Góp ý về định nghĩa “thỏa thuận quốc tế” tại khoản 1 Điều 2 của Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cho rằng cụm từ hợp tác quốc tế nên được cụ thể hóa về quan hệ hợp tác dân sự, kinh doanh, thương mại hay quan hệ pháp luật cụ thể nào để tránh nhầm lẫn với điều ước quốc tế. Đồng thời, định nghĩa về thỏa thuận quốc tế như trong dự thảo có phạm vi rất rộng, có thể khó phân biệt với điều ước quốc tế. Vì vậy, đại biểu đề nghị dự thảo cần cân nhắc việc rút gọn so với quy định tại khoản 1 Điều 2 của Pháp lệnh Ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế số 33/2007/QH11.
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa góp ý vào Dự thảo Luật Thỏa thuận quốc tế tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV.
Góp ý về nguyên tắc, tính ràng buộc của thỏa thuận quốc tế được quy định tại Điều 3, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng, Dự thảo chưa làm rõ tính ràng buộc pháp lý của thỏa thuận quốc tế đối với các chủ thể ký kết và các hình thức để chứng minh tính ràng buộc. Ngoài ra, để tránh phân cấp áp dụng, dự thảo nên được bổ sung nội dung: Nếu có xung đột giữa thỏa thuận quốc tế với luật Việt Nam hoặc thỏa thuận quốc tế với điều ước quốc tế thì ưu tiên áp dụng quy định nào.
Vấn đề thứ ba, tại khoản 5 Điều 3 quy định việc ký kết quả thỏa thuận quốc tế của các cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm từ b đến k khoản 2 Điều 2 của luật này không được ràng buộc trách nhiệm thực hiện của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ hoặc cơ quan, tổ chức Việt Nam không ký kết thỏa thuận quốc tế. Tuy nhiên, tại Điều 5 có nội dung không thống nhất với nội dung được quy định tại các Điều 13.1, 15.1, 17.4 điểm c, 19.4 điểm c. Trong khi các cơ quan khác, từ điểm b đến điểm k khoản 2 Điều 2 đều phải xin ý kiến của Chính phủ hoặc Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trước khi ký kết thỏa thuận quốc tế. Đại biểu đặt câu hỏi, nếu như không có quy định ràng buộc trách nhiệm thực hiện thì việc phải xin quyết định của các cơ quan đầu ngành có phải là có phần mâu thuẫn không? Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ hoặc cơ quan tổ chức Việt Nam không ký kết thỏa thuận quốc tế dù không ràng buộc trực tiếp thực hiện thỏa thuận quốc tế, nhưng luôn có trách nhiệm đôn đốc, quản lý tiến trình thực hiện các thỏa thuận quốc tế mà mình ra quyết định thông qua. Vậy Dự thảo cần làm rõ có trường hợp ngoại lệ phát sinh quyền và trách nhiệm của Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ hay không?
Vấn đề thứ tư, về thẩm quyền quyết định việc ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ được quy định tại Điều 8 dự thảo luật này vào Luật Điều ước quốc tế có một quy định chồng lấn, khi cả điều ước quốc tế và thỏa thuận quốc tế đều có nội dung nhân danh Nhà nước và nhân danh Chính phủ. Tiêu chuẩn để phân biệt 2 trường hợp này chỉ là việc điều ước quốc tế hoặc thỏa thuận quốc tế đã ký kết có làm thay đổi, phát sinh, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đại biểu đề nghị làm rõ quy định các thỏa thuận quốc tế nào sẽ nhân danh Nhà nước và thỏa thuận quốc tế nào nhân danh Chính phủ để áp dụng đỡ chồng lấn.
Về ủy quyền ký thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ, quy định tại Điều 10. Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng cần thống nhất nội dung này với quy định tại Điều 22 của Luật Điều ước quốc tế, vì người ký thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước phải được Chủ tịch nước ủy quyền bằng văn bản, người ký thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ phải được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền bằng văn bản. Do đó, đề nghị cần cân nhắc thêm nội dung Bộ Ngoại giao cấp giấy ủy quyền ký thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ.
Đối với quy định về rà soát, đối chiếu văn bản thỏa thuận quốc tế nhân danh Nhà nước, Chính phủ trước khi ký, quy định tại Điều 11. Trong Điều 11 quy định về rà soát ngôn ngữ và căn chỉnh văn bản quy định về thủ tục trước khi ký kết thỏa thuận quốc tế, tôi đề nghị nên gộp Điều 11 thành một khoản của Điều 9, về thủ tục cho đồng nhất. Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị gộp vào Điều 9 của Dự thảo Luật.
Góp ý về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã ở khu vực biên giới, được quy định tại mục 6. Đại biểu cho biết, Dự thảo thiếu phần trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã khu vực biên giới quy định tại mục 6, khiến mục 6 có mỗi một điều khoản về thẩm quyền ký kết. Đại biểu đề nghị cần làm rõ về trình tự, thủ tục ký kết thỏa thuận quốc tế vào mục 6 nêu trên để việc ký kết thỏa thuận quốc tế được chặt chẽ.
Về ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh của tổ chức, được quy định tại Điều 23. Trong khoản 1 và khoản 2 Điều 23 bị mâu thuẫn nhau, vì không hiểu cơ quan có thẩm quyền ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh của tổ chức là cơ quan quản lý hoạt động đối ngoại của cơ quan cấp tỉnh, của tổ chức hay là Chính phủ. Đại biểu đề nghị nên đổi tên Điều 23 là “thẩm quyền ký kết thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh của tổ chức” cho tương đồng với các mục về người ký kết, về quyền ký kết. Mặt khác, Dự thảo chưa có quy định về trình tự, thủ tục với ký kết và thực hiện thỏa thuận quốc tế nhân danh cơ quan cấp tỉnh của tổ chức.
Cho ý kiến về chấm dứt hiệu lực, rút khỏi, tạm đình chỉ thực hiện thỏa thuận quốc tế, quy định tại khoản 2 Điều 34: bên ký kết Việt Nam phải chấm dứt hiệu lực hoặc rút khỏi thỏa thuận quốc tế nếu quá trình thực hiện thỏa thuận quốc tế có sự vi phạm một trong các nguyên tắc. Như vậy, chỉ có bên Việt Nam được quyền đơn phương chấm dứt thỏa thuận quốc tế trước, còn bên nước ngoài không có quyền, nên có quy định rõ hơn cho vấn đề này. Ngoài ra, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh đề nghị bổ sung thêm trường hợp Việt Nam được đơn phương chấm dứt thỏa thuận quốc tế, ví dụ như khi bên ký kết nước ngoài vi phạm nghiêm trọng thỏa thuận quốc tế./.