TIẾP TỤC TẠO ĐIỀU KIỆN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN ỔN ĐỊNH, VỮNG CHẮC

29/10/2022

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, tham gia ý kiến về việc xây dựng chính sách đảm bảo lành mạnh tài chính, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị cần tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ phát triển thị trường chứng khoán ổn định, vững chắc; nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

TỔNG THUẬT SÁNG 24/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, tham gia ý kiến về việc xây dựng chính sách đảm bảo lành mạnh tài chính, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị  cần phát triển thị trường ngân hàng theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng sự minh bạch và tuân thủ các chuẩn mực, thông lệ quốc tế trong quản trị và hoạt động của các TCTD như Basel III, IFRS 9.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần tiếp tục yêu cầu hệ thống ngân hàng giảm lãi suất cho vay sâu và đại trà bằng thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi có chọn lọc với 2 điểm khác biệt: có sự tham gia của ngân sách Nhà nước và tập trung vào các ngành kinh tế có tính lan tỏa cao. NHNN đẩy mạnh chuyển đổi số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ hiện đại, tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng công nghệ.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Các chuyên gia cho rằng, cần bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng, tăng cường xử lý nợ xấu, tiếp tục chấn chỉnh, cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém để lành mạnh hóa, nâng cao năng lực tài chính cả về quy mô và chất lượng, hiệu quả, bảo đảm an toàn hệ thống. Luật hóa Nghị quyết 42, rà soát toàn diện các luật khác có liên quan tới xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của k hoản nợ xấu.

Đối với thị trường chứng khoán, các đại biểu cho rằng cần tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ phát triển thị trường chứng khoán ổn định, vững chắc, đảm bảo là kênh cung ứng vốn trung dài hạn quan trọng của nền kinh tế, giảm gánh nặng cho khu vực ngân hàng. Tiếp tục đẩy mạnh việc tái cấu trúc TTCK theo 4 trụ cột lớn bao gồm: Cơ cấu lại tổ chức thị trường; Cơ cấu lại cơ sở hàng hóa; Cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư; Cơ cấu lại tổ chức kinh doanh chứng khoán.  

Cùng với đó, cần tăng quy mô thị trường cổ phiếu và đa dạng hoá sản phẩm chứng khoán thông qua các giải pháp tăng số lượng, chất lượng hàng hoá, thúc đẩy cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo hướng minh bạch gắn với xếp hạng tín nhiệm. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan quản lý, giám sát thị trường tài chính để kịp thời phát hiện các rủi ro phát sinh trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Nhiều chuyên gia kiến nghị, cần tập trung chiến lược cho phát triển các nhà đầu tư có tổ chức thông qua việc mở rộng quy mô và phát triển đa dạng các loại hình quỹ đầu tư. Chú trọng đẩy mạnh giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về chứng khoán; phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an trong xác minh, điều tra, xử lý tội phạm trên thị trường chứng khoán. Tăng cường các hoạt động phổ biến kiến thức về chứng khoán và thị trường chứng khoán. Hoàn thiện cơ sở hạ tầng thị trường chứng khoán theo thông lệ quốc tế, phấn đấu được nâng hạng lên thị trường chứng khoán mới nổi theo cả MSCI và FTSE Rusell trước năm 2025.

Các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4

Nhiều ý kiến đề nghị xây dựng và hoàn thiện quy trình quản lý rủi ro hệ thống (systemic risk) nhằm đảm bảo tính ổn định cho toàn thị trường. Nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường năng lực giám sát, quản lý, cưỡng chế và thực thi của cơ quan quản lý nhà nước đối với thị trường chứng khoán theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế

Đối với việc phát triển lành mạnh thị trường bảo hiểm, các đại biểu Quốc hội cho rằng cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kinh doanh bảo hiểm, cho phép phát triển đa dạng hóa hơn đối với các nhà cung cấp dịch vụ nhằm phục vụ các tầng lớp dân cư khác nhau và các nhu cầu bảo hiểm khác nhau. Ban hành các qui định cụ thể về các sản phẩm bảo hiểm nhóm cung cấp cho nhóm khách hàng doanh nghiệp, các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp.

Thêm vào đó, cần thay đổi cơ chế quản lý vốn và hoạt động tài chính của doanh nghiệp bảo hiểm để đảm bảo an toàn cho thị trường. Xem xét áp dụng quản lý giám sát hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm theo hướng quản lý vốn trên cơ sở rủi ro. Để giải quyết vấn đề kiểm soát chi phí trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, giảm tỉ lệ kết hợp của các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cần có chính sách khuyến khích và thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Để bình ổn thị trường bất động sản, nhiều chuyên gia góp ý cần xem xét trái phiếu doanh nghiệp bất động sản (BĐS) như một khoản nợ BĐS dưới chuẩn, áp dụng trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) với mọi định chế (gồm cả CTCK, quỹ…) nắm giữ loại giấy tờ có giá này.  

Cần hoàn thiện thể chế với việc định giá, tư vấn, phát hành, mua bán trái phiếu doanh nghiệp trong hệ thống theo hướng loại bỏ mọi mọi xung đột lợi ích trên thị trường. Quy định rõ tổ chức, định chế nào được tư vấn, tổ chức nào được xếp hạng tín nhiệm, tổ chức nào được mua bán sản phẩm nợ. Mỗi khâu trên thị trường nợ cần được đảm bảo không có xung đột lợi ích, các định chế tham gia độc lập; điều này sẽ làm giảm khả năng thị trường nợ bị thao túng, đảm bảo duy trì lành mạnh cho hệ thống.

Ngoài ra, cần giảm tính chất đầu cơ trên thị trường BĐS, cần loại bỏ xung đột lợi ích cơ bản trên thị trường BĐS, tính tới nhanh chóng áp dụng Luật Tài sản. Cần siết chặt kỷ cương về lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện quy hoạch tại mọi cấp chính quyền. Xây dựng và nâng cao hiệu quả giám sát tuân thủ đối với lập, thực hiện, quản lý quy hoạch sử dụng đất, đô thị từ trung ương đến địa phương. Cần có sửa đổi quy định về định giá đất đai. Quy định về định giá đất cần điều chỉnh theo hướng đơn vị tư vấn khung giá và đơn vị thẩm định giá phải độc lập với cơ quan làm chính sách, cơ quan quản lý và giám sát về đất đai, cơ quan đại diện chủ sở hữu./.

Minh Hùng