Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh dự Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh: Quốc hội không ngừng hoàn thiện thể chế, chính sách, thúc đẩy đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Thực hiện các nhiệm vụ với tinh thần chủ động, quyết tâm cao
Theo Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả công tác năm học 2023-2024, 12 nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2023-2024 đã được toàn ngành giáo dục tập trung triển khai với tinh thần chủ động, quyết tâm cao, có nhiều đổi mới.
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo và toàn ngành giáo dục đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy các cấp tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Đồng thời tham mưu Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Kết luận đã đánh giá sát tình hình, xác định rõ những nhiệm vụ nhằm thực hiện thành công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời gian tới.
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chủ trì cuộc làm việc
Các ý kiến thành viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đánh giá, quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo thới gian qua đã có sự đổi mới, đẩy mạnh tự chủ, đổi mới quản trị cho các cơ sở giáo dục; thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học. Các địa phương đã chủ động thực hiện phân cấp, phân quyền, nâng cao trách nhiệm, tạo động lực và tính chủ động, sáng tạo của các cơ sở giáo dục trong thực hiện nhiệm vụ.
Trong năm học qua, công tác xây dựng thể chế, chính sách tiếp tục được chú trọng; nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện được cập nhật, sửa đổi và hoàn thiện. Chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên được thực hiện hiệu quả; chất lượng giáo dục ở các cấp học tiếp tục được nâng lên. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời tham mưu cho Chính phủ ban hành kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 686 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sau khi giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Hiện nay, những khó khăn về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học dần được cải thiện; tình trạng thừa, thiếu giáo viên từng bước được khắc phục. Giá sách giáo khoa đã giảm. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tiếp tục được triển khai theo đúng lộ trình, đã đi vào nền nếp. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thiện, công bố phương án tổ chức và cấu trúc định dạng đề thi của Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Việc bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục đại học cũng được triển khai tích cực. Một số đề án về đào tạo nhân lực chất lượng cao ở một số ngành, lĩnh vực như bán dẫn, sinh học và trí tuệ nhân tạo được triển khai...
Cần tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ thể chế để giáo dục phát triển nhanh và bền vững
Tại cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2024, dự kiến chương trình công tác năm 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh ghi nhận, đánh giá cao những kết quả đạt được của toàn ngành giáo dục trong năm học 2023-2024; cho rằng ngành giáo dục đã có sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ, kiên trì mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục của đội ngũ nhà giáo, cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành giáo dục.
Trong giai đoạn tới, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục kiên trì thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong giai đoạn mới theo tinh thần Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị. Đặc biệt, sớm ban hành chương trình hành động (hoặc kế hoạch) triển khai Kết luận.
Bên cạnh đó, rà soát lại các chỉ tiêu, mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XIII và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm liên quan tới giáo dục, đào tạo; tập trung hoàn thành trong năm 2025.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh lưu ý hoàn thiện, đồng bộ thể chế, chính sách tạo điều kiện cho giáo dục và đào tạo phát triển nhanh và bền vững là nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới của ngành giáo dục
Nhấn mạnh việc tiếp tục hoàn thiện, đồng bộ thể chế, chính sách tạo điều kiện cho giáo dục và đào tạo phát triển nhanh và bền vững là nhiệm vụ quan trọng trong năm tới, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và các bộ, ngành có liên quan xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Nhà giáo; sớm ban hành Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn mới để làm căn cứ triển khai các công việc của toàn ngành; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ đến 2030, tầm nhìn đến 2050; nghiên cứu, tổng kết, đề xuất nội dung sửa đổi Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp để tạo môi trường pháp lý đồng bộ và thuận lợi cho phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Đồng thời, chuẩn bị tốt nội dung trình Quốc hội xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giáo dục mầm non mới và Nghị quyết về phổ cập mầm non cho trẻ em 3-4 tuổi. Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh nêu rõ, các nội dung này cần được nghiên cứu, đánh giá tác động kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi.
Cùng với đó, tiếp tục quan tâm, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục trong tổ chức các hoạt động của Đoàn Giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Lưu ý việc kiên cố hóa trường, lớp học là cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, ngành giáo dục cần kiên trì phấn đấu đến năm 2030 không còn trường không kiên cố; xử lý tình trạng thiếu trường, lớp cục bộ. “Phải quyết tâm, rà soát rõ nhu cầu, đưa ra phương án khả thi trong điều kiện hiện nay. Tiếp tục hỗ trợ các điểm trường để tốt hơn”, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.
Các đại biểu tại cuộc làm việc
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần sớm xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chương trình đầu tư công hiện đại hoá giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học, sư phạm và cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo tinh thần Kết luận số 91 của Bộ Chính trị. Giáo dục đại học cần chú ý cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng.
Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp xây dựng văn hóa học đường theo tinh thần Chỉ thi 08 của Thủ tướng Chính phủ. Chú ý việc chống bệnh thành tích trong dạy và học thông qua thanh tra, kiểm tra chặt chẽ; thi đua khen thưởng công minh; bố trí, sử dụng đội ngũ giáo viên, người lao động; tạo sự ủng hộ của toàn xã hội.../.