ĐBQH PHẠM THU TRANG: SGK LỚP 1 ĐANG TẠO NHIỀU ÁP LỰC CHO HỌC SINH VÀ PHỤ HUYNH

21/10/2020

Theo ĐBQH Phạm Thị Thu Trang – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi, việc xuất bản, áp dụng giảng dạy bộ sách giáo khoa lớp 1 có một số bất cập gây áp lực cho cả học sinh và phụ huynh, đặc biệt về khối lượng kiến thức và sự lãng phí khi không thể tái sử dụng

 

Theo đại biểu Phạm Thị Thu Trang, số đầu sách cho mỗi bộ sách quá nhiều (với 23 đầu sách), khối lượng kiến thức nhiều, nhất là một số kiến thức xa rời thực tiễn và chưa phù hợp với độ tuổi; trọng lượng sách vở các cháu phải mang trên lưng đi học hằng ngày quá nặng, không phù hợp với thể trạng, trong khi độ tuổi các cháu cần phát triển toàn diện về thể chất, thể trạng và kiến thức, năng khiếu, vui chơi,…); nhiều phụ huynh nghèo, nhất là gia đình vùng nông thôn, miền núi gặp nhiều khó khăn trong việc mua sách do chi phí khá cao; sự thích nghi của giáo viên và học sinh với chương trình mới còn nhiều hạn chế.

Cũng theo đại biểu Phạm Thu Trang, cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phải tổ chức đánh giá nghiêm túc, khoa học, khách quan và có giải pháp khắc phục những hạn chế trên để làm cơ sở cho việc triển khai biên soạn, thẩm định, xuất bản và áp dụng các bộ sách giáo khoa các lớp, cấp học khác.

Hiện nay, chi phí cho việc mua 01 bộ sách giáo khoa lớp 1 là khá cao (có giá thành khoảng 700.000 đồng - 800.000 đồng/bộ sách, cùng với nhiều chi phí khác cho năm học); trong khi hướng sử dụng sách 01 lần/mỗi năm học gây rất nhiều lãng phí cho gia đình và xã hội. Cử tri đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo việc thiết kế, biên soạn và thẩm định sách giáo khoa cần quan tâm phải tính đến việc sử dụng lâu dài qua các niên khóa học (tái sử dụng sách) để giảm chi phí, hạn chế khó khăn của phụ huynh và giảm thiểu lãng phí cho xã hội; nghiên cứu phương thức hợp tác, xã hội hóa trong hoạt động xuất bản để hướng đến giảm giá thành sách giáo khoa.

Đại biểu Phạm Thị Thu Trang cho biết, nhiều phụ huynh phản ánh, khung giờ vào học một số trường quá sớm vào buổi sáng và buổi chiều gây khó khăn cho học sinh về bảo đảm giấc ngủ và thích nghi về giờ sinh học. Đồng thời, mỗi trường, mỗi lớp học có giờ nghỉ giữa buổi khác nhau đã gây khó khăn cho việc phụ huynh đưa đón con em, nhất là người trong khối cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, công nhân,... vì chưa hết giờ nghỉ làm (nếu tự đón thì vi phạm giờ làm việc hoặc không thể thực hiện; nếu thuê người đón thì tăng chi phí gia đình). Cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo rà soát tình hình thực tiễn, đặc điểm sinh hoạt, thời tiết từng địa phương, vùng miền,... để chỉ đạo các địa phương thống nhất các giờ học cho phù hợp với độ tuổi học sinh, giờ làm việc từng nơi; ban hành hướng dẫn để việc điều chỉnh khung giờ học của học sinh cho phù hợp. Đồng thời, có chỉ đạo về việc tăng cường đầu tư xây dựng cơ bản bảo đảm nâng cao khả năng học bán trú, nhất là cấp Tiểu học để tạo điều kiện làm việc cho phụ huynh, tăng cường kỹ năng, bảo đảm sức khỏe, an toàn cho học sinh

Mặc dù có sự khác nhau, đặc trưng riêng trong từng vùng, từng miền nhưng về mặt cơ bản tổng thể vẫn có những nét tương đồng nhất định giữa các tỉnh lân cận trong vùng, giữa các huyện trong tỉnh, giữa các xã trong huyện. Đề nghị bên cạnh quy định việc giao quyền chọn bộ sách giáo khoa cho địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm sự phù hợp, sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn.

Đồng thời, bên cạnh tiêu chí chọn lựa sách giáo khoa theo Thông tư số 01/2020/TT-BGDĐT ngày 30/01/2020 hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông, tại Điều 3 - Tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa, quy định: “Phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương; phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại cơ sở giáo dục phổ thông”, cần nghiên cứu chú trọng đến điều kiện đời sống, thu nhập của người dân trong khu vực; điều kiện đi lại, điều kiện học tập; khả năng tiếp cận giáo dục; khả năng của đội ngũ giáo viên trong vùng (như: giữa miền núi, hải đảo với đồng bằng; giữa nông thôn với thành thị,…) để xây dựng tiêu chí chọn bộ sách giáo khoa mới phù hợp, đồng bộ trong các khu vực có điều kiện tương đồng./.

Thành Nam