Dưới sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vừa tổ chức Hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập”.
Đại biểu Mai Sỹ Diến - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa chất vấn tại Hội nghị.
Tại Hội nghị, đại biểu Mai Sỹ Diến – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc bảo trì, đầu tư, nâng cấp, phát triển mới và hiện đại hóa các công trình thủy lợi nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước thường có sự đầu tư lớn. Nếu đầu tư công sẽ tạo áp lực lớn cho việc cân đối vĩ mô, trần nợ công. Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) quy định, lĩnh vực thủy lợi là 1 trong 5 lĩnh vực trọng tâm được đầu tư nhằm thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư. Tuy nhiên, việc đầu tư các công trình thủy điện phòng chống thiên tai là phải đầu tư nhanh, dứt điểm. Nếu chậm chạp thì sẽ ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước, sản xuất và sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, năng lực của các nhà đầu tư còn hạn chế, cơ chế đảm bảo chia sẻ với các nhà đầu tư cũng rất quan trọng nhưng lại rất mới. Với cơ quan là đầu mối giúp Chính phủ quản lý về thủy lợi, đại biểu Mai Sỹ Diến mong muốn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết Nhà nước cùng với các doanh nghiệp tham gia đầu tư các công trình thủy lợi có kinh phí đầu tư lớn, kỹ thuật phức tạp ra sao? Việc thực hiện bảo lãnh, bảo đảm chia sẻ với nhà đầu tư theo hình thức 50/50 để quản trị và huy động vốn đầu tư như thế nào?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Mai Sỹ Diến, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Việt Nam có chiều dài dốc nên mặc dù có tới hơn 7.000 hồ nhưng lại không đủ nước. Do đó, việc huy động thêm nguồn lực xã hội vào phát triển công trình thủy lợi là nhu cầu cấp bách, cần thiết. Tới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tổ chức hướng dẫn thiết chế các công trình thủy lợi đã có với số lượng là 6.570 hồ có tổng công suất là 14,5 tỷ m3.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: Những công trình trọng điểm lớn, công trình ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo thì Nhà nước có vai trò đầu tư là chủ yếu để đảm bảo an ninh nguồn nước và đối phó với những tình huống bất thường xảy ra. Còn việc đầu tư các hồ nhỏ rất phù hợp với các thành phần kinh tế. Việc bố trí đầu tư và huy động nguồn lực đầu tư cho công trình thủy lợi theo hướng như vậy vừa phù hợp với ngân sách của Nhà nước, kêu gọi nguồn lực xã hội đảm bảo chính sách an sinh, an ninh nguồn nước. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp cùng với các địa phương triển khai một số dạng đầu tư cho các công trình thủy lợi một cách phù hợp nhất, để từ đó có thể nhân rộng./.