ĐBQH NGUYỄN QUỐC HƯNG: ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG CÁC PHÁP NHÂN HOẶC TỔ CHỨC TRỰC THUỘC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ ĐƯỢC KÝ KẾT THỎA THUẬN QUỐC TẾ

12/01/2021

Góp ý vào Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đề nghị bổ sung vào Dự thảo luật quy định các pháp nhân hoặc các tổ chức trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ cũng được quyền tham gia ký kết các thỏa thuận quốc tế.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

 

Cơ bản, tôi nhất trí với dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đồng tình với nhiều ý kiến của đại biểu góp ý vào điểm e, khoản 2 Điều 2 của Dự thảo Luật Thỏa luật quốc tế về bên ký kết Việt Nam. Theo đó, Dự thảo chỉ ghi các Bộ, các Tổng cục và Cục trực thuộc Bộ và cơ quan ngang bộ thì được quyền ký kết. Nhưng theo quan điểm của đại biểu, thực tế hiện nay ở các Bộ có các viện, các trung tâm, các trường đại học trực thuộc Bộ và các cơ quan ngang bộ ký kết rất nhiều văn bản thỏa thuận quốc tế. Do vậy đại biểu cho rằng để phù hợp với thực tiễn, nên bổ sung vào Luật các pháp nhân hoặc các tổ chức trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ cũng được quyền tham gia ký kết các thỏa thuận quốc tế.

Vấn đề thứ hai, về ngôn ngữ, Dự thảo quy định: "thỏa thuận quốc tế, phải có văn bản bằng tiếng Việt, trừ trường hợp có sự thỏa thuận khác giữa các bên ký kết Việt Nam và bên phía nước ngoài". Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng cho rằng, cần quy định trong luật, thỏa thuận quốc tế phải bằng tiếng Việt, thế nhưng lại trừ trường hợp có sự thỏa thuận giữa các bên ký kết Việt Nam, bên phía nước ngoài. Đại biểu đề nghị sửa lại, thỏa thuận quốc tế phải có văn bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Trước đây, chúng ta đều quy định thỏa thuận ở trong bất kỳ văn bản thuận quốc tế nào thường ghi là thỏa thuận viết bằng tiếng Việt và tiếng Anh và 2 bản đó có giá trị pháp lý như nhau. Cho nên, đại biểu đề nghị nên quy định rõ thỏa thuận quốc tế phải có văn bản bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Vấn đề thứ ba được đại biểu góp ý tại Điều 17 về trình tự ký kết thỏa thuận quốc tế. Theo định nghĩa thỏa thuận quốc tế rất rộng, bao gồm có cả các kế hoạch, chương trình hợp tác, các thỏa thuận, biên bản, nghị định thư, bản ghi nhớ, v.v.. Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng cho rằng, những văn bản này trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập, hợp tác quốc tế sâu rộng, Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước thì việc các bộ, cơ quan ngang bộ và các đơn vị ký kết những văn bản hợp tác quốc tế, thỏa thuận quốc tế rất nhiều. Dự thảo Luật quy định trình tự tất cả các văn bản đều phải báo cáo Bộ Ngoại giao, như vậy sẽ tạo gánh nặng Bộ Ngoại Giao nên cần xây dựng các nguyên tắc ký kết thỏa thuận cụ thể. Đại biểu đều xuất quy định rõ trong Luật hoặc giao Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn cụ thể để quy định rõ những dạng văn bản, những dạng thỏa thuận quốc tế nào cần phải xin ý kiến Bộ Ngoại giao, những dạng như thế nào thì không phải xin ý kiến Bộ Ngoại giao. Trước đây, khi chúng ta ký kết các văn bản ít, thời kỳ bao cấp ngày xưa hợp tác quốc tế chưa nhiều thì quy định lên Bộ Ngoại giao hướng dẫn, giúp đỡ về vấn đề ngoại ngữ, v.v. nhưng hiện nay rất nhiều thỏa thuận quốc tế được ký kết, cho nên đại biểu mong Ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu điều này sao cho phù hợp với thực tế hiện nay./.

Lan Hương