ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG: ĐỂ CÁC ĐỐI TƯỢNG CHỊU SỰ TÁC ĐỘNG TỰ ĐIỀU CHỈNH HÀNH VI THEO QUY ĐỊNH CỦA LUẬT

25/08/2020

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội đánh giá cao quan điểm sửa đổi tích cực của Luật theo hướng tăng các yếu tố về ràng buộc để cho các đối tượng chịu tác động sẽ tự điều chỉnh hành vi theo các điều chỉnh của luật, giảm các yếu tố hành chính.

Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này có một sự sửa đổi rất căn bản và sâu với quan điểm, tư tưởng cắt giảm những yếu tố về hành chính và tăng các yếu tố về ràng buộc để cho các đối tượng chịu tác động sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình theo các điều chỉnh của luật mà không đi vào yếu tố về ràng buộc kiểu xin cho hành chính. Đại biểu nhấn mạnh đây là một hướng sửa đổi luật rất tích cực.

Thảo luận tại Tổ 01 - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ tán thành với việc dự thảo Luật sử dụng công cụ kinh tế trở thành một công cụ để quản lý, điều tiết các hành vi môi trường. Đại biểu làm rõ, các công cụ về thuế, công cụ về phí ở đây không phải là thay thế cho Luật Thuế hay Luật Phí và lệ phí mà trong công cụ trong luật này đưa ra cơ sở để sau này xây dựng Luật Thuế môi trường sẽ phải căn cứ vào những nguyên tắc đó.

Đại biểu cũng cho biết, dự thảo Luật cũng đã bước đầu có sự phân định rõ là thuế là nhằm để điều tiết gọi là hành vi để có thể lựa chọn cho những người hay đối tượng mà có thể gây tác động. Như vậy nếu như áp dụng các mức thuế nào đó thì giúp cho người sử dụng có việc lựa chọn hoặc là sử dụng hành vi này hoặc là hành vi khác khi hành vi nào có lợi hơn thì người ta sẽ chuyển sang lựa chọn đó. Hay nói cách khác, hành vi nào ít gây ô nhiễm môi trường hơn thì người sử dụng sẽ lựa chọn. Đối với quy định về phí, quy định rất rõ đây là phần phải chi trả cho việc mà gây ra ô nhiễm. Theo quan điểm anh gây ra ô nhiễm môi trường thì anh phải chi trả cho sự ô nhiễm đó. Bày tỏ đồng tình với các quy định này, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng lưu ý cần phải phân biệt rõ giữa phí ở đây, tức là chi phí cần phải bồi hoàn cho các hoạt động đã gây ô nhiễm khác so với phí và lệ phí trong luật phí, lệ phí hiện nay. Bởi vì phí và lệ phí theo Luật Phí và lệ phí không phải là để bồi hoàn toàn bộ các yếu tố ô nhiễm gây ra dùng để trang trải lại hay là bồi hoàn lại toàn bộ những các hậu quả đó. Do đó, đại biểu cho rằng Luật cần phải phân định rất rõ để tránh nhầm lẫn.

Bên cạnh đó, công cụ về phí, chi phí cho việc bỏ ra xử lý các hoạt động ô nhiễm, trong luật này cũng đưa ra theo hướng tính đúng, tính đủ. Khi đó để tính đúng, tính đủ sẽ phải định giá được, lượng giá được là chi phí là bao nhiêu. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, để lượng giá được chi phí phải dựa trên 2 yếu tố. Một yếu tố là lượng giá về mức khắc phục. Một yếu tố nữa là dựa vào khối lượng chịu đựng được của môi trường. Đại biểu bày tỏ mong muốn Luật này quy định sâu hơn nữa là phải có công cụ trong việc xác định hay là đấu giá các giấy phép xả thải; sử dụng công cụ thị trường mà không phải là công cụ hành chính. Luật cho phép được chuyển đổi, chuyển mua bán, chuyển nhượng giấy phép này thì cần phải có quy định về đấu giá đó.

Đại biểu nhấn mạnh, để xác định phí, đấu giá, thuế thì điều rất quan trọng là phải lượng giá được chi phí môi trường là bao nhiêu. Dự thảo Luật mới chỉ quy định Chính phủ sẽ quyết định về phương thức để lượng giá. Nếu chỉ quy định như vậy thì sẽ chưa đảm bảo khả năng đưa luật trở thành hiện thực. Đại biểu cho rằng cũng tương tự như trong lĩnh vực đất đai, nhiều nước, cơ quan để lượng giá môi trường phải là một cơ quan rất chuyên nghiệp. Do đó trong luật này cần phải quy định rõ một cơ quan có trách nhiệm trong việc lượng hóa môi trường.

Đại biểu Hoàng Văn Cường chỉ rõ, ngoài những công cụ truyền thống trên, dự thảo Luật  đưa ra một số công cụ mới như là ký quỹ về bảo vệ môi trường và bảo hiểm môi trường. Đại biểu cho biết đây là hai công cụ có liên quan đến nhau. Khi tiến hành một hoạt động có nguy cơ làm tổn hại môi trường thì phải ký quỹ để khi xảy ra ô nhiễm thì dùng quỹ đó để khắc phục. Nếu hoạt động có nguy cơ xảy ra ô nhiễm môi trường mà quỹ này không thể đủ khả năng để khắc phục thì phải sử dụng cơ chế là phải bảo hiểm. Tuy nhiên cần phải phân định rất rõ là ký quỹ sẽ xác định đến mức độ nào và bảo hiểm thì được xác định đến đâu.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Ghi nhận dự thảo luật cũng đưa ra một số các công cụ rất là mới để tạo các nguồn lực cho bảo vệ môi trường. Đại biểu cho biết, dự thảo luật này vẫn đưa ra quy định về quỹ môi trường nhưng quỹ môi trường ở đây không chỉ sử dụng nguồn từ ngân sách như các quỹ trước đây mà đã tính đến những các nguồn khác để hình thành cho quỹ môi trường như sử dụng các nguồn tài chính, từ bảo hiểm, từ đặt cọc v.v… để cho quỹ. Đặc biệt ở đây đưa ra một số công cụ mới như tín dụng xanh, phát triển của trái phiếu xanh. Đại biểu cho rằng đây cũng là những công cụ mới rất đáng được chấp nhận và hoan nghênh trong dự thảo lần này. Tuy nhiên 2 công cụ về tín dụng và trái phiếu còn mang tính chất sơ khai, chưa có được cơ chế để hấp dẫn những người bỏ tiền vào các công cụ này, để người dân thấy rằng là có hưởng lợi và trở thành công cụ thực sự tạo ra nguồn lực cho quỹ bảo vệ môi trường.

Liên quan đến mô hình kinh tế tuần hoàn, đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ đồng tình với quy định của Luật và cho rằng đây cũng sẽ là một định hướng cho việc tổ chức ra các mô hình tổ chức sản xuất. Hiện nay nhiều nước phát triển như là Đan Mạch, Hà Lan, Thụy Điển áp dụng rất tốt mô hình kinh tế tuần hoàn. Việt Nam cũng có mô hình này rồi như mô hình VAC, vườn ao chuồng nhưng rất thô sơ. Đại biểu cho rằng, mô hình này rất tốt, hướng đến phát triển bền vững, không phải chỉ về kinh tế mà gắn liền kinh tế môi trường. Do đó, đại biểu bày tỏ mong muốn dự thảo Luật không chỉ dừng lại ở một điều khoản mang tính chất khuyến khích mà phải trở thành 1 điều khoản mang tính chất ràng buộc chặt chẽ hơn để làm sao các lĩnh vực có thể phát triển được theo mô hình kinh tế tuần hoàn thì phải chuyển hướng phương thức tổ chức sản xuất, và từ sản xuất cho đến tiêu dùng rồi phế thải ra ngoài lại trở thành đầu vào của sản xuất./.

Bảo Yến