ĐBQH LÊ THỊ THANH LAM: CÁC LOẠI QUY HOẠCH CẦN ĐƯỢC NGƯỜI DÂN THEO DÕI, GIÁM SÁT VIỆC THỰC HIỆN

20/06/2024

Chiều 20/6, góp ý tại Phiên thảo luận Tổ về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn, đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang đề nghị phạm vi điều chỉnh cần bổ sung thêm nội dung “theo dõi, giám sát việc thực hiện quy hoạch”. Bởi đây là nội dung người dân rất quan tâm, các loại quy hoạch rất cần người dân theo dõi, giám sát việc thực hiện quy hoạch.

TẠO CƠ SỞ PHÁP LÝ, CÔNG CỤ QUẢN LÝ ĐỒNG BỘ ĐỂ ĐIỀU CHỈNH HOẠT ĐỘNG QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VÀ NÔNG THÔN

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 13

Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn trình Quốc hội được thiết kế gồm 06 Chương, 65 Điều. Kế thừa phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Luật Xây dựng năm 2014 (Chương II), trên cơ sở phạm vi của quy hoạch đô thị và nông thôn quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017, phạm vi điều chỉnh của Luật đề xuất là: “Luật này quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh, tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn và quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn”.

Tham gia góp ý vào dự án luật, đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang tán thành sự cần thiết ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước;...

Cơ bản thống nhất với nhiều nội dung được đề xuất, đại biểu góp ý vào một số vấn đề cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật, cụ thể:

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam – Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang

Bổ sung nội dung “theo dõi, giám sát việc thực hiện quy hoạch”.

Về phạm vi điều chỉnh: Điều 1 dự thảo  quy định “Luật này quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn; lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh, tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn và quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn”. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị bổ sung thêm nội dung “theo dõi, giám sát việc thực hiện quy hoạch”. Bởi vì, đây là nội dung người dân rất quan tâm, các loại quy hoạch rất cần người dân theo dõi, giám sát việc thực hiện quy hoạch.

Về kinh phí chi cho hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn (Điều 10): Theo đại biểu quy định về thu, quản lý, chi kinh phí, ngân sách nhà nước cho các hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn như tại dự thảo luật là quá chi tiết, gây trùng lặp, chồng chéo, không thống nhất với pháp luật về ngân sách nhà nước. Vì vậy, đại biểu tỉnh Hậu Giang đề nghị không nên quy định quá chi tiết, cụ thể về thu, quản lý, chi ngân sách nhà nước cho các hoạt động quy hoạch như trong dự thảo Luật mà chỉ quy định những vấn đề chưa có trong Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.

Quy định thống nhất giữa các loại quy hoạch về thời kỳ, thời hạn

Cũng theo đại biểu, Dự thảo Luật xác định: “Thời hạn quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh, thị xã, đô thị mới dự kiến trở thành thành phố, thị xã từ 20 đến 25 năm” tại khoản 5, Điều 21 và “Thời hạn quy hoạch chung thị trấn, đô thị mới dự kiến trở thành thị trấn từ 10 đến 20 năm” tại khoản 4 Điều 22. Trong khi đó, Luật Đất đai từ Điều 37, Điều 38, Điều 39, Điều 40 quy định thời kỳ quy hoạch sử dụng đất xác định là 10 năm; nội dung quy hoạch định hướng cũng 10 năm. Luật Đất đai năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua (chưa có hiệu lực) quy định quy hoạch tỉnh thời kỳ quy hoạch sử dụng đất cấp huyện là 10 năm, tầm nhìn sử dụng đất 20 năm. Như vậy, giữa các loại quy hoạch về thời kỳ, thời hạn là chưa giống nhau.

Từ phân tích trên, đại biểu đề nghị nên điều chỉnh thời hạn của luật đồng bộ với thời kỳ quy hoạch sử dụng đất cho phù hợp thực tế, thống nhất giữa các dự án Luật,

Liên quan tới quy hoạch chi tiết khu vực xây dựng trong huyện, trong xã được quy định cụ thể tại Điều 28, đại biểu đề nghị quy định tại dự thảo Luật nên mang tính mở nhằm thực hiện được đồng bộ quy định của Luật với Chỉ thị số 25-CT/TW, ngày 25.10.2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, qua đó bảo đảm phù hợp cho việc bố trí nguồn lực, nhân lực ngành Y tế.

Bổ sung thêm loại hình “quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” và “quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn ở các đảo”

Ngoài ra, đối với quy định về hệ thống các loại hình quy hoạch và cấp độ quy hoạch của dự thảo Luật, theo nhận định của đại biểu là tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, chưa đề cập đến việc quy định “quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” và “quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn ở các đảo” của nước ta. “Vì “đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” được quy định tại khoản 1 Điều 110 Hiến pháp năm 2013 và quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; Về lãnh thổ, ngoài đất liền, nước ta còn là một Quốc gia có nhiều đảo, trong đó có nhiều đảo lớn như: Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Phong (Khánh Hoà), Vân Đồn (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Quý (Bình Thuận)... Trên các đảo này vừa có đô thị (thị trấn), vừa có nông thôn (huyện, xã) có các điều kiện đặc thù về địa lý, du lịch, tài nguyên thiên nhiên liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng;”, đại biểu lý giải.

 Vì vậy, đại biểu Lê Thị Thanh Lam đề nghị bổ sung thêm loại hình “quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” và “quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn ở các đảo” vào hệ thống quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn nhằm đảm bảo quy định trong Luật đầy đủ./.

Lê Anh - Nghĩa Đức

Các bài viết khác