ĐBQH THÁI TRƯỜNG GIANG: CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN MÔI TRƯỜNG VỀ VẤN NẠN KHAI THÁC CÁT TRÁI PHÉP

31/08/2020

Tình trạng khai thác cát trái phép ở lòng sông từ lâu đã vô hình chung trở thành thực trạng ở nhiều địa phương từ Bắc tới Nam trên cả nước. Việc khai thác cát trái phép trong thời gian qua đã khiến cho môi trường bị ảnh hưởng, gây sạt lở bờ sông, thay đổi dòng chảy tự nhiên, thất thoát tài nguyên, đe doạ các công trình, tác động xấu tới môi trường. Trong bối cảnh đó, tại phiên chất chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá 14, Đại biểu Thái Trường Giang đã có ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về vấn nạn khai thác cát trái phép.

 

 

 

Nhức nhối vấn nạn khai thác cát trái phép

12h đêm là lúc nhà nhà chìm trong giấc ngủ, nhưng người dân xã Xuân Đình vẫn miệt mài thay phiên nhau túc trực để xua đuổi các đối tượng cát tặc lộng hành. Tất cả vật dụng trong nhà như vung nồi, đèn chiếu sáng công suất lớn đều biến thành vật thông báo, xua đuổi cát tặc.

Người dân xã Xuân Đình, thành phố Hà Nội chia sẻ: Chúng tôi chỉ biết khua chiêng, đánh trống thôi chứ chẳng biết làm gì được chúng nó cả, kiến nghị thì kiến nghị từ xã, đến huyện rồi cả kiến nghị tỉnh, rồi thành phố nhưng chẳng quan tâm đến dân, không thấy hồi âm gì.  

Ban đêm là vậy, ban ngày, tiếng loa, tiếng trống vang khắp cả một vùng quê vốn bình yên. Từ khi có hoạt động khai thác cát tại đây, người dân luôn phải sống trong cảnh thấp thỏm lo sợ bãi bồi, đê kè của họ sẽ cuốn theo dòng chảy giận dữ của sông Hồng.

Cũng trên tuyến sống Hồng đoạn chảy qua các xã Cẩm Đình, Phương Độ, Vân Nam, Vân Phúc thuộc huyện Phúc Thọ, cát tặc vẫn hàng ngày, hàng giờ ngang nhiên và liên tục đục khoét trái phép cát từ lòng sông mà không bị ngăn cản bởi bất kỳ lực lượng chức năng nào. 

Công an Hà Nội bắt giữ tàu hút cát trái phép trên sông Hồng 

Ông Đặng Văn Chiêu, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Vân Nam, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội bày tỏ: Năm 2013 địa phương được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đầu tư cho xây dựng kè chắn trên bờ đê, tất cả kè đá rộng khoảng trên 7 m, nhưng giờ lở hết rồi do hoạt động khai thác cát làm sạt lở hết toàn bộ khu vực bờ kè.

Những gì đang diễn ra tại huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội đã cho thấy lòng dân đang bất bình, còn chính quyền địa phương thì gần như “thờ ơ, bất lực” trước những hành vi khai thác trái phép.

Tại khu vực xã Yên Phong, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá có thể thấy hoạt động mua bán cát diễn ra hết sức sôi động. Mỗi ngày có hàng chục lượt xe tải trọng lớn ra vào khu vực bến bãi, còn dưới dòng sông Mã thì luôn có rất nhiều tàu hút áp sát bến. 

Sôi động không kém là tình trạng của bến bãi tại xã Định Hải, bãi chứa cát nằm sát với dòng sông Mã, thuộc địa phận quản lý của huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá. Khi phát hiện thấy có sự xuất hiện của nhóm phóng viên truyền hình Quốc hội Việt Nam, toàn bộ hoạt động ở đây dừng lại.

Trên tuyến sông Chu, thuộc địa phận xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hoá, 04 tàu hút công suất lớn, tiến sát bờ soi thi nhau rút ruột lòng sông. Cũng từ vị trí này, có thể quan sát thấy bờ soi đang bị sạt lở một cách nghiêm trọng, ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. 

Cũng trong tình cảnh tương tự như ở Thiệu Duy là khu vực của xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa, gần 10 chiếc tàu hút quần thảo ngay sau nhà văn hóa xã và Uỷ ban nhân dân xã, điểm chung của các tàu này đều khai thác sát với khu vực đất bãi bồi trồng hoa màu của người dân địa phương và số hiệu tàu, khu vực khai thác không rõ ràng.

Người dân đã nhiều lần kêu cứu, phản ánh tình trạng khai thác cát đe dọa hệ thống đê, đất đai, hoa màu của họ lên các cấp chính quyền địa phương và trên mạng xã hội. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có sự thay đổi, chuyển biến nào.

Ông Quản Hữu Vinh, xã Thiệu Hợp, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa: Tôi có quay hình ảnh các tàu hút vi phạm về mốc giới, phạm vi và tôi có đưa lên mạng xã hội sau đó các đối tượng lạ mặt liên tục ném chất bẩn vào nhà tôi và uy hiếp tinh thần tôi. Tôi đã báo cáo Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Công an huyện tuy nhiên các đối tượng vẫn nhở nhơ ngoài vòng pháp luật.

Cũng theo chia sẻ của người dân, hiện nay tình trạng khai thác cát ở các xã như: Thiệu Nguyên, Thiệu Duy, Thiệu Hợp, Thiệu Tân của huyện Thiệu Hóa khiến cho ruộng đồng, hoa màu của người dân đang sạt lở ngày một nghiêm trọng, nhiều héc ta đất nông nghiệp đã cuốn theo dòng chảy của sông Chu kể từ khi có hoạt động khai thác cát.

Trên địa bàn huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá hiện có 4 bến bãi và 4 mỏ được cấp phép hoạt động. Ghi nhận thực tế trên một khúc sông ngắn tại xã Định Hải, thuộc khu vực mỏ của Công ty Nam Lực được cấp phép, luôn thấy sự xuất hiện của rất nhiều tàu lạ không rõ biển số đục khoét lòng sông Mã.

Một tàu hút cát hoạt động sát bãi bồi ven sông Mã 

Mặc dù Uỷ ban nhân dân xã Định Hải nằm cách vị trí mỏ không xa, nhưng đến chính cả đại diện lãnh đạo xã Định Hải cũng không nắm rõ, mỏ của Công ty Nam Lực được cấp phép cho bao nhiêu tàu hút hoạt động, được giới hạn mỏ bởi những vị trí nào.

Ông Hoàng Trung Thịnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã Định Hải, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Thực sự là để xác định lại xem cái hồ sơ là phao này được đánh dấu từ đâu tới đâu, từ vị trí nào tới vị trí nào thì tôi cũng thú thực với các anh là tôi chưa xác định cũng như chưa tiếp cận được.

Uỷ ban nhân dân huyện Yên Định có đang chủ quan trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản? Và từ trước đến nay công tác quản lý nhà nước về khoáng sản được huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa quan tâm, giám sát chặt chẽ như thế nào? Tình trạng khai thác cát sỏi trên dòng sông Mã, sông Chu của tỉnh Thanh Hóa ra sao?

Có thể nói, thời gian gần đây, hoạt động khai thác cát trái phép tại nhiều địa phương có diễn biến phức tạp, các đối tượng lạ mặt còn đe dọa, thách thức những người dân khi dám đứng lên đấu tranh để bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản, bảo vệ đất đai, hoa màu canh tác của mình. Trong khi đó, Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng có trách nhiệm xử lý, họ đã làm gì?

Quyết liệt xử lý đối tượng khai thác cát trên sông

Mới đây, vào tháng 6/2020, lần đầu tiên Công an thành phố Hà Nội mở đợt cao điểm triệt phá nhiều ổ nhóm khai thác cát trái phép trên sông Hồng: Khởi tố, bắt tạm giam các đối tượng khai thác cát trái phép trên sông Hồng thuộc địa bàn hai quận huyện: Bắc Từ Liêm và Đông Anh. Trước đó, mặc dù một số đơn vị nghiệp vụ đã bắt giữ các tàu cát, nhưng do không đủ căn cứ để khởi tố hình sự nên chỉ xử phạt hành chính, do đó không đủ sức răn đe.

Liên quan tới hoạt đông khai thác cát, trong 04 chuyên án, công an thành phố Hà Nội đã bắt tam giam 15 đối tượng, cấm đi khỏi nơi cư trú 3 đối tượng khác về hành vi vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên theo quy định của Điều 227 Bộ Luật hình sự với khung hình phạt truy tố từ 2 tới 7 năm tù. Trong đó, cầm đầu 4 đường dây này là Vũ Tiến Dũng, Vũ Tiến Mạnh, Vũ Văn Ngọc hoạt động trên địa bàn Từ Liêm và Vương Xuân Thành hoạt động trên địa bàn Đông Anh – Hà Nội.

Cán bộ, chiến sĩ Đội CSGT đường thủy số 2 (Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội) bắt giữ tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Tôi đã xuống địa bàn huyện Thường Tín, thủ đô Hà Nội bao nhiêu năm. Tôi đã hỏi ông Phó Công an huyện rằng ông có biết chuyện này không? Biết mà không làm để khai thác cát như thế là làm sao?  Phải làm trách nhiệm đến cùng chứ. Hôm nay có đại diện Bộ công an ở đây để các đồng chí nâng cao tinh thần quân sỹ.

Theo quy định của Luật Đê điều và Luật Phòng, chống thiên tai, từ ngày 15/6 đến 15/10 hằng năm, các địa phương nghiêm cấm hoạt động khai thác cát trên sông; dừng hoạt động tập kết vật liệu xây dựng lên bãi sông, ven chân đê; đồng thời, giảm độ cao chất thải các bãi chứa. Thế nhưng qua ghi nhận thực tế tại nhiều địa phương, nhiều bến bãi vẫn sôi động, bất chấp các quy định của pháp luật.

Kiến nghị giải pháp kịp thời chấn chỉnh, xử lý các đối tượng khai thác cát sỏi lòng sông

Thông báo số 161/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 24/3/2017: Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát đánh giá thực hiện thăm dò, khai thác bãi cát lòng sông, quy hoạch bến bãi tập kết cát sỏi; xác định rõ trách nhiệm của cấp uỷ, chính quyền cơ sở trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi xây dựng trái phép. Nơi nào để xảy ra vi phạm kéo dài, gây bức xúc trong dư luận thì kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền quản lý địa bàn. Trường hợp phát hiện cán bộ, đảng viên có hành vi “ bảo kê”, tiếp tay, bao che, dung túng thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm phải xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật. Tuy nhiên có một thực tế việc khai thác cát trái phép trong thời gian qua ngày càng nghiêm trọng tại nhiều địa phương khiến cho môi trường bị ảnh hưởng, gây sạt lở bờ sông, thay đổi dòng chảy tự nhiên, thất thoát tài nguyên, đe doạ các công trình, tác động xấu tới môi trường.

Trước thực tế đó, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV, Đại biểu Thái Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về vấn nạn khai thác cát trái phép.  Nội dung chất vấn của đại biểu nêu rõ: “ Về vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực Đồng Bằng sông Cửu Long cũng như cả nước, Bộ trưởng có nêu một vấn đề là do chưa đàm phán với các nước láng giềng, đưa phù sa về đồng bằng ít gây ra sói lở. Tuy nhiên, thì tôi thấy vấn đề khai thác cát, kể cả khai thác trái phép hoặc dù có phép càng ngày càng nghiêm trọng cũng gây sạt lở. Như vậy thì trong khi đàm phán với các quốc gia khác là khó khăn. Trong khi đó, trong tầm tay của chúng ta, việc quản lý việc khai thác cát, sỏi trái phép thì dễ dàng hơn. Vậy thì theo tôi thấy việc giảm dần cấp phép khai thác cát, thậm chí là cấm tuyệt đối. Quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào? ”

Ngay sau chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã có phần giải trình trước Quốc hội. Bộ trưởng khẳng định: “Tôi đồng tình với đại biểu, thực tế hiện nay chúng ta đã làm rất nhiều và các nước đã áp dụng công nghệ, trong đó, tạo luồng để phù sa được nhiều hơn. Tuy nhiên, trên thực tế thì không bao giờ có thể đáp ứng được mong muốn. Giữa vấn đề thuỷ điện và vấn đề phù sa, vẫn có những thất thoát. Vấn đề khai thác cát là vấn đề nghiêm trọng. Tôi khẳng định như vậy và riêng về vấn đề này, chúng tôi đang chuẩn bị một Nghị định trình Chính phủ quy định toàn diện, tôi cũng không có nhiều thời gian báo cáo với Đại biểu về những vấn đề mới trong Nghị định. Nghị định sẽ quy định quản lý tổng hợp theo lưu vực, phân định rõ trách nhiệm, phân vùng cấm khai thác. Nhưng không thể nói cấm trên toàn bộ việc khai thác, vì nhu cầu nạo vét lòng sông cho tàu thuyền đi là nhu cầu có thật nên chúng ta vẫn phải thực hiện. Hơn nữa, các mỏ cát mà không khai thác thì nó cũng trôi đi và ảnh hưởng tới giao thông. Nên chúng ta phải tính toán hài hoà nhất để mà xử lý hợp lý.”

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Qua phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà có thể thấy Chính phủ và Quốc hội đã có những nỗ lực để khắc phục những khó khăn, bất cập trong công tác quản lý cát sỏi lòng sông, ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép trên lòng sông tại nhiều địa phương trên cả nước. Chính phủ, Bộ đã nhìn nhận được vấn đề và có những giải trình cụ thể liên quan tới giải pháp trong thời gian tới.

Vậy giải pháp cụ thể, sự vào cuộc của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ, Quốc hội sẽ được thực hiện như thế nào? Đại biểu kỳ vọng gì vào những giải pháp thực tế của ngành tài nguyên môi trường đưa ra trong thời gian tới? Phóng viên Cổng thông tin điện tử, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Thái Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau về vấn đề này.

 Đại biểu Thái Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau

Phóng viên: Thưa đại biểu, xuất phát từ thực tế nào, đại biểu có phần nội dung chất vấn với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường?

Đại biểu Thái Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Việc khai thác cát quá hạn ngạch, khai thác trái phép xuất phát từ thực tế, từ nguyên nhân trong khoảng 2 năm gần đây. Nguồn lợi, giá cả vật liệu xây dựng, trong đó có cát đang tăng cao, trong khi đó nguồn nguyên liệu thay thế cho cát xây dựng chưa đáp ứng được. Cùng với đó do lợi nhuận mang lại từ việc khai thác cát rất cao, lợi nhuận tốt nên việc khai thác cát trái phép, không phép, nhiều vấn đề hệ luỵ của nó vẫn diễn ra ở nhiều nơi, ở nhiều địa phương trong cả nước. Mặt khác, công tác quản lý nhà nước của chúng ta có nơi có lúc còn chưa đủ lớn, không chặt chẽ, lỏng lẻo, ở đâu đó vẫn có những hạn chế, tiêu cực như tôi nói dẫn đến việc khai thác trái phép cát thời gian qua vẫn còn nóng.

Phóng viên: Ngay sau chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường đã trực tiếp trả lời đại biểu tại nghị trường, đánh giá của đại biểu về phần trả lời của Bộ trưởng?

Đại biểu Thái Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Bộ trưởng đã có trả lời trực tiếp tôi về nội dung này. Qua trả lời thì tôi rất hài lòng, tuy nhiên, việc quản lý, việc khai thác cát còn thuộc thẩm quyền của Uỷ ban nhân dân các địa phương. Vì vậy, quản lý chuyên ngành, khai thác khoáng sản ở địa phương phải cùng có trách nhiệm, thậm chí là cộng đồng dân cư ở khu vực, ở các địa phương cũng có trách nhiệm cùng nhau. Do quy mô của việc khai thác cát trái phép là rất rộng, giữa nhiều địa bàn, liên quan tới nhiều địa phương nên tôi thấy cần có sự vào cuộc mạnh hơn nữa của cảnh sát môi trường, của các đơn vị khác cùng phối hợp để cùng nhau thực hiện thì mới giải quyết được tình trạng này.

Phóng viên: Đánh giá của đại biểu về những giải pháp mà ngành tài nguyên môi trường đưa ra trong công tác xử lý những vụ việc vi phạm mà Đại biểu đã nêu?

Đại biểu Thái Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Giải pháp mà Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đưa ra là rất tốt, với những giải pháp nhằm thực hiện các quy định của pháp luật trong việc khai thác tài nguyên, quản lý bảo vệ tài nguyên, trong đó có cát sỏi lòng sông. Tuy nhiên, như tôi đã nói, trong trả lời chất vấn của Bộ trưởng có nhận xét quản lý nhà nước tại các địa phương, địa bàn đôi lúc ở chỗ này, chỗ khác còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh nghiêm khắc, tiếp tục củng cố và nâng cao thì tình trạng khai thác cát sỏi trái phép đang nhức nhối lòng sông mới có thể giảm thiểu tiến tới chấm dứt được.

Phóng viên: Theo Đại biểu, trách nhiệm của chính quyền địa phương cần được nhìn nhận như thế nào?

Đại biểu Thái Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Cần phải làm rõ vai trò quản lý của chính quyền địa phương, đứng đầu là các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương, từ cấp tỉnh tới cấp cơ sở để thực hiện đồng bộ và thực hiện nghiêm. Có như vậy, mới mong giảm thiểu và thực sự chấm dứt tình trạng này. Vì nguồn tài nguyên cát khai thác mang lại nguồn lợi to lớn cho các đối tượng khai thác lén lút, khai thác lậu, khai thác quá giấy phép cho phép nên họ sẽ tiếp tục bất chấp pháp luật làm. Trong khi lực lượng của chúng ta tương đối mỏng so với yêu cầu quản lý nhà nước về vấn đề này. Nên tôi nghĩ cần phải có sự đồng bộ của các cấp từ tỉnh cho tới cơ sở và kiểm tra thường xuyên, tăng cường kiểm tra để chấn chỉnh thì mới có thể tốt hơn trong thời gian tới. Có lúc, tôi thấy có địa phương buông lỏng quản lý, có lúc liên quan tới lợi ích nhóm của địa phương đó, thậm chí là làm ngơ nên công tác quản lý khai thác nguồn tài nguyên cát còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh.

Phóng viên: Đại biểu có những kiến nghị gì về những giải pháp trong thời gian tới tại các địa phương, để hạn chế tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng này?

Đại biểu Thái Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Tôi nghĩ cần tăng xử lý vi phạm, thậm chí là đến mức phải xử lý hình sự, phải mạnh dạn và tăng cường kiểm tra các địa phương; có một cuộc tổng kiểm tra về các hạn ngạch và cấp phép cho các loại hình khai thác này; yêu cầu các địa phương phải nhìn nhận được việc khai thác đó sẽ làm cạn kiệt nghiêm trọng nguồn tài nguyên. Về vấn đề phối hợp liên tỉnh, các tỉnh với nhau, việc khai thác này cũng cần phải tính tới, có địa phương có nguồn lợi đó nhưng khi sai phạm bắt giữ ở tính đó thì họ lại chạy sang tỉnh khác. Và vô hình chung việc đó không có đồng bộ, không có sự phối hợp chặt chẽ trong quản lý nhà nước, làm cho quản lý của chúng ta yếu đi. Tôi nghĩ rằng tiến tới chấm dứt hoạt đông này, không cấp phép khai thác cát để làm vật liệu xây dựng mà nhà nước đang tiến tới tìm các loại vật liệu thay thế khác. Ví dụ như tro sỉ của các nhà máy nhiệt điện chẳng hạn, cũng rất khó nhưng mà hạn chế tới mức thấp nhất việc khai thác làm ảnh hưởng tới cả hệ thống đồng bằng Cửu Long, đồng bằng Bắc Bộ cũng như duyên hải Miền Trung. Bởi việc bù lại cho mất đất, sói lở  lòng sông, sạt lở nghiêm trọng đề điều sẽ lãng phí, tốn kém hơn nhiều lợi ích mang lại của một số nhóm đối tượng khai thác cát.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu.

Mới đây, Nghị đinh 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ với nhiều quy định mới siết chặt quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông chính thức có hiệu lực từ 10/4/2020. Quy định rõ trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương các cấp trong việc bảo vệ lòng, bờ, bãi, sông, hồ; quản lý cát, sỏi lòng sông. Chỉ sau một thời gian ngắn, việc triển khai Nghị định số 23 về quản lý khai thác cát, sỏi và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông được các ngành chức năng nhiều địa phương từng bước quán triệt và nhận được sự đồng thuận mạnh mẽ của các cấp chính quyền và nhân dân. Nghị định 23  được xem như một “cơ chế thép” để các cơ quan ban, ngành các tỉnh thực hiện tốt hơn công tác quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông. Đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước tin tưởng vào Nghi định mới của Chính phủ sẽ góp phần từng bước giải quyết triệt để vấn nạn cát tặc lâu nay “nhức nhối” những triền sông./.

 

 

 

Kim Yến