Phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương cho rằng cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã nỗ lực, nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh dự thảo luật và hoàn chỉnh hồ sơ để trình Quốc hội xem xét thông qua dự thảo luật tại kỳ họp này. Đại biểu đồng ý với nhiều nội dung của dự thảo luật, đồng thời góp ý thêm một số ý kiến như sau:
Thứ nhất, về các chủ thể, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và việc thành lập các chi nhánh của doanh nghiệp. Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương, hiện tại dự thảo đang thể hiện 2 phương án tại Điều 5, phương án một là giao Trung tâm dịch vụ việc làm do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thực thi thỏa thuận quốc tế. Đồng thời cũng quy định rõ điều kiện không thu tiền dịch vụ của người lao động và bảo đảm không làm phát sinh bộ máy ở các điều có liên quan. Phương án hai là không giao cho Trung tâm dịch vụ việc làm thực hiện nhiệm vụ trên và tại khoản 3 Điều 17 quy định doanh nghiệp dịch vụ được giao nhiệm vụ không quá 3 chi nhánh.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV.
Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương cho rằng, để có thêm cơ hội lựa chọn cho người lao động tìm kiếm và đi làm việc ở nước ngoài cần có nhiều hình thức và nhiều tổ chức có chức năng cung cấp dịch vụ. Việc hạn chế các hình thức tổ chức cung cấp dịch vụ ở một góc độ nhất định, một mặt là hạn chế cơ hội của người lao động, mặt khác là chưa phù hợp với quy luật chung của thị trường. Do vậy, đại biểu đồng ý với phương án một của dự thảo luật, đồng thời đề nghị không nên hạn chế số lượng chi nhánh của các doanh nghiệp dịch vụ.
Bên cạnh đó theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương, tại Khoản 1 Điều 10 dự thảo luật quy định doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khi có đủ các điều kiện, trong đó có điều kiện về vốn chủ sở hữu từ 5 tỷ đồng trở lên. Đại biểu đề nghị xem lại việc sử dụng khái niệm vốn chủ sở hữu tại quy định này, lý do vốn chủ sở hữu là một khái niệm trong Luật Kế toán, được hiểu là tổng số tài sản, nguồn vốn thực tế của chủ sở hữu sau khi đã trừ cho các khoản nợ phải trả. Vốn chủ sở hữu chỉ phát sinh khi doanh nghiệp hoạt động và được ghi vào sổ kế toán. Đối với doanh nghiệp đang làm thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động dịch vụ thì chưa có hoạt động trên thực tế và chưa thực hiện nghiệp vụ kế toán để ghi vốn chủ sở hữu. Vào thời điểm doanh nghiệp thành lập và đăng ký hoạt động, chỉ mới có vốn điều lệ.
Tại khoản 4 Điều 26 dự thảo luật quy định trường hợp có tranh chấp phát sinh về việc doanh nghiệp dịch vụ không trả tiền ký quỹ, người lao động có quyền khiếu nại đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị xem lại quy định này, vì quan hệ giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ là quan hệ dân sự. Doanh nghiệp không phải là cơ quan hành chính cấp dưới của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Vì vậy theo đại biểu, quy định này là không phù hợp với quy định của Luật Khiếu nại.
Tại khoản 1 Điều 55 quy định công dân Việt Nam giao kết hợp đồng lao động sau khi xuất cảnh ra nước ngoài mà thực hiện việc đăng ký trực tuyến về việc giao kết hợp đồng lao động với cơ quan nhà nước của Việt Nam và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của luật này thì được hưởng các quyền và lợi ích theo quy định của luật này, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này. Để đảm bảo tính khả thi của quy định, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương đề nghị rà soát lại quy định này vì có những nghĩa vụ quy định trong dự thảo luật mà công dân Việt Nam giao kết hợp đồng lao động sau khi xuất cảnh ra nước ngoài có muốn cũng không thể thực hiện được. Ví dụ, như nghĩa vụ tham gia học giáo dục định hướng trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
Tại điểm c khoản 1 Điều 76 quy định hợp đồng lao động, hợp đồng đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài, hợp đồng cung ứng lao động đã giao kết có nội dung không trái hoặc bảo đảm cho người lao động có quyền và điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của luật này được tiếp tục thực hiện. Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương cho rằng việc xác định nội dung nào là trái, không trái hoặc thuận lợi so với quy định của luật là một việc không đơn giản, dễ gây tranh chấp và dễ bị lợi dụng. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định phù hợp hơn và quy định biện pháp để kiểm soát quy định này.