Phiên họp thứ Tám của UBTVQH

19/04/2008

Sáng 18.4, ngày làm việc thứ hai của Phiên họp thứ Tám, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, UBTVQH đã nghe Chính phủ và Đoàn giám sát báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân.

* Nghe Chính phủ và Đoàn giám sát báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân: Không thể nói là công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt kết quả tốt khi 2- 3 bệnh nhân phải chung một giường bệnh; Nên ra Nghị quyết chuyên đề về công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân

* Cho ý kiến về dự án Luật Quốc tịch (sửa đổi)

  

      Sáng 18.4, ngày làm việc thứ hai của Phiên họp thứ Tám, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, UBTVQH đã nghe Chính phủ và Đoàn giám sát báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác xã hội hóa chăm sóc sức

 

      Đa số các Ủy viên UBTVQH đánh giá cao nội dung Báo cáo của Chính phủ và Đoàn giám sát về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, khẳng định các Báo cáo đã cung cấp thông tin và số liệu tương đối đầy đủ về xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân giai đoạn từ năm 2002- 2007; Đồng thời nhất trí với nhiều đánh giá tích cực về kết quả thực hiện xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đó là ngày càng có nhiều cơ sở khám chữa bệnh công và tư nhân với chất lượng tốt hơn. Người dân, trong đó có cả người nghèo, cận nghèo, trẻ em, các đối tượng chính sách xã hội dễ dàng tiếp cận với dịch vụ và kỹ thuật y tế hiện đại… Tuy nhiên, nhìn nhận một cách thẳng thắn thì kết quả triển khai xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cũng chưa đồng đều giữa các vùng và lĩnh vực, mới chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn, đông dân và các lĩnh vực dễ thu hồi vốn. Tiềm năng của xã hội và nhân dân trong việc tham gia chăm sóc sức khỏe chưa được huy động hết. Những khó khăn về thủ tục khám chữa bệnh, y đức, vướng mắc liên quan đến bảo hiểm y tế, hoạt động y tế dự phòng, chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ, bác sỹ… Nhiều Ủy viên UBTVQH cũng cơ bản tán thành các giải pháp, dự báo liên quan đến xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân mà Báo cáo của Chính phủ và của Đoàn giám sát nêu ra. Trong đó có giải pháp đề nghị QH tiếp tục ủng hộ quan điểm y tế là loại dịch vụ xã hội công cơ bản của Nhà nước, do Nhà nước bảo đảm. Theo đó, Nhà nước phải bảo đảm các điều kiện cung ứng dịch vụ để mọi người dân đều được tiếp cận với các dịch vụ y tế, phù hợp với điều kiện KT- XH của đất nước.

 

      Hoàn toàn nhất trí với quan điểm Nhà nước phải là nòng cốt trong xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân, tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng trong thời gian qua, đầu tư của Nhà nước ta đối với công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân còn chưa tương xứng, chưa đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Cả 2 vấn đề cốt lõi của công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân là cơ sở vật chất và nguồn nhân lực hiện nay đều đang có vấn đề. Không thể nói là chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân đạt kết quả tốt trong khi 2- 3 bệnh nhân phải chung một giường bệnh. Và, ở y tế tuyến huyện sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh cho nhân dân càng thể hiện rõ... Sở dĩ có những khó khăn, vướng mắc nêu trên, theo Chủ nhiệm Hà Văn Hiền là do đầu tư cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân thời gian vừa qua còn dàn trải, rải mành mành ra nhiều năm. Do vậy, trong thời gian tới, Chủ nhiệm Hà Văn Hiền đề nghị, phải tập trung nguồn lực đầu tư trong thời gian ngắn cho công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo  sự thay đổi căn bản cũng như những kết quả ra tấm, ra món trong công tác có phạm vi ảnh hưởng rộng rãi này. Và, không chỉ đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị, yếu tố con người cũng cần được chú trọng- Trưởng ban Công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên bổ sung- ngoài quan tâm đào tạo nhân lực cho các cơ sở y tế ở trung ương, các thành phố lớn thì cũng cần đầu tư đào tạo nguồn cán bộ, bác sỹ cho các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Điều này góp phần bảo đảm mọi người dân đều được hưởng các dịch vụ y tế tương đối công bằng.

 

      Cũng liên quan đến công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân, để bảo đảm Nhà nước là lực lượng chủ yếu trong bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhiều Ủy viên UBTVQH cho rằng chưa nên đặt vấn đề cổ phần hóa các bệnh viện công. Và, cũng không nên khuyến khích phát triển dịch vụ y tế hỗn hợp (dịch vụ công và dịch vụ phục vụ theo yêu cầu) trong các bệnh viện công. Có chăng, chúng ta nên khuyến khích việc phát triển các cơ sở y tế tư nhân mới bên cạnh những cơ sở y tế công. Ý kiến của Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi.

 

      Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân như một trong những điểm thể hiện sự ưu việt của chế độ, một số Ủy viên UBTVQH đề nghị QH nên có Nghị quyết chuyên đề về công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân. 

 

      Theo chương trình, việc thực hiện chính sách pháp luật về công tác xã hội hóa chăm sóc sức khỏe nhân dân sẽ là một trong những nội dung giám sát tối cao mà QH sẽ tiến hành tại Kỳ họp thứ Ba sắp tới. Những ý kiến đóng góp của các Ủy viên UBTVQH tại Phiên họp lần này là cơ sở để Chính phủ và Đoàn giám sát hoàn thiện Báo cáo trình QH.

 

      Buổi chiều, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Quốc tịch (sửa đổi).

 

T.Tâm

(http://nguoidaibieu.com.vn)