Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Những vấn đề lớn, thuộc tầm vĩ mô nên đưa ra chất vấn tại QH; Những vấn đề cụ thể, liên quan đến trách nhiệm của một ngành nên đưa ra chất vấn tại UBTVQH

21/12/2007

Sáng 19.12, tại Phiên họp thứ Tư, UBTVQH thảo luận và thông qua Chương trình công tác, Chương trình giám sát của UBTVQH, Hội đồng Dân tộc, các UB của QH năm 2008. Bên lề phiên họp, PHÓ CHỦ TỊCH QH UÔNG CHU LƯU đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh nội dung này.

      PV: Thưa Phó chủ tịch, trong hoạt động năm 2008, việc chọn lựa vấn đề để đưa ra chất vấn tại QH và phiên họp của UBTVQH được tính toán như thế nào?

      Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Hiện nay, UBTVQH  chưa đi sâu vào vấn đề này. Theo tôi, những vấn đề lớn thuộc tầm chính sách vĩ mô, liên quan đến trách nhiệm của các bộ trưởng về vấn đề đó nên đưa ra chất vấn tại QH. Còn những vấn đề cụ thể như liên quan đến việc triển khai một dự án, giải quyết một chính sách liên quan đến trách nhiệm của ngành hoặc một cán bộ lãnh đạo trong lĩnh vực người đó quản lý nên chất vấn tại các phiên họp UBTVQH.

      PV: Tại phiên họp thứ Tư này của UBTVQH, có Ủy viên UBTVQH cho rằng QH mới nghiêng về giám sát hoạt động của Chính phủ mà chưa chú trọng giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong khi nhiệm vụ cải cách tư pháp rất lớn. Ý kiến của Phó Chủ tịch về vấn đề này như thế nào?

      Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Đúng là thực tế tại Kỳ họp thứ Nhất và Kỳ họp thứ Hai, QH chưa chất vấn các cơ quan tư pháp. Hoạt động tư pháp là hoạt động quyền lực nhà nước, là hoạt động rất quan trọng liên quan đến chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước. Nhiều vấn đề trong hoạt động tư pháp mà dư luận rất bức xúc và quan tâm, ví dụ như: Tình hình xét xử giám đốc thẩm, đơn thư khiếu nại tố cáo trong các cơ quan tư pháp nhiều, việc giải quyết các vụ án hành chính đang ở mức hạn chế, hiệu lực thi hành án chưa cao... Những vấn đề liên quan đến trách nhiệm của các chức danh tư pháp mà ĐBQH và cử tri quan tâm như: Tăng thẩm quyền Tòa án cấp huyện, cơ quan điều tra; Năng lực, trình độ của các chức danh tư pháp trong điều kiện đổi mới cải cách tư pháp hiện nay; Tranh tụng để thực hiện cải cách tư pháp, đảm bảo công khai, dân chủ, quyền công dân của người liên quan đến hoạt động tố tụng. Trong thời gian tới cùng việc giám sát những vấn đề liên quan đến trách nhiệm trong điều hành của Chính phủ, cần quan tâm hơn đến lĩnh vực tư pháp.

      PV: Trong cải cách tư pháp rất nhiều vấn đề cần giám sát, theo Phó chủ tịch, vấn đề gì cần đưa ngay vào Chương trình giám sát năm 2008?

     Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Theo tôi, năm 2008, nên giám sát việc giải quyết các đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân trong lĩnh vực tư pháp. Đây là vấn đề mà nhiều người dân trăn trở.

      PV: Thưa Phó chủ tịch, cần làm gì để các kết luận sau giám sát được thực hiện có hiệu quả?

      Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Pháp luật quy định, khi giám sát nếu thấy có vấn đề phải đưa vào Nghị quyết về kết quả giám sát, nêu rõ trách nhiệm, thời gian, biện pháp giải quyết, khắc phục. Đến thời hạn rồi mà đối tượng được giám sát không thực hiện đúng Nghị quyết giám sát thì cơ quan giám sát phải có biện pháp, chế tài xử lý trách nhiệm. Cơ quan giám sát cũng phải thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận giám sát, phải theo đuổi đến cùng buộc cơ quan được giám sát phải thực hiện nghiêm túc các kết luận giám sát.

      PV: Xin cám ơn Phó chủ tịch!

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)