ĐBQH PHẠM THỊ HỒNG YẾN: HÌNH THÀNH CƠ SỞ PHÁP LÝ ĐỒNG BỘ CHO VIỆC KHAI THÁC, SỬ DỤNG HIỆU QUẢ TÀI NGUYÊN, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN, HẢI ĐẢO

03/06/2024

Ngày mai (4/6), Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Quan tâm đến nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đại biểu Phạm Thị Hồng Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận kiến nghị thời gian tới cần xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh và thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong các chính sách, pháp luật, từ đó hình thành cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo; phát triển bền vững kinh tế biển.

KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XV: CHƯƠNG TRÌNH PHIÊN HỌP CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, ngày mai (4/6), Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV. Bên lề nghị trường trước thềm Phiên chất vấn, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Phạm Thị Hồng Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận xoay quanh các nội dung liên quan đến Phiên chất vấn lần này, trong đó tập trung vào nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường, nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương…

Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận

Hình thành cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo

Phóng viên: Mở đầu Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 diễn ra vào ngày mai (4/6) sẽ tập trung chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Đại biểu nhận định thế nào về những tồn tại, hạn chế trong phát triển bền vững kinh tế biển và tổ chức quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia thời gian qua, đồng thời có kiến nghị giải pháp gì để khắc phục các hạn chế này trong thời gian tới?

Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận: Biển Việt Nam là một bộ phận quan trọng của Biển Đông có diện tích gấp ba lần diện tích đất liền; Bờ biển Việt Nam phần đất liền dài trên 3.260 km. Biển Việt Nam có tài nguyên đa dạng, phong phú, Có thể nói, việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển trong những năm qua đã đóng góp hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững của đất nước.

Tuy nhiên, do nhu cầu và sự phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động ở vùng bờ và trên biển cộng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến những tác động đến điều kiện tự nhiên, các hệ sinh thái, tài nguyên, môi trường biển. Các hệ sinh thái, tài nguyên biển đã và đang suy thoái, diện tích bị thu hẹp nghiêm trọng. Sự gia tăng chất thải ra cửa sông, ven biển, ngày càng gây ô nhiễm trên diện rộng tại các vùng cửa sông, ven biển làm ảnh hưởng đến tài nguyên nước, sinh vật, các ngành kinh tế gắn với biển.

Tôi cho rằng, nếu không có giải pháp ngăn chặn hiệu quả thì: (i) các hệ sinh thái biển và sinh cảnh quan trọng, nguồn lợi thủy sản sẽ tiếp tục bị suy thoái (suy giảm chất lượng, số lượng, thu hẹp diện tích, thậm chí một số loài có thể biến mất); (ii) gia tăng khai thác tài nguyên đất vùng cửa sông, ven biển, các hải đảo, tài nguyên sinh vật và nguồn lợi thuỷ sản, khoáng sản, dầu khí, năng lượng gió, mặt trời, tài nguyên du lịch, tài nguyên vị thế ở các vùng biển…; (iii) khả năng thiếu nước ngọt cục bộ sẽ tiếp tục xảy ra tại một số vùng ven biển và hải đảo, nhất là ven biển miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long; (iv) ô nhiễm môi trường biển, đặc biệt là ven biển ngày càng nghiêm trọng.

Ngoài ra, trong phát triển bền vững kinh tế biển, việc tổ chức quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên biển quốc gia vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và khó khăn, thách thức, có thể kể đến như sau: Không gian biển chưa được khai thác, sử dụng tổng hợp hiệu quả; chưa phát huy được vị thế, tiềm năng là cửa ngõ vươn ra thế giới để đẩy mạnh phát triển kinh tế; quy mô kinh tế biển còn nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa kinh tế; cơ cấu ngành, nghề chưa hợp lý; mới tận dụng, khai thác hiệu quả được một phần vùng biển quốc gia, chưa có đủ điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế; phương thức khai thác chủ yếu vẫn là sản xuất nhỏ. Liên kết vùng giữa các vùng biển, ven biển, vùng nội địa; địa phương có biển với địa phương không có biển và giữa các ngành, lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, kém hiệu quả.

Khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực biển chưa trở thành nhân tố then chốt để phục vụ phát triển bền vững kinh tế biển. Ô nhiễm môi trường biển, biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xói lở bờ biển diễn ra nghiêm trọng ở nhiều nơi; các hệ sinh thái biển, đa dạng sinh học biển và nguồn lợi thủy sản bị suy giảm; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức…

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Từ những hạn chế nêu trên, tôi đề xuất một số giải pháp cần quyết liệt triển khai thực hiện trong thời gian tới như sau:

Thứ nhất, cần xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh và thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết số 36-NQ/TW, Nghị quyết số 26/NQ-CP và Nghị quyết số 48/NQ-CP của Chính phủ, trong các chính sách, pháp luật để hình thành cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, hải đảo; phát triển bền vững kinh tế biển.

Đồng thời cần tập trung tổng kết, đánh giá trình Quốc hội sửa đổi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và pháp luật liên quan để bảo đảm đồng bộ nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo; hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng cải cách hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý, khai thác, sử dụng biển.

Thứ hai, đổi mới quản trị biển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả; đảm bảo hài hoà lợi ích giữa địa phương có biển và địa phương không có biển, giữa khai thác và sử dụng với bảo tồn biển, giữa các bên liên quan với xây dựng quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển. Xây dựng và triển khai cơ chế điều phối, phối hợp liên ngành, liên cấp trong quản lý biển.

Thứ ba, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và tổ chức điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế biển gắn chặt với bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường đối ngoại và hợp tác quốc tế. Đồng thời đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển, trong đó chú trọng đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu biển quốc gia.

Thứ tư, ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực biển; hình thành các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học biển, khai thác đáy biển sâu đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Quan tâm đầu tư hạ tầng nghiên cứu biển tiên tiến, thiết bị ngầm dưới biển có khả năng nghiên cứu ở các vùng biển sâu. Có chính sách thu hút và cộng tác với các chuyên gia về biển giỏi trong và ngoài nước, đặc biệt là cộng đồng các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ năm, khuyến khích và huy động các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước để phát triển các ngành kinh tế biển; ưu tiên đầu tư công cho phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm, có quy mô lớn, mang tính liên vùng, liên tỉnh, có sức lan tỏa cao, giải quyết nhu cầu thiết yếu, các nút thắt của vùng biển, ven biển. Phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công để thúc đẩy thu hút, huy động các nguồn lực xã hội tham gia các công trình đầu tư, đặc biệt trong các ngành kinh tế biển…

Tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu

Phóng viên: Liên quan đến nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, đại biểu nhận định thế nào về những vướng mắc còn tồn tại trong thời gian qua chậm được khắc phục và kiến nghị giải pháp gì để tháo gỡ các vướng mắc này trong thực tiễn?

Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận: Trước bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, Việt Nam vẫn xác định ưu tiên cho tăng trưởng và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, chính vì vậỵ việc tiếp tục tìm kiếm các giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các FTA và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là một trong những vấn đề thuộc lĩnh vực công thương được các vị đại biểu Quốc hội, trong đó có tôi, đặc biệt quan tâm.

Như chúng ta đã biết, những năm qua, thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, hoạt động xuất khẩu nói riêng, công tác kinh tế đối ngoại, hội nhập quốc tế về kinh tế nói chung đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng cao, cán cân thương mại tích cực, duy trì xuất siêu liên tục và tăng dần trong nhiều năm, góp phần ổn định cân đối lớn của nền kinh tế, hỗ trợ thực hiện chính sách tỷ giá, ngoại hối; tạo việc làm; nâng cao năng lực sản xuất, trình độ quản lý của doanh nghiệp.

Đóng góp quan trọng vào kết quả xuất khẩu thời gian qua là việc triển khai nhiều giải pháp khai thác tối đa các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia ký kết. Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay, Việt Nam đã ký kết và cơ bản kết thúc đàm phán 17 Hiệp định FTA với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ; đang đàm phán, chuẩn bị khởi động đàm phán 03 Hiệp định và 01 khung khổ kinh tế (Khung khổ kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF)). Tổng kim ngạch xuất khẩu sang các nước đối tác tham gia các Hiệp định FTA chiếm khoảng 65% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi năm 2023 đạt trên 86 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2022, chưa kể kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác tham gia các FTA đã xóa bỏ thuế quan về 0%.

Mặc dù vậy, hoạt động xuất khẩu và khai thác ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, cụ thể như: (i) xuất khẩu tuy phục hồi nhưng chưa bền vững vì chịu ảnh hưởng mạnh từ các yếu tố bất ổn về chuỗi cung ứng và nhu cầu thị trường thế giới thay đổi và chưa phục hồi như kỳ vọng; (ii) xuất khẩu còn phụ thuộc lớn vào một số nền thị trường lớn; (iii) các doanh nghiệp FDI còn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu (khoảng 73% năm 2023); (iv) hiệu quả khai thác các ưu đãi từ các Hiệp định FTA chưa cao như kỳ vọng…

Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Nhằm tháo gỡ các vướng mắc này, tôi đề xuất một số giải pháp căn cơ cần tập trung triển khai trong thời gian tới, đó là: Các bộ, ngành trong đó Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao tiếp tục chủ trì, phối hợp để đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, đặc biệt cho các mặt hàng trái cây và sản phẩm trồng trọt; tổ chức thực hiện các giải pháp liên quan đến Thuế tối thiểu toàn cầu nhằm duy trì sức hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam, qua đó củng cố năng lực xuất khẩu bền vững.

Cần có giải pháp để hỗ trợ và thúc đẩy nâng cao năng lực sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước; Hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp trong nước với các tập đoàn đa quốc gia, với các doanh nghiệp FDI để nâng cao khả năng tham gia chuỗi cung ứng, xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước; tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến xuất khẩu, …

Tăng cường hơn nữa vai trò và tiếng nói của các Hiệp hội ngành hàng trong nắm bắt khó khăn, vướng mắc, về sản xuất, xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp, từ đó giúp các cấp, các ngành kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền phục vụ công tác chỉ đạo kịp thời, điều hành linh hoạt các giải pháp có liên quan.

Cùng với đó, tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp cách ứng phó với các vụ kiện; kịp thời thông tin cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, quy định mới của các thị trường nhập khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, tôi cho rằng, cần có giải pháp điều tiết, nâng cao tốc độ thông quan tại các cửa khẩu biên giới, khuyến cáo doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển sang thương mại chính ngạch; tiếp tục triển khai tốt Chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật Hải quan. Triển khai vận hành tốt hệ thống cấp Giấy chứng nhận xuất xứ qua Internet và cơ chế Tự chứng nhận xuất xứ; rà soát, đơn giản hóa quy trình cấp C/O; áp dụng khai báo C/O điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu khi làm thủ tục đề nghị cấp C/O.

Đồng thời. tiếp tục nghiên cứu thực hiện trao đổi chứng từ điện tử, C/O điện tử với các đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, các nước Châu Âu, ngoài 9 nước trong khu vực hiện nay. Tiếp tục kịp thời giải đáp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất xứ để giúp doanh nghiệp khai thác được các lợi ích từ các FTA mà Việt Nam đã ký kết.

Nhận diện rõ vướng mắc, đề xuất giải pháp khả thi

Phóng viên: Qua đây, đại biểu bày tỏ kỳ vọng gì về Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 này?

Đại biểu Phạm Thị Hồng Yến - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận: Bản thân tôi cũng như các đại biểu Quốc hội rất kỳ vọng vào Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp này để từ đó chúng ta có thể nhìn nhận đánh giá một cách trực diện, khách quan và ghi nhận những kết quả đạt được, nhận diện và xác định rõ những điểm tồn tại, vướng mắc. Qua đó, Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội cùng các cơ quan bộ ngành, các thành viên của Chính phủ có thể trao đổi, thảo luận, đề xuất những giải pháp khả thi, hiệu quả nhằm tiếp tục thúc đẩy đưa các nguồn lực, lợi thế của đất nước vào đóng góp trong hoạt động đời sống sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững, đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024 cũng như của cả nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu./.

Bích Ngọc - Phạm Thắng

Các bài viết khác