trình cập nhật thông tin về cư trú và cơ sở dữ liệu về cư trú, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong khi đó phần lớn các giao dịch dân sự hiện nay đang thực hiện đều lấy thông tin từ sổ hộ khẩu. Đại biểu đề nghị nghiên cứu thêm về điều khoản chuyển tiếp có lộ trình, thời gian phù hợp đối với các vùng này để tránh gây xáo trộn, khó khăn cho các tổ chức, cá nhân./.

Bảo Yến