Giá trị truyền thống trong cuộc sống đương đại: Bài học từ cơn bão số 3

11/09/2024

Cơn bão số 3 ập đến, để lại những dư chấn, mất mát, đau thương về người, tài sản cho đất nước ta nhưng cũng đọng lại những câu chuyện cảm động về sự đoàn kết, lòng nhân ái, tương trợ lẫn nhau trong khó khăn, hoạn nạn. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, đó là những giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp đã có từ lâu của dân tộc ta và đang được tiếp tục phát huy mạnh mẽ trong xã hội đương đại.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì họp Bộ Chính trị chỉ đạo việc khắc phục hậu quả bão số 3

Cơ quan Đoàn ĐBQH và HĐND TP Hà Nội phát động quyên góp ủng hộ các tỉnh bị thiệt hại do bão, lũ

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương kiểm tra tình hình khắc phục sự cố sập cầu Phong Châu (Phú Thọ) và ứng phó với mưa lũ

 Bão số 3 đi qua, gây thiệt hại nghiêm trọng tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc

Phóng viên: Bão số 3 đi qua, gây thiệt hại lớn về người cũng như tài sản tại nhiều tỉnh, thành phía Bắc… Những giá trị văn hóa nào của người Việt Nam được thể hiện rõ ràng nhất trong việc đối phó với cơn bão số 3 vừa qua, thưa đại biểu?

TS. Nguyễn Thị Việt Nga – Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Theo thống kê ban đầu của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, tính đến 18h ngày 8/9 đã có 22 người chết và 32 người mất tích, 199 người bị thương do bão số 3 ở 9 tỉnh, thành phố. Và con số thiệt hại về người dường như chưa dừng tại đó, khi tiếp tuc có những địa phương bị lũ, lụt và lở đất. Bên cạnh thiệt hại lớn nhất và đau xót nhất là về con người, thì thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra cũng cùng vô cùng nghiêm trọng: Gần 5.000 ngôi  nhà bị tốc mái, hàng chục nghìn hecta hoa màu bị tàn phá; hàng chục nghìn cây xanh bị gãy, đổ…

Hàng chục nghìn cây xanh bị gãy đổ sau bão số 3

Đây là cơn bão có cường độ mạnh đến cấp “siêu bão”, với sức hoành hành thực sự kinh hoàng. Thời gian bão quét qua các tỉnh, thành không nhiều nhưng thực sự đã để lại hậu quả vô cùng lớn. Cảnh tan hoang khi bão qua đã được chia sẻ rất nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng và các trang mạng xã hội. Nhiều người cao tuổi nói rằng, mấy chục năm rồi mới chứng kiến miền Bắc phải chịu đựng một cơn bão hung tàn đến thế!

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH Tp.Hà Nội: Cơn bão số 3 là một trong những thảm họa lớn nhất gần đây, một lần nữa thử thách tinh thần và ý chí của người dân Việt Nam. Khi đối diện với thách thức từ cơn bão số 3, tôi thấy rằng, những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt Nam như lòng nhân ái và tinh thần đoàn kết đã được thể hiện một cách rõ ràng và mạnh mẽ hơn nữa.

Lòng nhân ái - một giá trị cốt lõi trong văn hóa Việt Nam đã thể hiện qua các hành động cụ thể như những chiếc ô tô đi thật chậm để chắn gió, bảo vệ xe máy, giúp đỡ người đi đường an toàn hơn; những khách sạn, căn hộ mở cửa miễn phí cho người cần nơi trú ẩn... Những hành động này không chỉ là hình ảnh đẹp, mà còn là biểu tượng của tình người ấm áp, sâu sắc trong lòng dân tộc Việt Nam, thể hiện tinh thần "lá lành đùm lá rách". Tinh thần đoàn kết là một nét đặc trưng của xã hội Việt Nam, được hiện thực hóa qua sự chung tay hỗ trợ và chia sẻ khó khăn, không để ai bị bỏ lại phía sau. Những biểu hiện này không chỉ giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi thiên tai mà còn phản ánh sự gắn kết sâu sắc và tinh thần cộng đồng vững chắc của dân tộc. Đây là những giá trị quý báu mà chúng ta cần gìn giữ và phát huy, không chỉ trong lúc khó khăn mà trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.

PGS.TS, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn 

Trong cơn bão số 3, triết lý sống của người Việt Nam như “bầu ơi thương lấy bí cùng”, “lá lành đùm lá rách”, và “thương người như thể thương thân” đã được hiện thực hóa một cách cảm động. Những giá trị này không chỉ là những câu tục ngữ hay triết lý sống đơn thuần mà là tấm lòng chân thành và sự sẻ chia sâu sắc của cộng đồng. Những triết lý này, với tất cả sự ấm áp và yêu thương, đã trở thành ánh sáng dẫn đường cho chúng ta trong những thời khắc khó khăn. Cơn bão số 3 không chỉ là thử thách về thiên nhiên mà còn là cơ hội để chúng ta chứng minh giá trị của sự đoàn kết, tình thương, và lòng nhân ái. Đây là những giá trị cốt lõi mà chúng ta cần gìn giữ, phát huy, và làm giàu thêm, để không chỉ vượt qua những thử thách hiện tại mà còn xây dựng một cộng đồng vững mạnh, đầy tình thương trong tương lai.

TS. Nguyễn Thị Việt Nga – Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tôi rất đồng tình với chia sẻ của PGS.TS Bùi Hoài Sơn, những ngày vừa qua, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều những hành động đẹp, đùm bọc và tương trợ lẫn nhau của người Việt Nam trong những lúc nguy nan: Từ dịch bệnh COVID- 19 bùng phát đến những tai nạn, thiên tai thảm khốc, bất ngờ; từ những gieo neo khốn khó của người nông dân khi được mùa rớt giá đến những khi “nước sôi lửa bỏng” bởi hoạn nạn.

Bão tố là thiên tai, là rủi ro, vừa không mong muốn lại vừa bất khả kháng. Trước sự cuồng nộ của thiên nhiên, sức người, tính mạng con người trở nên hết sức mỏng manh. Nhưng chính trong lúc mỏng manh đó, tình đoàn kết, sự thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của chúng ta lại trỗi dậy hơn bao giờ hết, để tạo nên một sức mạnh cộng đồng, chiến thắng thiên tai, chiến thắng hoàn cảnh ngặt nghèo, và quan trọng nhất là động viên tinh thần con người vượt qua mọi khó khăn, hiểm hoạ.

Tôi cho rằng, đây cũng chính là lý do một dân tộc bé nhỏ như Việt Nam lại đứng nơi “đầu sóng ngọn gió”, vừa phải đối đầu với đủ mọi tai ương, bão tố từ thiên nhiên, vừa phải đối đầu với nhiều kẻ thù lăm le xâm lược từ những ngày đầu tiên khởi dựng đất nước, nhưng Việt Nam luôn luôn anh dũng, kiên cường, luôn có một sức mạnh đáng kinh ngạc để chiến thắng tất cả, để vững vàng phát triển. Sức mạnh đó được kết tinh từ tinh thần đoàn kết, từ tình yêu với đồng bào, đồng chí, với Tổ quốc.

TS. Nguyễn Thị Việt Nga – Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Tôi nghĩ rằng, những nét đẹp đó chính là phần cốt lõi nhất của văn hoá Việt Nam, tâm hồn và cốt cách người Việt Nam. Tôi nhớ đến hai câu thơ rất xúc động của nhà thơ Lưu Quang Vũ trong bài thơ “Đất nước đàn bầu”: “Dân tộc trải xót xa nhiều nỗi khổ/ Phải thương nhau mới sống được trên đời!”.

Và chúng ta đã “thương nhau” nên chúng ta đã cùng nhau đi qua được mọi bão tố cuộc đời, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng!

Phóng viên: Qua những thảm họa thiên nhiên như cơn bão số 3, theo đại biểu, chúng ta có thể học được điều gì về cách người Việt Nam ta trân trọng và duy trì các giá trị truyền thống trong cộng đồng?

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, ĐBQH Tp.Hà Nội: Chúng ta đã thấy, trong cơn bão số 3, sự đoàn kết và lòng nhân ái của người Việt Nam đã thể hiện một cách rõ ràng và sâu sắc, tạo nên một sức mạnh cộng đồng. Những phẩm chất này không chỉ là di sản văn hóa quý báu mà còn là nguồn động lực mạnh mẽ giúp chúng ta vượt qua những thử thách lớn lao. 

Bên cạnh sự hỗ trợ vật chất, sự động viên tinh thần cũng đóng vai trò quan trọng. Ngay sau bão, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi lời thăm hỏi ân cần đến đồng bào, chiến sĩ bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 và đích thân dự Lễ phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra. Rồi sự chủ động đối phó với bão trong những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và hành động kịp thời của các cơ quan trung ương, địa phương, cùng những lời an ủi và khích lệ đã giúp xoa dịu nỗi lo âu và khơi dậy niềm tin vào khả năng phục hồi sau bão của người dân.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cùng Đoàn ng tác thăm hỏi, động viên các nạn nhân trong vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ)

Ngay trong chiều 9/9, trước thông tin cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) bị sập do ảnh hưởng của cơn bão số 3, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đã nhanh chóng cùng Đoàn công tác trực tiếp đến kiểm tra hiện trường, tình hình khắc phục sự cố và thăm hỏi, động viên các nạn nhân trong vụ sập. Những hoạt động này đã tạo ra một bức tranh toàn diện về tinh thần tương thân tương ái, khẳng định rằng sức mạnh tinh thần của cộng đồng chính là yếu tố quyết định trong việc vượt qua thử thách.

Từ những hình ảnh và hành động này, chúng ta có thể thấy rằng sự đoàn kết, lòng nhân ái, và tinh thần sẻ chia đã giúp chúng ta không chỉ vượt qua cơn bão số 3 mà còn khẳng định sức mạnh của những giá trị nhân văn. Đây chính là nguồn cảm hứng để chúng ta tiếp tục duy trì và phát huy những phẩm chất quý báu này, xây dựng một cộng đồng vững mạnh và một tương lai tươi sáng cho tất cả mọi người.

Tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái, tương trợ lẫn nhau của người Việt Nam thể hiện rất rõ trong bão số 3

Tôi tin rằng, qua những thảm họa thiên nhiên như cơn bão số 3, chúng ta có thể rút ra nhiều bài học quý giá về cách người Việt Nam ta trân trọng và duy trì các giá trị truyền thống trong cộng đồng. Những bài học này không chỉ phản ánh sức mạnh tinh thần của dân tộc mà còn cho thấy cách mà các giá trị truyền thống được ứng dụng trong các tình huống khẩn cấp để bảo vệ và giúp đỡ nhau.

Trước hết, cơn bão số 3 đã chứng minh rằng tinh thần đoàn kết, một giá trị cốt lõi trong văn hóa Việt Nam, không chỉ là lý thuyết mà là thực tiễn sống động. Khi cơn bão tấn công, người dân đã nhanh chóng tổ chức cứu trợ, hỗ trợ lẫn nhau mà không phân biệt địa phương hay hoàn cảnh. Hình ảnh cảm động mà chúng ta đã nói đến ở trên thể hiện rõ ràng triết lý sống tốt đẹp của dân tộc ta, cho thấy rằng, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tinh thần đoàn kết vẫn là giá trị chủ chốt để chúng ta vượt qua khó khăn.

Thứ hai, cơn bão số 3 cũng đã làm nổi bật lòng nhân ái và sự sẻ chia, những giá trị truyền thống luôn được người Việt gìn giữ và phát huy. Các cá nhân và tổ chức đã không ngần ngại dấn thân vào vùng bão lũ để cứu trợ, giúp đỡ những người gặp nạn. Những hành động này là minh chứng rõ ràng cho triết lý “thương người như thể thương thân”, nơi mỗi người đều coi sự an toàn và hạnh phúc của người khác như chính bản thân mình. Sự nhân ái này không chỉ giúp giải quyết các vấn đề cấp bách mà còn truyền cảm hứng, tạo ra một cộng đồng gắn bó và yêu thương.

Thứ ba, sự tự giác và trách nhiệm của từng cá nhân trong cộng đồng cũng được thể hiện mạnh mẽ trong bối cảnh cơn bão số 3. Mỗi người đều chủ động tham gia vào các hoạt động cứu trợ và hỗ trợ, thể hiện tinh thần tự nguyện và trách nhiệm cao. Điều này không chỉ là một phản ứng tích cực trước thiên tai mà còn là sự khẳng định rằng các giá trị truyền thống như sự tôn trọng lẫn nhau và trách nhiệm cộng đồng vẫn được duy trì và phát huy trong các tình huống khẩn cấp.

Cuối cùng, những thảm họa thiên nhiên như cơn bão số 3 nhắc nhở chúng ta rằng, các giá trị truyền thống không phải là những điều xa vời mà là những nguyên tắc sống động, cần thiết trong việc duy trì sự hòa hợp và bền vững trong cộng đồng. Bằng cách áp dụng những giá trị này vào thực tiễn, chúng ta không chỉ vượt qua thử thách hiện tại mà còn xây dựng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển và đoàn kết trong tương lai.

TS. Nguyễn Thị Việt Nga – Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Quan điểm của PGS.TS Bùi Hoài Sơn rất đáng để chúng ta suy ngẫm. Lòng nhân ái và tinh thần đoàn kết quả là những giá trị văn hóa truyền thống cao đẹp rất cần tiếp tục gìn giữ và phát huy trong xã hội ngày nay. Dù đâu đó chúng ta còn nghe ca thán về chuyện có những cá nhân ứng xử còn “cạn tình”, có những người còn sống vô cảm; thậm chí cũng không ít âu lo cho thế hệ trẻ dường như đang có xu hướng xa rời các giá trị truyền thống. Nhưng tôi tin, đó chỉ là hiện tượng cá biệt. Bởi mỗi công dân Việt Nam, được ra đời và lớn lên từ bầu khí quyển văn hoá truyền thống đẹp đẽ của dân tộc, được nuôi dưỡng tâm hồn từ những điều tốt lành, chắc chắn sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đáng tự hào đó.

Sau bão, người dân hỗ trợ, giúp đỡ  nhau khắc phục hậu quả thiên tai 

Tuy nhiên, làm thế nào để bầu khí quyển văn hoá không bị ô nhiễm, làm thế nào để cái Đẹp, cái Thiện được nhân lên nhiều hơn nữa trong cuộc sống này. Làm thế nào để không chỉ lúc khó khăn, hoạn nạn mới thấy rõ sự yêu thương, đùm bọc, mà trong bất cứ khoảnh khắc nào của cuộc sống cũng cần những vòng tay nhân ái, đoàn kết, yêu thương? Tôi nghĩ không cá nhân nào đứng ngoài cuộc trong công cuộc tạo dựng bầu khí quyển văn hoá trong trẻo và lành mạnh để nuôi dưỡng tâm hồn mỗi con người. Mỗi cá nhân đều có nhiệm vụ rất cao cả và thiêng liêng ấy.

Thảm hoạ thiên nhiên là điều khó tránh. Bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, dù giàu mạnh, văn minh đến đâu cũng đều bị đặt trước thách thức thiên tai. Và suy rộng ra, ngoài thiên tai, cuộc sống của con người, của cả cộng đồng cũng luôn phải đối mặt với rất nhiều rủi ro. Vậy thì, bên cạnh sự phát triển của khoa học, công nghệ, của kinh tế, tôi nghĩ các giá trị văn hoá cần phải là là một chỗ dựa thật sự vững vàng để con người cùng nhau vượt qua thử thách. Nó mang lại sức mạnh tinh thần to lớn, cổ vũ con người, an ủi con người, kết nối con người. Cho nên, qua cơn bão số 3 tàn khốc này, càng nhắc nhở chúng ta thấy rằng, việc đầu tư nhiều hơn để phát triển văn hoá là lối đi đúng hướng để xây dựng, phát triển đất nước.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn các đại biểu!

Thu Phương