ĐBQH TRẦN THỊ HỒNG AN: CẦN QUY ĐỊNH CHẶT CHẼ VIỆC HUY ĐỘNG, SỬ DỤNG NGUỒN LỰC HỖ TRỢ HOẠT ĐỘNG QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VÀ NÔNG THÔN

20/06/2024

Góp ý tại Phiên thảo luận tổ về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị bổ sung các quy định chặt chẽ về việc huy động, sử dụng nguồn lực hỗ trợ khi kèm điều kiện từ nhà tài trợ; quy định trách nhiệm công bố công khai, minh bạch thông tin của tổ chức, cá nhân hỗ trợ, cơ quan, đơn vị tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ và việc sử dụng nguồn lực hỗ trợ.

ĐBQH TRẦN THỊ HỒNG AN: NỘI LUẬT HOÁ ĐẦY ĐỦ QUY ĐỊNH CÁC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ SONG PHƯƠNG MÀ VIỆT NAM KÝ KẾT

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn trình Quốc hội tại Tờ trình số 133/TTr-CP ngày 09/4/2024 được thiết kế với 05 Chương, 08 Mục, 61 Điều. Sau khi nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý thành 06 Chương, 65 Điều.

Dự thảo Luật có 03 chính sách lớn trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn đã được Quốc hội thông qua: (i) Hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; (ii) Hoàn thiện các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn; (iii) Hoàn thiện các quy định về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nguồn kinh phí và các quy định có liên quan khác nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi của quy hoạch đô thị và nông thôn, quyền được tiếp cận, cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị và nông thôn.

Đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi 

Tham gia đóng góp ý kiến tại Phiên thảo luận ở Tổ 3 về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đại biểu Trần Thị Hồng An - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật này nhằm: (1) Thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, trong đó có Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về “quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XIII về “nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; (2) Khắc phục những bất cập, hạn chế, không thống nhất của các quy định hiện hành về quy hoạch đô thị tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009, Luật Xây dựng năm 2014 và các văn bản sửa đổi, bổ sung; (3) Quy định rõ quan hệ của quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn với các quy hoạch khác trong hệ thống quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017.

Cụ thể, cần xác định rõ cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và cần có kết nối chặt chẽ với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; các cấp độ quy hoạch đô thị và nông thôn thuộc quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, là cụ thể hóa hệ thống quy hoạch quốc gia.

Rà soát kỹ lưỡng các điều ước quốc tế có liên quan

Về sự tương thích, phù hợp của dự án Luật với các điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, đại biểu Trần Thị Hồng An đồng ý với nhận định của Bộ Tư pháp tại Báo cáo số 20/BCTĐ-BTP ngày 19/01/2024 về việc dự thảo Luật cơ bản có nội dung về phục vụ lợi ích công cộng, lợi ích chung, là vấn đề nội bộ của quốc gia, ít liên quan đến các cam kết quốc tế và nhất trí dự thảo Luật cơ bản tương thích với một số cam kết có liên quan như việc cá nhân, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ quy hoạch đô thị theo cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO, các Hiệp định Thương mại tự do, Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ AFAS…Dự thảo Luật quy định theo hướng các cá nhân nước ngoài đủ điều kiện tham gia lập quy hoạch khi được công nhận theo các cam kết, thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về năng lực hành nghề giữa các quốc gia đã bảo đảm tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Hồng An đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các điều ước quốc tế có liên quan đến quyền dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của con người, trong đó có các cam kết tại các điều ước quốc tế có liên quan để góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs).

Bổ sung quy định về việc huy động, sử dụng nguồn lực hỗ trợ hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn

Các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi tại Phiên thảo luận ở Tổ 3

Về quy định kinh phí cho công tác lập quy hoạch đô thị và nông thôn, đại biểu nhất trí với quy định của dự thảo Luật về việc sử dụng kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước để phục vụ hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn cũng như quy định khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài tài trợ kinh phí, hỗ trợ cho công tác lập quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 10 của Dự thảo Luật quy định về Kinh phí cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn và Điều 11 về Nguồn lực hỗ trợ hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn).

Tuy nhiên, để đảm bảo việc huy động và sử dụng các nguồn lực hỗ trợ không dẫn đến hệ lụy về lợi dụng chính sách, cài cắm lợi ích, đại biểu Trần Thị Hồng An đề nghị bổ sung các quy định chặt chẽ về việc huy động, sử dụng nguồn lực hỗ trợ khi kèm điều kiện từ nhà tài trợ; quy định trách nhiệm công bố công khai, minh bạch thông tin của tổ chức, cá nhân hỗ trợ, cơ quan, đơn vị tiếp nhận nguồn lực hỗ trợ và việc sử dụng nguồn lực hỗ trợ.

Rà soát các quy định để đảm bảo khả năng tiếp cận thông tin của người dân

Liên quan đến cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị và nông thôn và khả năng tiếp cận của người dân (Điều 52 của dự thảo Luật về Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quy hoạch đô thị và nông thôn và Điều 53 về Tiếp cận, cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị và nông thôn), đại biểu Trần Thị Hồng An nêu rõ, vấn đề tiếp cận thông tin quy hoạch là nội dung được cử tri rất quan tâm, là điều kiện để đảm bảo quyền giám sát của nhân dân trong quá trình thực hiện quy hoạch, quản lý phát triển đô thị, nông thôn và là cơ sở đảm bảo phòng ngừa tiêu cực.

Tuy nhiên, để đảm bảo khả năng tiếp cận thông tin của người dân, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, đối chiếu các quy định có liên quan tại Luật Tiếp cận thông tin và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở như quy định về thời điểm, nội dung, hình thức và trách nhiệm trong việc công bố quy hoạch, từ đó nghiên cứu quy định bổ sung các nội dung này hoặc dẫn chiếu đến các quy định của hai Luật trên.

Bên cạnh đó, đại biểu Trần Thị Hồng An cũng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định trong dự thảo Luật để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống các văn bản pháp luật thuộc lĩnh vực quy hoạch, đất đai, xây dựng... do có nhiều nội dung quy định về công tác quy hoạch được thể hiện tại các văn bản pháp luật liên quan nêu trên để tránh bị chồng chéo, gây lãng phí trong tổ chức thực hiện./.

Bích Ngọc - Nghĩa Đức

Các bài viết khác