Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

06/11/2008

ND - Ngày 4-11, ngày làm việc thứ 16, Kỳ họp thứ tư, QH khóa XII. Buổi sáng, các đại biểu QH làm việc ở tổ thảo luận về Ðề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức HÐND quận, huyện, phường và nhân dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã.

Nhiều đại biểu QH phát biểu ý kiến tán thành việc thí điểm kể trên và cho đây là một bước hoàn thiện hệ thống chính quyền cơ sở, vừa bảo đảm dân chủ, vừa nâng cao năng lực điều hành của cán bộ chính quyền trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay.

Ðể làm tốt việc thí điểm này, các đại biểu QH nhấn mạnh cần tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, đồng thời phải có tiêu chuẩn cán bộ cụ thể, rõ ràng để người dân trực tiếp bầu Chủ tịch UBND xã. Thực hiện thí điểm đến đâu, cần sơ kết, tổng kết với một kế hoạch chặt chẽ và thống nhất.

Mở đầu phiên họp buổi chiều, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Ðức Kiên thông báo tình hình mưa to ngập lụt ở Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trong mấy ngày qua, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, làm xáo trộn cuộc sống bình thường của nhân dân. QH chia sẻ những thiệt hại và khó khăn đối với các gia đình bị nạn và mong các tầng lớp nhân dân chia sẻ giúp đỡ, các cấp ủy đảng, chính quyền chỉ đạo, thực hiện các biện pháp để mau chóng khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.

QH đã nghe Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đọc Tờ trình dự án Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài. Tờ trình nêu rõ, xuất phát từ thực tiễn tổ chức và hoạt động của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, việc QH xây dựng và sẽ ban hành Luật Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trên cơ sở hợp nhất Pháp lệnh Cơ quan đại diện và Pháp lệnh Lãnh sự là quyết định đúng đắn và cần thiết. Dự thảo luật xác định phạm vi điều chỉnh, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan đại diện, kinh phí và chế độ bảo đảm hoạt động của cơ quan đại diện và một số vấn đề khác. QH cũng đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại của QH Nguyễn Văn Son trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Cơ quan đại diện nước CHXHCN Việt Nam ở nước ngoài.

Phần thời gian làm việc còn lại, QH thảo luận tại Hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý nợ khu vực công, sau khi QH đã cho ý kiến thảo luận ở tổ. Các ý kiến phát biểu đều tán thành QH xây dựng và ban hành luật này là hết sức cần thiết nhằm bảo đảm việc vay trong nước và vay nước ngoài một cách hợp lý và có kế hoạch sẽ góp phần tích cực vào việc phát triển nền kinh tế Việt Nam một cách lành mạnh và bền vững.

Các đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (Hà Nội), Room Sa Duyên (Gia Lai) và một số đại biểu khác không tán thành việc dự luật bỏ doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) ra khỏi phạm vi điều chỉnh, mà cho rằng DNNN cần thiết phải là đối tượng điều chỉnh, vì DNNN vay nợ, cơ quan quản lý Nhà nước phải quản lý việc doanh nghiệp sử dụng vốn vay có mục đích, có hiệu quả không? Nếu DNNN vay vốn mà vỡ nợ, Nhà nước phải đứng ra chịu trách nhiệm thanh toán khoản nợ, vì thế phải quản lý.

Các đại biểu nói trên cũng phân tích cụ thể trách nhiệm của đơn vị vay, tổ chức hoặc đơn vị bảo lãnh vay, nhất là giám sát việc sử dụng vốn vay, kế hoạch trả nợ, các chế tài cần phải có nếu tổ chức, đơn vị bảo lãnh vay, hoặc địa phương, đơn vị vay sử dụng vốn vay không đúng mục đích, thiếu hiệu quả. Nếu để xảy ra trường hợp như vậy, việc vay vốn "phát triển kinh tế - xã hội" của thế hệ trước sẽ trở thành gánh nặng trả nợ cho thế hệ sau, sẽ rất nguy hiểm.

Ðại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (Ðồng Tháp) và một số đại biểu khác nhấn mạnh như vậy. Cho nên, đại biểu Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) và một số đại biểu đề nghị dự thảo luật cần quy định việc chống vay tràn lan, vay chồng chéo, chỉ vay theo kế hoạch, có định mức và định lượng rõ ràng. Ðại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương (Ðà Nẵng) nhấn mạnh phải xác định tính công khai, minh bạch trong việc vay và trả nợ, phải được kiểm toán hằng năm, định kỳ công bố nợ vay, hiệu quả sử dụng vốn vay trên các phương tiện thông tin đại chúng, và các "kênh" thông tin khác.

Nhiều đại biểu QH cũng khẳng định: QH là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chiến lược vay, kế hoạch vay, Chính phủ thực hiện việc vay và cho vay lại, Bộ Tài chính được giao là cơ quan đầu mối của Chính phủ trong việc vay và giám sát việc sử dụng vốn vay, kế hoạch trả nợ.

 

Trần Ðình Chính và Ðinh Song Linh

(http://www.nhandan.com.vn/)