ĐBQH TRẦN THỊ THU PHƯỚC: ĐẢM BẢO CƠ CHẾ MINH BẠCH, ĐỘC LẬP TRONG QUÁ TRÌNH THẨM ĐỊNH GIÁ

10/03/2023

Quan tâm đến Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới, Đại tá Trần Thị Thu Phước – Đoàn ĐBQH tỉnh Kon Tum cho rằng, để thực hiện các dịch vụ thẩm định giá, phải đảm bảo một cơ chế minh bạch và độc lập; nâng cao vai trò giám sát và kiểm soát chất lượng trong thực hiện dịch vụ thẩm định giá...

SỬA ĐỔI LUẬT GIÁ: LÀM RÕ HƠN VAI TRÒ, THẨM QUYỀN, TRÁCH NHIỆM CỦA HỘI ĐỒNG THẨM ĐỊNH GIÁ NHÀ NƯỚC

CẦN XÁC ĐỊNH RÕ CÁC NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ BÌNH ỔN GIÁ TRONG DỰ ÁN LUẬT GIÁ (SỬA ĐỔI)

Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới. Việc sửa đổi Luật này được kỳ vọng sẽ khắc phục những bất cập, hạn chế của luật hiện hành; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa Luật Giá và các luật chuyên ngành khác có quy định về giá; đảm bảo việc quản lý chặt chẽ, hiệu quả vừa đảm bảo cơ sở pháp lý trong lĩnh vực giá để vận hành thông suốt nền kinh tế.


Đại tá Trần Thị Thu Phước – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum.

Luật Giá sửa đổi kiên trì mục tiêu theo nguyên tắc thị trường có sự quản lý của Nhà nước để phù hợp với chủ trương chung của Đảng, Nhà nước, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa. Theo đó, dự thảo Luật Giá (sửa đổi) củng cố, hoàn thiện 9 nhóm nội dung lớn về: Danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá; Phương pháp định giá; Bình ổn giá; Kê khai giá; Hiệp thương giá; Công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường; Điều kiện đối với doanh nghiệp thẩm định giá; Điều kiện đối với thẩm định viên về giá; Hoạt động thẩm định giá của nhà nước.

Để hiểu rõ và có thêm đóng góp cho việc sửa đổi Luật Giá, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn Đại tá Trần Thị Thu Phước – Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Kon Tum.

Phóng viên: Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đang tiếp tục được hoàn thiện, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 5 tới. Theo đại biểu, những vấn đề trọng tâm cần sửa đổi đã được thể hiện rõ trong dự thảo Luật lần này hay chưa và ý kiến của đại biểu về những nội dung trọng tâm đó như thế nào?

Đại tá Trần Thị Thu Phước – ĐBQH tỉnh Kon Tum: Theo tôi, nhiều vấn đề trọng tâm đã được thể hiện rõ trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) lần này. Trong đó, bản thân tôi quan tâm nhiều đến vấn đề về bình ổn giá. Điều này là do trong thời gian qua, đã xảy ra nhiều vấn đề gây bức xúc cho người dân như tình trạng giá thịt lợn, giá xăng tăng cao trong một số giai đoạn hay việc một số cá nhân, tổ chức cố tình đẩy giá các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 lên quá cao để trục lợi. Sau khi nghiên cứu, tôi nhận thấy dự thảo Luật đã quy định chi tiết hơn về nguyên tắc bình ổn giá và cụ thể hóa dấu hiệu để nhận diện các trường hợp áp dụng bình ổn giá. Chính phủ dự kiến cũng sẽ được giao quy định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá để đảm bảo tính linh hoạt trong thực hiện.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng quy định cơ chế để xử lý tình huống hàng hóa, dịch vụ cần bình ổn trong các trường hợp công bố tình trạng khẩn cấp, công bố dịch, thiệt hại do thiên tai, như đợt dịch COVID-19 vừa qua, giúp triển khai bình ổn giá kịp thời trong các tình trạng cấp bách.

Đối với vấn đề lúng túng, không phân định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa các Bộ, ngành trong định giá một số hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, dự thảo Luật cũng đã quy định rõ thẩm quyền của các cơ quan Nhà nước trong triển khai, tổ chức thực hiện để tạo sự minh bạch, rõ ràng. Điều này giúp khắc phục sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa Luật giá với các luật chuyên ngành, đồng thời giảm thiểu sự phân tán, thiếu tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật về giá.

Phóng viên: Vấn đề về chất lượng trong cung cấp dịch vụ thẩm định giá là một trong những vấn đề đã phát sinh vướng mắc trong thời gian qua. Đại biểu có đánh giá như thế nào đối với những sửa đổi, bổ sung về nội dung này trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi)?

Đại tá Trần Thị Thu Phước – ĐBQH tỉnh Kon Tum: Tôi nhận thấy, thời gian gần đây đã xảy ra nhiều vụ thất thoát tài sản, ngân sách Nhà nước mà nguyên nhân một phần là do các vấn đề liên quan đến thẩm định giá của Nhà nước như: Thông đồng để dìm giá đất, thổi giá các thiết bị y tế, đấu giá quyền sử dụng đất… để trục lợi. Nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực bị phát hiện đều liên quan đến việc tổ chức định giá không đúng với giá hàng hóa khi mua hoặc khi bán tài sản công.

Ngoài ra, tuy số lượng công ty thẩm định giá tăng lên rất nhanh nhưng nhiều công ty chưa có đủ năng lực và kinh nghiệm để thực hiện các dịch vụ thẩm định giá phức tạp, chất lượng hoạt động còn thấp. Có những trường hợp thẩm định viên vì lợi ích trước mắt mà gian dối, câu kết với khách hàng, làm sai lệch hồ sơ để thổi giá cao hoặc hạ thấp giá trị một cách bất thường.


Dự thảo Luật Giá (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, dự kiến sẽ được Quốc hội xem xét và thông qua tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới.

Tôi tin rằng, việc bổ sung các quy định cho Luật Giá (sửa đổi) lần này rất cần thiết. Các quy định sẽ đặt ra tiêu chuẩn và điều kiện nghiêm ngặt hơn đối với thẩm định viên về giá, nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp của họ trong các hoạt động thẩm định giá. Đồng thời, tăng cường các quy định về điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, bổ sung và hoàn thiện các quy định về giám sát và quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần.

Theo tôi, việc bổ sung các quy định như vậy là hợp lý và góp phần nâng cao chất lượng, sự minh bạch của dịch vụ thẩm định giá. Điều này cũng giúp phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi cấu kết giữa đơn vị thẩm định giá và khách hàng, vi phạm các quy định về thẩm định giá và đạo đức nghề nghiệp để làm sai lệch hồ sơ nhằm mục đích trục lợi.

Phóng viên: Nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, đảm bảo tính nghiêm minh đối với các hoạt động về dịch vụ thẩm định giá, đại biểu có những đề xuất gì trong hoàn thiện nội dung này?

Đại tá Trần Thị Thu Phước – ĐBQH tỉnh Kon Tum: Trong thị trường hiện nay, các dịch vụ thẩm định giá đóng vai trò rất quan trọng trong việc định giá tài sản. Tuy nhiên, để thực hiện các dịch vụ thẩm định giá, người thẩm định giá phải có kiến thức chuyên môn cao và nắm vững các quy định pháp luật liên quan. Đồng thời, phải đảm bảo một cơ chế minh bạch và độc lập trong quá trình thẩm định giá. Vì vậy, để hoàn thiện nội dung này, tôi có một số đề xuất như sau:

Thứ nhất, cần có quy định cụ thể về tiêu chuẩn thẩm định giá, phương pháp thẩm định giá và quy trình thẩm định giá để đảm bảo tính đáng tin cậy và trách nhiệm của người thẩm định giá.

Thứ hai, tăng cường trách nhiệm pháp lý của các tổ chức, cá nhân tham gia trong quá trình thẩm định giá. Gắn trách nhiệm đối với những chủ thể liên quan trực tiếp đến thẩm định giá, nhất là người đứng đầu trong việc đảm bảo tính chính xác và đáng tin cậy của thông tin thẩm định giá mình đưa ra. Đồng thời, cần có cơ chế bảo vệ cho những người làm thẩm định giá trong trường hợp sai sót do nguyên nhân khách quan hoặc do chủ quan từ khách hàng.

Thứ ba, nâng cao vai trò giám sát và kiểm soát chất lượng trong quá trình thực hiện dịch vụ thẩm định giá của cơ quan quản lý Nhà nước. Kịp thời phát hiện sai phạm để chuyển cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.

Thứ tư, triển khai Cơ sở dữ liệu về giá để làm nguồn thông tin quan trọng cho công tác quản lý Nhà nước về giá, thẩm định giá và đáp ứng nhu cầu của xã hội. Tăng cường ứng dụng các công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu để tăng cường khả năng đánh giá và giảm thiểu các sai sót trong quá trình thẩm định giá.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Ánh Nguyệt - Bích Lan

Các bài viết khác