ĐBQH ĐỖ ĐỨC HỒNG HÀ: GIẢM THIỂU Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG CÁC DÒNG SÔNG TẠI ĐÔ THỊ LỚN

25/02/2024

Từ thực trạng ô nhiễm môi trường các dòng sông ở các đô thị lớn, đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đã gửi phiếu chất vấn đề nghị Chính phủ có giải pháp và lộ trình cụ thể để giảm thiểu ô nhiễm.

ĐBQH ĐỖ ĐỨC HỒNG HÀ: XÂY DỰNG NỀN TƯ PHÁP CHUYÊN NGHIỆP, HIỆN ĐẠI, CÔNG BẰNG, NGHIÊM MINH, LIÊM CHÍNH, PHỤNG SỰ TỔ QUỐC, PHỤC VỤ NHÂN DÂN

 Đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà – Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Thực hiện hoạt động giám sát thông qua hình thức chất vấn bằng văn bản, đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà đề nghị Chính phủ có giải pháp và lộ trình cụ thể để giảm thiểu ô nhiễm môi trường các dòng sông ở các đô thị lớn, nhất là Sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu.

Về nội dung chất vấn của Đại biểu Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 574/TTg-QHĐP nêu rõ:

Hiện nay, cả nước có hơn 862 đô thị; với tốc độ đô thị hóa nhanh, các hoạt động sản xuất phát triển và gia tăng về dân số gây áp lực rất lớn đối với mỗi trường. Trong khi đó, hạ tầng cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT) mặc dù đã được đầu tư, song vẫn còn thiếu nguồn lực, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn, chưa huy động được các nguồn lực xã hội đầu tư cho BVMT, đặc biệt là công tác thu gom, xử lý nước thải đô thị, làng nghề, cụm công nghiệp. Hệ thống thoát nước tại các đô thị chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu thoát nước, hiệu quả xử lý thấp. Chỉ có khoảng 15% nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý; tỷ lệ làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường là 16,1%; 91% các Khu công nghiệp có công trình xử lý nước thải tập trung.

Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ giải pháp:

(1) Về thể chế, chính sách: Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 trong đó tiếp cận bảo vệ môi trường nước theo hướng quản lý dựa trên tải lượng, việc xả thải vào nguồn nước phải trên cơ sở đánh giá sức chịu tải của sông, hạn ngạch xả nước thải vào lưu vực sông; phải có hệ thống thu gom, xử lý nước thải riêng biệt với hệ thống thoát nước mưa; quy định trách nhiệm của chủ nguồn thải phải xử lý đạt tiêu chuẩn trước khi xả thải ra môi trường; giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm đầu tư, khuyến khích đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải đô thị, khu dân cư tập trung trên địa bàn thuộc trách nhiệm đầu tư của Nhà nước;...

(2) Về chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp: Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2022 trong đó yêu cầu cho các địa phương xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ; chú trọng bảo vệ môi trường lưu lượng môi trường nước mặt đối với các sông, hồ; chú trọng bảo vệ môi trường lưu vực sông, đặc biệt là các lưu vực sông Nhuệ - Đáy, sông cầu, sông Mã, sông Vũ Gia - Thu Bồn và sông Đồng Nai. Đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt kết hợp với cải tạo, phục hồi các hồ ao, kênh mương ở các đô thị lớn. Thực hiện các dự án xử lý nước thải, khôi phục lại các đoạn sông, kênh, rạch đã bị ô nhiễm nghiêm trọng như sông Tô Lịch, Sét... (Hà Nội), kênh Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hũ - Bến Nghé, rạch Xuyên Tâm... (Thành phố Hồ Chí Minh), v.v...

Để tiếp tục tăng cường công tác quản lý chất lượng môi trường nước mặt, đặc biệt là tại các đô thị lớn (trong đó có Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh), tập trung thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, hoàn thành việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch môi trường thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thiện thể chế chính sách, nhằm ưu đãi, thu hút đầu tư, thúc đẩy xã hội hóa trong BVMT nước tại các đô thị.

Hai là, khẩn trương hoàn thành việc đánh giá khả năng chịu tải của môi trường nước mặt; xây dựng, phê duyệt Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt theo quy định của Luật BVMT 2020 để triển khai thực hiện.

Ba là, rà soát, thống kê, lập danh mục phân loại các nguồn thải, phân công trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát sinh nước thải vào các nguồn nước mặt, đặc biệt chú trọng các khu vực, các đoạn sông hiện đang có dấu hiệu ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Bốn là, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm nguồn nước mặt; công khai thông tin cho cộng đồng để phối hợp theo dõi, giám sát.

Năm là, ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải tập trung cho các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, các cụm dân cư, khu đô thị, tăng cường hợp tác công tư trong lĩnh vực xử lý chất thải; bảo đảm đến năm 2025, tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý đạt tối thiểu là 50%./.

Lê Anh