ĐBQH BẾ MINH ĐỨC: KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN CƠ SỞ DỊCH VỤ TRỢ GIÚP PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH THEO CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG

28/10/2022

Tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Bế Minh Đức – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng đề nghị sửa đổi dự thảo Luật theo hướng khuyến khích phát triển cơ sở dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình theo cơ chế thị trường.

SỬA ĐỔI LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LƯC GIA ĐÌNH: CẦN QUY ĐỊNH VỀ TRÁCH NHIỆM BÁO TIN CỦA CÁC THÀNH VIÊN GIA ĐÌNH

Cần quy định về sự đánh giá công nhận của chính quyền, của cộng đồng đối với địa chỉ tin cậy

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, tham gia đóng góp ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Bế Minh Đức – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo luật. Để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu đóng góp một số ý kiến vào một số điều cụ thể như sau:

Tại Điều 24 quy định về yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở công an xã nơi xảy ra vụ việc bạo lực gia đình. Dự thảo luật đã quy định thời gian tối đa người có hành vi bạo lực gia đình có mặt tại trụ sở công an xã để giải quyết vụ việc là không quá 6 giờ cho mỗi lần yêu cầu, tính từ thời gian người được yêu cầu đến trụ sở công an cấp xã. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng ngoài thời hạn nói trên, dự thảo luật nên bổ sung quy định thời hạn người có hành vi bạo lực gia đình phải có mặt tại trụ sở cơ công an xã tính từ lúc nhận được yêu cầu của công an xã, để đảm bảo tính kịp thời trong giải quyết vụ việc bạo lực gia đình, cũng như tránh trường hợp người người có hành vi bạo lực gia đình chây ỳ, kéo dài thời gian. Đại biểu đề xuất thời hạn là 12 giờ kể từ khi người có hành vi bạo lực gia đình nhận được yêu cầu và có quy định ngoại lệ đối với trường hợp ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, những nơi có đường giao thông đi lại khó khăn thì có thể tăng thời hạn nêu trên.

Đại biểu Bế Minh Đức – Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng phát biểu

Tại khoản 1 Điều 34 quy định việc miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản đối với người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình. Đại biểu cho rằng, trong thực tế, hành vi bạo lực gia đình đôi khi không chỉ đe dọa đến tính mạng của người bị bạo lực gia đình mà còn đe dọa đến tính mạng của những người xung quanh hay chính người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình. Do đó, đại biểu đề nghị thay vì chỉ quy định việc miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản đối với người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình trong trường hợp đe dọa đến tính mạng của người bị bạo lực gia đình thì dự thảo luật nên quy định việc miễn trách nhiệm trong trường hợp người đó chống lại hành vi bạo lực gia đình có thể để đe dọa đến tính mạng con người. Theo đó, đại biểu đề nghị sửa khoản 1 Điều 34 quy định lại như sau "Người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình không phải bồi thường thiệt hại về tài sản liên quan đến người có hành vi bạo lực gia đình trong trường hợp hành vi bạo lực gia đình đe dọa đến tính mạng con người", tức là thay cụm từ "người bị bạo lực gia đình" bằng cụm từ "con người" cho đảm bảo tính toàn diện hơn.

Về địa chỉ tin cậy quy định tại Điều 36. Theo đại biểu, dự thảo luật cần quy định về sự đánh giá công nhận của chính quyền, của cộng đồng đối với địa chỉ tin cậy. Theo đại biểu, hiện nay, dự thảo luật quy định tại khoản 2 Điều 36 tổ chức, cá nhân có nhu cầu tự nguyện là địa chỉ tin cậy, chỉ cần thông báo với Ủy ban nhân dân xã về việc nhận làm địa chỉ tin cậy, sau đó Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm lập danh sách và công bố địa chỉ tin cậy trong địa bàn quản lý.

Đại biểu chỉ ra rằng, quy định như vậy là chưa chặt chẽ. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu chỉ cần thông báo thì buộc Ủy ban cấp xã phải công bố và đương nhiên nơi đó trở thành địa chỉ tin cậy, nhận được kinh phí hỗ trợ. Như vậy việc thực hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với địa chỉ tin cậy rất thụ động, không có quyền đánh giá, công nhận địa chỉ tin cậy đó có đủ uy tín, khả năng là địa chỉ tin cậy hay không, nhưng phải thực hiện các trách nhiệm như bảo vệ, hỗ trợ kinh phí, hướng dẫn, tổ chức tập huấn đối với địa chỉ tin cậy theo khoản 2, khoản 3 Điều 36.

Đại biểu đề xuất dự thảo luật nên quy định khi nhận được đề nghị của cá nhân, tổ chức lập địa chỉ tin cậy, Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ trên kết quả xác nhận của tổ dân phố nơi đăng ký địa chỉ tin cậy quyết định công nhận và công bố về địa chỉ tin cậy.

Khuyến khích phát triển cơ sở dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình theo cơ chế thị trường

Đối với quy định về cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình tại Điều 40. Tại khoản 1 Điều 40 quy định cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Đại biểu cho rằng, dự thảo luật quy định như vậy chưa phù hợp với thực tiễn. Bởi vì, theo báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo có nêu, ở nước ta, pháp luật hiện hành có quy định chi tiết về thủ tục đăng ký hoạt động giải thể cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình, tiêu chuẩn của nhân viên tư vấn, cấp thẻ nhân viên tư vấn, chứng nhận nhiệm vụ chăm sóc, tư vấn và tập huấn phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, cho đến nay chưa có cơ sở nào được thành lập theo quy định hiện hành.

Đại biểu phân tích, nguyên nhân chủ yếu là việc xây dựng và vận hành cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình cần kinh phí lớn để đầu tư ban đầu và duy trì hoạt động thường xuyên, Nhà nước chưa có các chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia hoạt động này. Do đó, theo đại biểu, không nên quy định điều kiện bắt buộc các cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình hoạt động không vì một mục đích lợi nhuận để khuyến khích việc thành lập những cơ sở này hoạt động theo quy luật của kinh tế thị trường.

Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng cần có những chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia phòng, chống hoạt động này. Đặc biệt, đối với những tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, nhân lực, cơ sở vật chất để thực hiện dịch vụ trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình sẽ có những hỗ trợ, ưu đãi nhiều hơn từ Nhà nước.

Thứ năm, đại biểu đề xuất dự thảo luật nên bỏ Mục 4 Chương III quy định về xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình. Vì theo khoản 3 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không quy định chương riêng về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, khen thưởng, xử lý vi phạm trong văn bản quy phạm pháp luật nếu không có nội dung mới. Mặc dù đây là mục thuộc chương nhưng mục chỉ có một điều, là Điều 41 gồm có 2 khoản và không có nội dung mới về xử lý vi phạm pháp luật, do đó, đại biểu cho rằng dự thảo luật nên xem xét để bỏ nội dung này.

Hồ Hương