Phóng viên: Đại biểu có đánh giá thế nào về sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Sau 23 năm thực hiện Luật Di sản văn hoá 2001 và 15 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hoá 2009, tôi cho rằng, trước yêu cầu của cuộc sống, việc sửa đổi toàn diện Luật Di sản văn hoá hiện nay là rất cần thiết để điều chỉnh bao quát những vấn đề mới như: Di sản tư liệu, di sản đô thị, di sản công nghiệp, di sản số, vai trò của di sản như nguồn lực, tài sản cho sự phát triển bền vững đất nước; thống nhất với những luật mới đã được ban hành nhưng có sự khác biệt, chưa phù hợp với Luật Di sản văn hoá hiện nay như: Luật Đất đai, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường…; cũng như tương thích và thực hiện đúng cam kết với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia trong thời gian vừa qua.
Tôi cho rằng, Luật Di sản văn hóa lần này được sửa đổi toàn diện là nhằm thể chế chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa và di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn, góp phần bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong bối cảnh mới.
Phóng viên: Dự kiến sáng ngày 26/06 tới đây, Quốc hội sẽ chính thức thảo luận về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Đại biểu có đánh giá thế nào về dự thảo Luật này cho đến thời điểm hiện tại?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Để hoàn thiện dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp lần này, Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến rộng rãi của nhân sĩ, trí thức, các tầng lớp xã hội… để có dự thảo Luật tương đối toàn diện. Tôi nhận thấy Cơ quan soạn thảo đã có nhiều cố gắng để bao quát những vấn đề mới, xử lý những điểm nghẽn trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, để di sản góp phần tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.
Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp này có bố cục gồm 9 chương 102 điều, tăng 2 chương, 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành. Cụ thể, dự thảo Luật bỏ 2 chương: Chương II về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với di sản văn hóa, Chương VI về khen thưởng và xử lý vi phạm; bổ sung 4 chương: Chương IV về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu, Chương V về bảo tàng, Chương VI về hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa, Chương VII về điều kiện bảo đảm hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hồ sơ dự án Luật cũng kèm theo 7 dự thảo Nghị định và 7 dự thảo Thông tư quy định chi tiết.
Về tổng thể, dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) kế thừa, sửa đổi nhiều quy định của Luật Di sản văn hóa hiện hành và bổ sung nhiều quy định mới để khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, chính sách, giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn. Dự thảo Luật đã mở rộng phạm vi điều chỉnh (di sản tư liệu) và bổ sung đối tượng áp dụng (cộng đồng); bổ sung các quy định về đầu tư, xây dựng, cải tạo công trình trong và ngoài khu vực bảo vệ di tích; hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa; các điều kiện bảo đảm hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa…; kế thừa có bổ sung các quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể. Ngoài ra, dự thảo Luật đã lựa chọn luật hóa một số quy định trong các văn bản dưới luật như điều kiện, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia… làm tăng tính cụ thể và khả thi của Luật.
Tuy nhiên, để dự thảo Luật tốt hơn, tôi cho rằng, chúng ta nên tiếp tục xem xét thêm một số nội dụng liên quan đến hệ thống các khái niệm, di sản tư liệu, di sản đô thị và di sản công nghiệp…
Phóng viên: Đại biểu có thể chia sẻ cụ thể hơn về những nội dung mà đại biểu cho là cần tiếp tục hoàn thiện trong dự thảo Luật?
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Đầu tiên là hệ thống các khái niệm. Tôi nhận thấy có tình trạng vừa thừa, vừa thiếu và chưa rõ ràng trong một số khái niệm. Ví dụ, chúng ta còn thiếu một số khái niệm như: di sản số, di sản công nghiệp, di sản đô thị, di sản thiên nhiên… trong khi đó, có thể thừa các khái niệm như danh lam thắng cảnh (vốn đã được thay thế bởi khái niệm di sản thiên nhiên, và ở Việt Nam đã có 8 di sản), hay công trình kinh tế - xã hội… Còn định nghĩa “di sản văn hoá” tại Mục 1, Điều 1 ghi bao gồm “di sản văn hoá vật thể, di sản văn hoá phi vật thể và di sản tư liệu” lại không logic và không tương thích với các văn bản của UNESCO, cũng như các văn bản định nghĩa về khái niệm này trên thế giới. (Dù Cơ quan soạn thảo nêu lý do là có Chương trình ký ước thế giới của UNESCO từ năm 1994 nhưng đây là một trong số nhiều chương trình của UNESCO, tương tự như vậy là Chương trình báu vật nhân văn sống cho các nghệ nhân và người thực hành văn hoá. Các chương trình này có tính pháp lý thấp hơn so với các công ước của UNESCO dành cho di sản văn hoá vật thể năm 1972 hay di sản văn hóa phi vật thể năm 2003).
Thứ hai là cần cân nhắc việc để di sản tư liệu thành một chương trong dự thảo Luật. Như trên tôi đã phân tích, di sản tư liệu có thể là di sản vật thể hoặc di sản phi vật thể. (Theo định nghĩa trong dự thảo Luật hiện nay thì đang nghiêng về di sản vật thể. Cụ thể, di sản tư liệu là hiện vật, nhóm hiện vật đặc thù, độc bản, là sản phẩm trí tuệ chứa đựng thông tin có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ được thể hiện trực tiếp thông qua ký hiệu, chữ viết, mật mã, âm thanh, hình ảnh, dạng số và các dạng thức khác; được kế thừa, trao truyền và tiếp cận.) Qua trao đổi với các chuyên gia và ý kiến của lãnh đạo Quốc hội, các ý kiến đều cho thấy cần cân nhắc về việc xếp riêng di sản tư liệu như vậy. Tôi cũng đồng ý với những nhận định này.
Thứ ba, tôi nghĩ chúng ta cần chú ý nhiều hơn đến di sản đô thị và di sản công nghiệp, nhất là các đô thị như Hà Nội, nơi có các địa điểm đáng chú ý như: Làng cổ Đường Lâm, khu phố cổ, Nhà máy bia Hà Nội, Nhà máy xe lửa Gia Lâm… Từng có một chuyên gia Ấn Độ nói với tôi rằng: “Nếu chúng ta bảo tồn di sản một cách máy móc, không đặt con người vào trung tâm, chúng ta sẽ vô nhân đạo đối với những người đang sống”. Qua quá trình khảo sát, tôi cảm thấy rất thấm thía về vấn đề này. Nếu chúng ta không cân bằng được bảo tồn và phát triển, làng cổ Đường Lâm sẽ trả lại danh hiệu, khu phố cổ sẽ không mong muốn được công nhận di sản... Chúng ta cần có quy định riêng cho những di sản sống, để đặt con người vào trung tâm trong mọi kế hoạch bảo vệ di sản, từ đó đất nước mới phát triển bền vững được.
Thứ tư là vấn đề bảo vệ và phát huy giá trị di sản trên không gian mạng. Di sản số, bảo tàng số hay vấn đề số hoá di sản cũng cần được quan tâm nhiều hơn khi chúng ta biết rằng, sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với thế giới số, công dân số sẽ không loại trừ những vấn đề liên quan đến di sản, như vậy, nếu chúng ta không bao quát và xử lý những vấn đề này bằng luật pháp thì chỉ trong một thời gian ngắn nữa, chúng ta sẽ lại tiếp tục bị thực tiễn cuộc sống bỏ qua.
Bên cạnh đó, tôi cũng rất băn khoăn những vấn đề về bảo tàng ở Chương 5 khi chúng ta chưa có những chính sách ưu đãi đủ tốt cho các bảo tàng ngoài công lập. Tôi nghĩ, bảo tàng công lập hay ngoài công lập đều có ích cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Nhà nước nhiều khi không nhất thiết phải xây dựng, quản lý, tổ chức hoạt động của các bảo tàng. Nhiều quốc gia trên thế giới đã hợp tác với khu vực ngoài Nhà nước trong việc xây dựng, vận hành thiết chế văn hoá quan trọng này. Trong bối cảnh hiện nay, khi có nhiều cá nhân tâm huyết, mong muốn đầu tư cho bảo tàng, Nhà nước nên tạo điều kiện thuận lợi để tư nhân, doanh nghiệp tham gia nhiều hơn vào hoạt động bảo tàng. Việc sửa đổi Luật lần này nên có thêm các quy định động viên về cơ chế, chính sách, thủ tục cho bảo tàng tư nhân hơn nữa.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!