QUYẾT SÁCH CỦA QUỐC HỘI TẠO ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY HOÀN THÀNH CÁC MỤC TIÊU QUAN TRỌNG TRONG NĂM 2024

29/06/2024

Sau 27,5 ngày làm việc với tinh thần tích cực, khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm cao, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra. Chia sẻ về kết quả Kỳ họp, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam cho rằng, quyết sách của Quốc hội đã kịp thời thể chế hóa các chủ trương, Nghị quyết của Đảng thành các quy định của pháp luật; tạo động lực thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu quan trọng trong năm 2024, cũng như của cả nhiệm kỳ.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 29/06: BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHOÁ XV

Phiên bế mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 20/5 đến ngày 8/6; đợt 2 từ ngày 17/6 đến sáng ngày 29/6. Sau 27,5 ngày làm việc nghiêm túc, khoa học, dân chủ, trách nhiệm cao theo đúng quy định của pháp luật và nội quy Kỳ họp, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Đây là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất tại một Kỳ họp, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay; các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực. Đồng thời, công tác nhân sự đã được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội...

Chia sẻ về kết quả Kỳ họp, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang Lê Thị Thanh Lam cho rằng, quyết sách của Quốc hội đã kịp thời thể chế hóa các chủ trương, Nghị quyết của Đảng thành các quy định của pháp luật; tạo động lực thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu quan trọng trong năm 2024, cũng như của cả nhiệm kỳ.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang

Phóng viên: Thưa đại biểu, sau 27,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thành công tốt đẹp. Vậy, đại biểu có đánh giá như thế nào về kết quả của kỳ họp lần này?

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang: Sau 27,5 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với nhiều nội dung rất quan trọng trong công tác xây dựng pháp luật, nghị quyết; công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Cụ thể, Quốc hội đã thông qua 11 luật; xem xét, thông qua 21 nghị quyết, trong đó có 3 nghị quyết quy phạm pháp luật Quốc hội; cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật. Công tác nhân sự đã được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước (Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an; phê chuẩn Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, đồng thời tiến hành công tác nhân sự khác theo thẩm quyền và đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội).

Quốc hội cũng đã dành 2,5 ngày tiến hành chất vấn 3 vị Bộ trưởng và Tổng Kiểm toán Nhà nước về 4 lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường - Công thương - Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Kiểm toán nhà nước; các Phó Thủ tướng Chính phủ, thành viên Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn. 

Bên cạnh đó, Quốc hội đã kịp thời, bổ sung chương trình làm việc linh hoạt, giải quyết những vấn đề quan trọng theo yêu cầu thực tiễn và quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh,… Công tác điều hành các phiên họp đảm bảo phát huy dân chủ, trí tuệ, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội và các cơ quan trình, thẩm tra, tiếp thu, giải trình.

Tôi cho rằng, Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập của từng cơ quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ do pháp luật quy định. Trên cơ sở đó, Quốc hội đã đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp thiết thực nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới. 

Phóng viên: Theo nhận định của đại biểu, kết quả của kỳ họp thứ 7 có ý nghĩa cũng như tác động như thế nào đến việc thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước?

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang: Theo đánh giá của cá nhân, kết quả kỳ họp lần này Quốc hội đã xem xét hỗ trợ theo Nghị quyết 135/2020/QH14 ngày 17/11/2020 và nhiều nội dung về các chính sách, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng những tháng đầu năm 2024 và công tác tư pháp, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, thi hành án,... mặc dù tình hình trong nước và thế giới bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ucraina, Hamas-Israel; giá nguyên liệu đầu vào, giá xăng dầu, lạm phát ở nhiều nước tăng cao... nhưng Quốc hội, Chính phủ, đã chủ động tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về phát triển kinh tế năm 2024 có nhiều chuyển biến tích cực góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế trong năm 2024. Nền kinh tế Việt Nam phát triển khá so với các nước trong khu vực.

Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thành công nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ 2021-2026. Với việc xem xét, quyết định và hoàn thành 49 nội dung quan trọng thuộc các lĩnh vực lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, quyết sách của Quốc hội đã kịp thời thể chế hóa các chủ trương, Nghị quyết của Đảng thành các quy định của pháp luật, đồng thời tạo động lực thúc đẩy hoàn thành các mục tiêu quan trọng trong năm 2024, cũng như của cả nhiệm kỳ.

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Phóng viên: Một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo thành công của Kỳ họp không thể không nhắc đến công tác chuẩn bị, tham mưu, phục vụ của Văn phòng Quốc hội trong suốt quá trình diễn ra kỳ họp. Vậy, đại biểu có chia sẻ như thế nào về công tác này tại kỳ họp thứ 7?

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang: Văn phòng Quốc hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan chuẩn bị kỳ họp chu đáo; về công tác chuẩn bị các nội dung đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, được cử tri và Nhân dân cả nước đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội.

Công tác thông tin, tuyên truyền của các cơ quan Báo, Đài ở Trung ương và địa phương về hoạt động Kỳ họp, các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp bảo đảm kịp thời, đúng định hướng, chất lượng, hiệu quả; nội dung phong phú, thông tin đa dạng, nhiều chiều, phương thức sinh động, phản ánh khách quan, sâu rộng, toàn diện, sâu sắc, sát diễn biễn kỳ họp, tạo điều kiện thuận lợi để cử tri theo dõi, nắm bắt, đánh giá đúng kết quả thực hiện nhiệm vụ của các vị đại biểu Quốc hội và kết quả các phiên họp.

Các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng được thực hiện ngày càng tốt hơn; công tác an ninh, an toàn kỳ họp được đảm bảo thực hiện tốt, chặt chẽ trong suốt thời gian diễn ra kỳ họp; công tác lễ tân, hậu cần cơ bản đảm bảo các điều kiện phục vụ tốt cho các vị đại biểu Quốc hội trong suốt thời gian tham gia kỳ họp. Nhìn chung, công tác phục vụ về mọi mặt cho kỳ họp cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu đặt ra, góp phần quan trọng vào thành công của kỳ họp lần này.

Phóng viên: Ngay sau khi kết thúc kỳ họp, các đoàn ĐBQH sẽ tiến hành tiếp xúc cử tri. Vậy, đâu là nội dung đại biểu tâm đắc nhất muốn chia sẻ cùng cử tri tỉnh Hậu Giang?

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH Hậu Giang: Tôi tâm đắc nhất là các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, vấn đề về lộ trình thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 01/7/2024 cho khu vực công cũng như khu vực tư nói riêng. Bởi đây là các vấn đề có tác động trực tiếp đến đời sống của Nhân dân và của lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Trong đó, nhóm vấn đề lớn nhất mà cử tri, Nhân dân quan tâm, phản ánh đó là biến đổi khí hậu khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhất là tình trạng hạn mặn “kéo dài và lặp đi, lặp lại thường xuyên”.

Do đó, tôi đã đặt nhóm vấn đề này lên hàng đầu để kiến nghị đến Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, chính quyền các tỉnh có biện pháp trước mắt cũng như lâu dài về vấn đề kiềm chế giá cả trên thị trường khi lộ trình cải cách tiền lương được thực hiện, nhằm tránh trường hợp khi lương chưa tăng thì giá đã tăng làm ảnh hưởng đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Đồng thời, đề nghị có biện pháp đảm bảo nguồn nước ngọt, nước sạch cho sản xuất, sinh hoạt và đời sống của người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng trước tình hình biến đổi khí hậu như hiện nay.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh - Nghĩa Đức

Các bài viết khác