Theo đó, ngày 11/6/2020, Tổng Thư ký Quốc hội có văn bản số 30/GS-PCCV gửi đến Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phiếu chất vấn của đại biểu Tô Thị Bích Châu, phản ánh tình trạng thanh thiếu niên hút shisha, bóng cười phổ biến và tổ chức công khai ở nhiều tỉnh, thành phố, tại các quán, nhà hàng. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng trả lời vì sao không đưa những danh mục này vào chất cấm? Các chất này (shisha, bóng cười...) cỏ ảnh hưởng thần kinh, có độc hại hay không?
Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh.
Trả lời chất vấn của Đại biểu Tô Thị Bích Châu, ngày 17/7/2020, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, “Bóng cười” thực chất là quả bóng bay thông thường được bơm khí N2O (tên khoa học là Dinitrogen monoxide) hay còn gọi là Laughing gas (khí cười). Khi hít trực tiếp khí này từ trong quả bóng bay vào cơ thể có khả năng tác động, kích thích mạnh lên một số điểm của hệ thần kinh tạo ra cảm giác lâng lâng, gây tiếng cười sảng khoái cho người sử dụng trong khoảng thời gian ngắn từ vài giây đến một phút. Tuy nhiên, nếu lạm dụng thường xuyên N2O có thể gây ra các rối loạn như cảm giác châm chích ở đầu các chi, đi lại loạng choạng, gây ra rối loạn khí sắc, trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng tim mạch, hạ huyết áp, thiếu máu lên não.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, tuy N2O có ảnh hưởng lên hệ thần kinh nhưng chỉ có tác dụng tức thời và sẽ hết ngay khi không còn sử dụng; mặt khác, N2O không có tính gây nghiện hoặc tăng liều dùng và người sử dụng không bị lệ thuộc vào N2O; N2O cũng không tham gia vào bất kỳ phản ứng hóa học nào trong các quy trình sản xuất ra các chất ma túy; hơn nữa, N2O là hóa chất được quy định tại mục 120 phụ lục II (danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp) ban hành kèm theo Nghị định số 113/2017/NĐ-CP ngày 09/10/2017 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất, có nhiều ứng dụng trong ngành công nghiệp sản xuất cao su, năng lượng mặt trời... Do đó, theo Luật Phòng, chống ma túy hiện nay, không thể đưa N2O vào các danh mục chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần, tiền chất.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV.
Trong khi đó, Shisha thực chất là một loại cỏ có xuất xứ từ Ả Rập (hay còn gọi là thuốc lào Ả Rập). Việc hút shisha cũng có tác hại đối với con người tương tự như hút thuốc lá (có thể dẫn đến các bệnh về hô hấp, tim mạch, ung thư...). Nếu chỉ hút shisha thì không gây hại tức thì với cơ thể nhưng khi trộn lẫn shisha với các loại ma túy tổng hợp để sử dụng chung sẽ rất nguy hiểm với cơ thể người sử dụng. Tuy nhiên, shisha không có các đặc điểm của các chất ma túy (người sử dụng shisha không bị lệ thuộc, không tăng liều...) nên không thể đưa shisha vào danh mục các chất ma túy.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, tuy không thể đưa N2O và Shisha vào danh mục các chất ma túy, nhưng trước sự lạm dụng bóng cười tràn lan trong giới trẻ và lợi dụng việc hút shisha để sử dụng trái phép chất ma túy, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Tài Chính (Tổng cục Hải quan) nghiên cứu, đánh giá tác động của các chất này đối với đời sống kinh tế, xã hội và đã có văn bản số 492/BCA-C04 ngày 17/2/2020 báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương về vấn đề này.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, ngày 07/5/2020, Thủ tướng Chính phủ có văn bản số 3602/VPCP-KGVX gửi Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính để chỉ đạo tăng cường quản lý, kiểm soát N2O, trong đó tập trung vào các giải pháp như sau:
Thứ nhất, đánh giá tác động của việc sử dụng khí N2O đối với sức khỏe con người để cung cấp cho các cơ quan truyền thông và kiến nghị các biện pháp quản lý, kiểm soát phù hợp.
Thứ hai, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng khí N2O;
Thứ ba, rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan để thống nhất biện pháp quản lý, quy định đầy đủ hành vi vi phạm và chế tài xử phạt hành chính đảm báo tính răn đe.
Thứ tư, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của quần chúng nhân dân, nhất là thanh, thiếu niên về tác hại khi sử dụng khí N2O thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, các trang mạng xã hội...
Thứ năm, tăng cường quản lý địa bàn, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh khí N2O.