Khoản 2, Điều 2 Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế quy định cụ thể bên ký kết Việt Nam, trong đó có mở rộng chủ thể là Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới được ký các thỏa thuận quốc tế về giao lưu, trao đổi thông tin, kết nghĩa giữa chính quyền địa phương cấp xã, hợp tác thực hiện quản lý biên giới phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Đại biểu Ngàn Phương Loan, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn cho rằng, việc Ủy ban nhân dân cấp xã khu vực biên giới được ký kết thỏa thuận quốc tế đã được Dự thảo Luật quy định chặt chẽ, giới hạn tại các khoản 6 Điều 3, khoản 4 Điều 5, khoản 2, khoản 3 Điều 20 và khoản 2 Điều 47, Điều 48. Đại biểu Ngàn Phương Loan tán thành cao với các quy định trong Dự thảo Luật tuy nhiên theo quy định tại điểm k khoản 2 Điều 2, các cơ quan cấp tỉnh của các tổ chức như tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp quy định tại Điều 23 chưa rõ, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm.
Đại biểu Ngàn Phương Loan đề nghị bổ sung thêm một số chủ thể được tham gia ký kết thỏa thuận quốc tế.
Cũng tại khoản 2 Điều 2 của Dự thảo Luật về bên ký kết Việt Nam, đại biểu Ngàn Phương Loan đề nghị xem xét, quy định bổ sung thêm một số chủ thể như là Ban quản lý các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu kinh tế và Ban quản lý có tên gọi khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là chủ thể được tham gia ký kết thỏa thuận quốc tế. Đại biểu nêu ví dụ tại địa phương tỉnh Lạng Sơn thì Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thường xuyên có các hoạt động trao đổi, phối hợp với các cơ quan chức năng phía bạn để thúc đẩy thông quan hàng hóa, xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới, các hoạt động nâng cấp cửa khẩu, v.v.. Thực tế trong thời gian qua, cơ quan này đã được cấp có thẩm quyền cho phép ký một số các thỏa thuận quốc tế với các cơ quan chức năng liên quan, đối tác nước ngoài như cơ chế gặp gỡ, trao đổi định kỳ, cơ chế phối hợp nâng cấp cửa khẩu, cơ chế phối hợp xây dựng khu hợp tác kinh tế qua biên giới. Do đó, việc mở rộng đến các chủ thể nêu trên, trong đó có các Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu là cần thiết, phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ.
Tại khoản 3 Điều 13, khoản 3 Điều 15, khoản 3 Điều 17, khoản 3 Điều 19, khoản 5 Điều 22 quy định người có thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế có thể ủy quyền cho một người khác. Đại biểu Ngàn Phương Loan cho rằng, việc dự thảo luật sử dụng cụm từ “người khác” là chưa chặt chẽ, quá trình thực hiện sẽ không thống nhất, có cách hiểu khác nhau. Do đó, đề nghị cần nghiên cứu quy định cụ thể các đối tượng được ủy quyền ký kết thỏa thuận quốc tế trong dự thảo luật để thống nhất trong quá trình thực hiện.
Liên quan đến thủ tục ủy quyền ký kết, trong dự thảo luật mới chỉ quy định trường hợp ký thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ không do Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ký thì trên cơ sở quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao sẽ cấp giấy ủy quyền ký thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ.
Ngoài ra, đối với các trường hợp chủ thể khác có thẩm quyền quyết định ký thỏa thuận quốc tế thì dự thảo luật lại chưa quy định cụ thể về hình thức ủy quyền. Do đó, đại biểu đề nghị cần xem xét quy định thống nhất hình thức ủy quyền là bằng văn bản để đảm bảo chặt chẽ trong quy trình, thủ tục thực hiện ủy quyền ký kết thỏa thuận quốc tế./.