Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Ðào Trọng Thi: Chất lượng giáo dục đi trước, học phí tăng sau

08/11/2008

ND - Tại phiên họp chiều qua (6-11) của kỳ họp thứ tư, QH khóa XII, vào giờ giải lao, nhiều phóng viên hoạt động tại kỳ họp này của QH đã phỏng vấn đồng chí Ðào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của QH chung quanh vấn đề học phí và chất lượng giáo dục hiện nay.

Chủ nhiệm Ðào Trọng Thi cho biết, QH thường phải quan tâm những việc quan trọng của đất nước và khi vấn đề nào trở thành vấn đề xã hội bức xúc, thì QH sẽ có ý kiến. Về giáo dục đào tạo người thực hiện quản lý là Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) và Bộ GD và ÐT hoàn toàn có trách nhiệm và thẩm quyền quản lý, chỉ đạo. Chính sách mới về học phí Chính phủ chưa thông qua.

Như tôi đã nói, đối với trường công lập thì chúng ta đã có quy định mức học phí hạn chế, nhưng ở trường dân lập thì cũng quy định mức hạn chế và hiện nay những hiện tượng người ta đang nói là một số trường tăng học phí. Theo tôi thì việc đó vẫn nằm trong khuôn khổ quy định, chứ chưa có gì vi phạm. Chính sách học phí mới mà Bộ GD và ÐT đang trình Chính phủ thì cho tới  nay vẫn chưa thông qua và chưa chính thức thực hiện. Bởi vậy, cho đến nay vẫn thực hiện theo chính sách hiện hành mà chúng ta đang có. Tuy nhiên, vấn đề nêu trên tuy chưa vi phạm quy định, nhưng cũng là một hiện tượng không bình thường.

Hiện nay, Bộ GD và ÐT đang trình Chính phủ chính sách học phí; không phải là trình riêng mà trình trong khuôn khổ chung chính sách mới về quản lý tài chính trong các đơn vị sự nghiệp có thu thuộc ngành GD và ÐT. Về nguyên tắc, chúng tôi ủng hộ những vấn đề Bộ GD và ÐT nêu ra. Chúng tôi chỉ lưu ý Bộ GD và ÐT liên quan vấn đề học phí, thì phải chú ý hai điều.

Một là, cho dù là chúng ta từng bước tiến tới thực hiện học phí là phải bảo đảm được cho chi phí đào tạo, nhưng phải có lộ trình để làm sao cho xã hội dần dần tiếp cận và thích nghi được với chính sách đó, chứ không nên tạo ra những cú sốc trong xã hội. Vì vấn đề này liên quan đến đông đảo quyền lợi của nhân dân lao động và học sinh.

Thứ hai là, chúng tôi cũng muốn lưu ý Bộ GD và ÐT, cho dù có quyết định thu học phí theo mức như thế nào, thì mức học phí đó phải tương xứng chất lượng của giáo dục. Chương trình giáo dục tốt hơn thì được thu nhiều hơn và ngược lại, chứ không thực hiện đồng loạt. Nếu như chất lượng mà đi trước rồi học phí đi sau thì là tốt. Chứ như bây giờ nói là thu để có chất lượng, nhưng tôi có thấy chất lượng được nâng lên đâu.

Tôi cho rằng, nâng cao chất lượng phục vụ gồm hai vấn đề. Ðó là nâng cao chất lượng giáo dục và bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên là những người thực hiện cái chất lượng đó. Hai vấn đề đó đồng thời với nhau. Chất lượng tốt hơn, thì anh sẽ có thu nhập cao hơn, chứ không phải là thu được cao chỉ là để bồi dưỡng giáo viên, mặc dù bồi dưỡng giáo viên cũng là một điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng mà nâng cao chất lượng không chỉ có giáo viên, còn cơ sở vật chất, còn chương trình giảng dạy và các dịch vụ khác phục vụ cho giáo dục và đào tạo.

Trả lời câu hỏi về việc các đơn vị sự nghiệp quy định trong Nghị định 43 ngày 25-4-2006 của Chính phủ (quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập) chuyển sang doanh nghiệp, Chủ nhiệm Ðào Trọng Thi nói: Các đơn vị sự nghiệp chuyển sang các doanh nghiệp hiểu theo nghĩa là các doanh nghiệp công, nhưng nó không thuộc lĩnh vực giáo dục, đào tạo. Tôi cho rằng, lĩnh vực này mà coi như hoạt động doanh nghiệp thì không phù hợp và tôi cũng chưa thấy chủ trương nào chuyển đổi nhà trường thành các doanh nghiệp. Ðối với các nhà trường thực hiện mô hình đơn vị sự nghiệp có thu và được thực hiện quy định về tự chủ tài chính là phù hợp và đủ để các nhà trường có thể chủ động phát triển, đồng thời trong khuôn khổ cũng là để chúng ta bảo đảm các nhà trường vẫn phải thể hiện mình là nhà trường. Tức là mình đưa ra một loại hình dịch vụ đặc biệt mà không đặt vấn đề chạy theo lợi ích, lợi nhuận trong hoạt động.

Về câu hỏi chi phí cho giáo dục là cái giá phải trả cho giáo dục. Giá mà quá cao trong khi người mua chất lượng chưa được bảo đảm, vậy làm thế nào để giảm được việc này? Chủ nhiệm Ðào Trọng Thi phân tích: Cái giá đây là cái giá của dịch vụ chứ không phải là cái giá của kinh doanh. Có nghĩa là trong kinh doanh, nếu hôm nay tôi thấy nhiều người mua hàng, mà hàng thiếu thì tôi nâng giá lên dù không tương xứng với chất lượng của nó. Thí dụ như hôm nay một mớ rau, tôi nâng giá lên mấy lần, bắt người dân phải mua. Nhưng giáo dục không thể làm việc đó. Không phải là nhiều người muốn học, mà quả thật hiện nay nhiều người đang ở trong tình trạng ấy, cho dù nhà trường có tăng lên bao nhiêu thì người ta vẫn phải học vì nhu cầu học tập hiện nay cao hơn khả năng cung ứng của nhà trường. Ở đây người ta chỉ nói là nhà trường thu để có thể bảo đảm bù đắp chi phí. Tôi phải nói là chưa phải bù đắp toàn bộ đâu. Vì các trường công lập, trong mọi trường hợp, vẫn được Nhà nước hỗ trợ và hỗ trợ rất lớn. Và Nhà nước hoàn toàn không đặt vấn đề là thu hẹp hỗ trợ của Nhà nước mà còn tăng hỗ trợ lên. Nhưng đồng thời, Nhà nước cũng khuyến khích xã hội đóng góp nhiều hơn để chúng ta có nhiều tiền của đầu tư cho giáo dục,  nâng cao chất lượng giáo dục hơn nữa. Ðiều này không có nghĩa là Nhà nước đẩy cho xã hội tự lo. Tăng học phí không phải là điều tiết lấy của người giàu cho người nghèo. Cái đó không đúng. Người giàu chỉ trả đúng cái phần của mình thôi, chứ Nhà nước không lấy của người giàu cho người nghèo. Trước đây Nhà nước cho đều cả người giàu và người nghèo, thì bây giờ Nhà nước chỉ lo cho người nghèo thôi. Phần miễn giảm học phí cho người nghèo là của Nhà nước. Như vậy mới công bằng. Và thực ra hiện nay, những người giàu cũng vẫn chưa đóng đầy đủ học phí cho con em đâu.

 

HOÀNG LONG (ghi)

(http://www.nhandan.com.vn/)