ĐBQH DƯƠNG QUANG THÀNH GÓP Ý VỀ DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI)

25/08/2020

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Dương Quang Thành – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội cho rằng dự thảo đã có sửa đổi phù hợp hơn với thực tiễn những vẫn còn một số nội dung cần được xem xét để hoàn chỉnh hơn.

Theo đại biểu Dương Quang Thành, mặt được của dự thảo sửa đổi lần này phù hợp hơn với thực tiễn.

Đại biểu chỉ rõ, Luật đã bổ sung và làm rõ các quy định về đánh giá sơ bộ tác động môi trường để tránh mâu thuẫn với quy định của Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư. Trước đây các khái niệm về đánh giá sơ bộ, tác động môi trường trong Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng không rõ cho nên khi xây dựng thì yêu cầu phải đánh giá chi tiết trong khi các công đoạn của đầu tư thì có những công đoạn chỉ là sơ khai, các thông tin cụ thể, chi tiết chưa có trong đề án, các đánh giá còn khó khăn thì trong luật này đã quyết định làm rõ.

Ngoài ra, các quy định về thủ tục xin cấp phép môi trường, cấp phép đối với các dự án, như là các dự án nhà máy điện, nhiệt điện được cắt giảm thủ tục hành chính bằng việc ban hành quy định về giấy phép môi trường, thể hiện việc tích hợp một số loại giấy phép, thủ tục môi trường hiện nay. Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về thay đổi quy mô, công suất dự án, việc kiểm soát, quản lý môi trường từ tiền kiểm thay bằng thông qua giấy phép môi trường là thực hiện hậu kiểm. Sửa đổi các quy định về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Những sửa đổi cũng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp khi thực hiện các dự án.

Đại biểu Dương Quang Thành - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng nội dung dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vẫn còn một số tồn tại chính cần xem xét để hoàn chỉnh hơn.

Vấn đề thứ nhất, nhiều nội dung, thủ tục hành chính mới chưa thông dụng và chưa được áp dụng thí điểm trong thực thực tế nên cần phải có những định nghĩa rõ ràng, cũng như đánh giá tác động một cách toàn diện. Đại biểu chỉ rõ như giấy phép môi trường, đăng ký môi trường, đăng ký thông tin cơ sở dữ liệu môi trường, kiểm toán môi trường, sức khỏe môi trường, định giá carbon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính, hạn ngạch xả thải nước. Những khái niệm, những từ ngữ này xuất hiện rất nhiều mục, chương, điều của luật cho nên rất khó theo dõi, khiến các doanh nghiệp, các tổ chức và các cơ sở sản xuất khó thực hiện và dễ bỏ sót.

Vấn đề thứ hai, liên quan đến nhóm chính sách về ứng phó biến đổi khí hậu. Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường đã bổ sung một số nội dung mới về hạn ngạch phát thải khí nhà kính, hạn ngạch xả nước thải. Tuy nhiên, các quy định này lại không quy định rõ giai đoạn nào là cấp hạn ngạch. Đại biểu đề nghị là hạn ngạch này thì cấp vào giai đoạn lập F/S (Báo cáo nghiên cứu khả thi), có nghĩa khi lập F/S thì cấp hạn ngạch và khi duyệt F/S thì sẽ theo hạn ngạch đã được cấp, tránh tình trạng là khi xây dựng xong thì mới cấp hạn ngạch, lúc đấy đối với hạn ngạch phát thải thì công suất và năng lực của các nhà máy, của các thiết bị là không đảm bảo, bởi hạn chế về hạn ngạch cho nên đề nghị là cấp trong quá trình F/S. Đối với  các nhà máy đang vận hành, khi luật ra đời, các nhà máy vận hành đề nghị cấp hạn ngạch thì cấp theo điều kiện năng lực thực tế, tránh tình trạng cấp theo quy định mới mà hiện nay đang rất vướng đối với các nhà máy nhiệt điện của Tập đoàn và các đơn vị hiện nay trên hệ thống điện.

Vấn đề thứ ba về chương trình quan trắc đa dạng sinh học trong từng giai đoạn mười năm do cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm thực hiện nhưng không quy định về thời hạn phải hoàn tất vì các quy hoạch, kế hoạch là cơ sở để các cơ quan quản lý cấp dưới, các cơ sở sản xuất và tổ chức căn cứ thực hiện. Trong quá khứ đã xảy ra việc quy hoạch tài nguyên nước đối với các dòng sông thực hiện rất lâu khiến các dự án liên quan đến nguồn nước đều gặp nhiều khó khăn khi triển khai.

Vấn đề thứ tư, các quy định mới về bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học mục 4, chương II; về sức khỏe, môi trường Mục 5, chương II; Phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và bồi thường thiệt hại về môi trường chương X; Ứng phó biến đổi khí hậu chương VII; Công cụ kinh tế và nguồn lực bảo vệ môi trường chương XI, đại biểu rằng các quy định này mang tính chất chung chung và giao cho các bộ, ngành, địa phương quy định chi tiết. Đại biểu đề nghị những quy định này cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng và đánh giá tác động một cách toàn diện đến các đối tượng phải thực hiện, cần phải xem xét và cân nhắc trước khi luật hóa các quy định này.

Liên quan vấn đề hồi tố, đại biểu Dương Quang Thành cho biết, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi này cũng không phản ánh được việc không hồi tố các quy định môi trường mới áp dụng cho các nhà máy, cơ sở sản xuất đang vận hành được phê duyệt cấp giấy phép trước đây. Dẫn chứng thực tế các nhà máy điện, than trước đây, xây dựng cách đây khoảng 20, 30 năm thì theo tiêu chuẩn môi trường trước đây hoặc chưa có Luật môi trường khi Luật Bảo vệ môi trường 2014 ra đời thì yêu cầu phải đưa về mức phát thải bằng mức hiện nay. Có những nhà máy không thể cải tạo, nâng cấp được, có những nhà máy cải tạo nâng cấp thì bắt buộc phải tăng chi phí mà tăng chi phí phát sinh về tăng giá điện cho nên đặt ra vấn đề không hồi tố đối với các dự án trước đây.

Đại biểu Dương Quang Thành phân tích khi xây dựng một nhà máy cơ sở hoặc một trung tâm thì xác định là phong môi trường. Nếu phong môi trường không ảnh hưởng, đề nghị là không phải hồi tố, không yêu cầu các nhà máy khác phải lắp các thiết bị hoặc là nâng cấp các thiết bị để đảm bảo môi trường về đúng môi trường theo tiêu chuẩn mới. Chỉ khi đến ngưỡng của phong môi trường thì không được cấp phép các nhà máy khác hoặc các cơ sở sản xuất khác làm ảnh hưởng môi trường, vượt quá phong môi trường hiện tại. Đại biểu đề nghị là trong luật này cần phải quy định rõ không hồi tố đối với các nhà máy, nếu hồi tố thì phát sinh rất nhiều hệ lụy sau đối với các cơ sở sản xuất.

Đại biểu cũng cho biết thêm dự thảo Luật cũng cho phép các địa phương ban hành các quy chuẩn môi trường địa phương cao hơn quy chuẩn quốc gia, phù hợp với mức phân vùng cũng khó đối với lại các đơn vị, các dự án đầu tư. Đại biểu chỉ rõ khi thực hiện dự án đầu tư thì đối với các dự án lớn hoặc là các dự án ở trong phạm vi vùng thì do Bộ Tài nguyên - Môi trường thẩm định và thông qua đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, khi xây dựng một dự án xong để xin giấy phép như giấy phép sa thải nước mặn hoặc là xin giấy phép khác, các địa phương quy định các phong lại cao hơn cả phong của Bộ Tài nguyên - Môi trường phê duyệt. Các địa phương yêu cầu phải đưa về mức theo quy định của địa phương, gây khó cho các cơ sở sản xuất, đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện. Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ để thống nhất, tránh tình trạng gây khó dễ cho các nhà máy, các cơ sở sản xuất và các chủ đầu tư.

Về các khái niệm, đại biểu chỉ rõ, quy định phế liệu là chất thải và cơ bản không có gì thay đổi so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Việc xác định một chất có thể là chất thải hay không là tiêu chí để xác định biện pháp quản lý, xử lý chất đó.Vì vậy, đề nghị  cần phải định nghĩa rõ hơn và xem xét sửa đổi khái niệm chất thải theo hướng không coi các phế liệu như là sắt, thép, nhôm, đồng, chì hoặc là vật liệu nguyên liệu như là tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện, không chứa các chất nguy hại và được hợp chuẩn, hợp quy là sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế lớn lại không phải là chất thải./.

Bảo Yến