ĐBQH HOÀNG ĐỨC THẮNG GÓP Ý VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM

06/01/2021

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị kiến nghị về lâu dài cần nghiên cứu để tách Chương III Lực lượng Bộ đội biên phòng Việt Nam để xây dựng thành một Luật Bộ đội biên phòng Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, phát biểu tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Đức Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị tán thành với báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thấy Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung nhiều nội dung mà đại biểu Quốc hội đã tham gia tại kỳ họp thứ 9, cũng như những ý kiến đóng góp của các đoàn đại biểu. Dự án Luật Biên phòng Việt Nam trình kỳ họp thứ 10 lần này đã cơ bản hoàn chỉnh để Quốc hội cho ý kiến và thông qua. Để góp phần hoàn thiện dự án luật, đại biểu nêu ý kiến để khẳng định quan điểm và góp ý vào một số vấn đề cụ thể sau đây:

Một, về tên gọi của luật, đại biểu thống nhất với tên gọi Luật Biên phòng Việt Nam như báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hai, đại biểu thống nhất quy định vai trò chủ trì, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu của Bộ đội biên phòng quy định tại khoản 1 Điều 10; khoản 2 Điều 12; khoản 2, khoản 4 Điều 13. Đồng thời, đại biểu đề nghị bổ sung, điều chỉnh một số nội dung sau đây cho phù hợp và chặt chẽ hơn.

Tại điểm a khoản 1 Điều 10, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ "duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội" và diễn đạt lại là "Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh thực hiện quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu". Theo đại biểu, quy định như vậy là phù hợp và khẳng định nhất quán về trách nhiệm, vai trò chủ trì phối hợp của Bộ Quốc phòng trong thực hiện quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu và làm cơ sở thống nhất việc quy định vị trí, chức năng của Bộ đội biên phòng.

Ba, Điều 5 nhiệm vụ biên phòng. Khoản 4 đại iểu đề nghị bổ sung cụm từ "phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới kết hợp phải tăng cường và củng cố quốc phòng an ninh, đối ngoại" để phù hợp với Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới, đất liền; kết hợp với tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh đối ngoại cũng như thể hiện đầy đủ phương châm hoạt động biên phòng là xây dựng, quản lý, bảo vệ và truyền đạt đầy đủ Mục 4 là xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, biên giới, phòng thủ dân sự, phòng chống, ứng phó, khắc phục sự cố thiên tai, sự cố môi trường, thảm họa dịch bệnh, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với tăng cường và củng cố quốc phòng an ninh đối ngoại ở khu vực biên giới.

Bốn, về Điều 6, lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng, đại biểu đề nghị sắp xếp và chỉnh sửa lại như sau:

Thứ nhất, cơ quan, tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang ở khu vực biên giới cửa khẩu.

Thứ hai, các cơ quan cấp trên của cơ quan tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân tại khoản 1 điều này.

Năm, Điều 10, phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng. Tại điểm d khoản 2 về nguyên tắc phối hợp để thống nhất với luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, đại biểu đề nghị sửa đổi lại như sau: khi phát hiện hành vi phạm pháp luật trên cùng một địa bàn, thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan, tổ chức lực lượng thì việc xử lý do cơ quan, tổ chức lực lượng thụ lý đầu tiên thực hiện.

Sáu, Điều 12 vị trí chức năng của Bộ đội biên phòng. Khoản 1, đại biểu đề nghị bổ sung thêm cụm từ "giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội cho thống nhất với các điều khoản có liên quan" và diễn đạt đầy đủ như sau "Bộ đội biên phòng Việt Nam, Bộ đội biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của quân đội nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới cửa khẩu".

Bảy, nhiệm vụ của Bộ đội biên phòng. Khoản 4, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ "các loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia để xác định và nhấn mạnh các loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia là đối tượng tập trung đấu tranh của Bộ đội biên phòng và chủ động phòng ngừa, ngăn chặn từ xa, ngay từ biên giới quốc gia" và diễn đạt lại đầy đủ như sau: "duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia và phòng chống tội phạm vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở khu vực biên giới, cửa khẩu, theo quy định của pháp luật".

Tám, Điều 16, về hạn chế hoặc tạm dừng hoạt động ở vành đai biên giới, khu vực biên giới, qua lại biên giới, đại biểu đề nghị thiết kế điều luật này theo hướng tách bạch nội dung áp dụng trong trường hợp tạm dừng và hạn chế. Bởi vì hạn chế và tạm dừng là 2 hành động ở 2 trạng thái mức độ khác nhau, do đó phải có những quy định cũng phải khác nhau. Hạn chế được hiểu là hoạt động vẫn diễn ra nhưng giảm mức độ hoạt động, còn tạm dừng được hiểu là hoạt động dừng hẳn, nhưng có thời hạn. Nếu quy định chung hạn chế hoặc tạm dừng trong một nội dung điều luật như vậy sẽ không phân biệt mức độ, trạng thái hoạt động dễ dẫn đến hoặc xem tạm dừng và hạn chế giống nhau hoặc tùy nghi khi tổ chức thực hiện. Đây là vấn đề quan trọng cần nghiên cứu, rà soát để quy định vào quy phạm pháp luật cho rõ ràng, minh định làm cơ sở pháp lý cho hành động thực thi pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền của Bộ đội biên phòng ở vành đai biên giới, khu vực biên giới phù hợp với pháp luật Việt Nam và các quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cuối cùng, khi nghiên cứu dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam trong tổng thể hệ thống pháp luật của nước ta cũng như xem xét quá trình hình thành, xây dựng, phát triển vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và những đóng góp to lớn không thể thay thế của lực lượng Bộ đội biên phòng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đại biểu Hoàng Đức Thắng cho rằng Bộ đội biên phòng Việt Nam xứng đáng có một đạo luật riêng để điều chỉnh như một số lực lượng khác, chứ không chỉ dành một chương như trong dự thảo luật. Vì vậy, đại biểu kiến nghị về lâu dài cần nghiên cứu để tách Chương III Lực lượng Bộ đội biên phòng Việt Nam để xây dựng thành một Luật Bộ đội biên phòng Việt Nam, tương tự như Luật Cảnh sát biển Việt Nam và một số lực lượng khác./.

Minh Hùng

Các bài viết khác