Sáng nay, chất vấn tại Quốc hội: Truy trách nhiệm về điều hành xuất khẩu gạo

13/11/2008

Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng: “Chúng tôi xin nhận một phần trách nhiệm”

Sáng nay, 12-11, kỳ họp thứ 4 của Quốc hội bước vào ngày chất vấn và trả lời chất vấn thứ hai với sự đăng đàn của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng. Đúng như dự kiến, phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương đã rất “nóng” với các vấn đề liên quan đến việc điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian qua và những vấn đề liên quan đến việc kinh doanh của ngành điện. Sáng nay, phần chất vấn của các đại biểu cũng có tính chất tranh luận hơn, cật vấn hơn khi truy đến cùng vấn đề.

Phải chỉ rõ trách nhiệm cá nhân trong điều hành xuất khẩu  gạo

ĐB Phạm Thị Hòa (An Giang) cho rằng những trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trong thời gian qua về trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ (CP) tạm dừng xuất khẩu gạo trong khi giá gạo xuất khẩu tăng cao là không thỏa đáng, cần chỉ rõ trách nhiệm của những cá nhân có liên quan. Bộ trưởng Hoàng nói, mặc dù đã cố gắng trả lời nhưng chắc chắn chưa thoả mãn vì vấn đề rộng, phức tạp, nhìn nhận, quan điểm cũng không nhất quán.

Về vấn đề xuất khẩu gạo thời gian qua, Bộ truởng Hoàng cho rằng vấn đề này đã được nói đi nói lại nhiều lần, mới nhất là trong phiên chất vấn hôm qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cũng đã nói kỹ. Việc tạm dừng xuất khẩu gạo vào đầu năm 2008 là do lúc đó chưa thể biết đích xác sản lượng lúa (do thiên tai kéo dài), vì vậy để bảo đảm an ninh lương thực, kiềm chế lạm phát nên CP đã đồng ý cho tạm dừng ký kết các hợp đồng xuất khẩu gạo mới (đến hết quý 2-2008 đã ký hợp đồng xuất khẩu 2,4 triệu tấn, thì đã xuất 800.000 tấn, còn lại đang chờ thu hoạch để xuất tiếp).

“Lúc đó CP đã quyết định chờ đến quý 3, có kết quả thu hoạch sẽ điều hành tiếp. Đến hết 10 tháng, xuất khẩu gần 4 triệu tấn gạo tương đương năm 2007”, ông Hoàng nói. Cũng theo ông Hoàng, đến tháng 6, lương thực thế giới có thay đổi, các nước bội thu về lương thực, căng thẳng giảm đi, lúc đó trong nước cũng thu hoạch xong, CP tiếp tục có điều chỉnh, cho phép  ký các hợp đồng xuất khẩu mới, tuy nhiên phải thừa nhận một thực tế là lúc đó giá gạo xuống.

Tuy nhiên, các biện pháp cần thiết đã được triển khai, ngân hàng ưu tiên cho các DN vay vốn mua hết lúa gạo hàng hóa cho nông dân. “Đây là một nỗ lực lớn của CP”, ông Hoàng khẳng định, đồng thời cho biết, năm 2008 sẽ xuất khẩu khoảng 4,5-4,7 triệu tấn gạo, bằng hoặc cao hơn 2007.

Tuy nhiên phần trả lời này của Bộ trưởng Hoàng không nhận được sự đồng tình của các ĐB. ĐB Lê Thị Dung (An Giang) tiếp tục gay gắt: Cử tri sẽ không đồng ý với trả lời này. Trách nhiệm cá nhân của những người tham mưu cho CP chưa được chỉ ra.

Vai trò, trách nhiệm của cá nhân Bộ trưởng Bộ Công thương-Tư lệnh trưởng về xuất khẩu gạo ở đâu, nhất là trong thời điểm tình hình lương thực đã có chuyển biến (tức là lúc sản lượng lúa trong nước đã biết là rất lớn, giá thế giới xuống) khiến giá lúa gạo rớt thê thảm, gây thiệt hại cho bà con? “Không thể chỉ nhận là do bất cập, mà phải là do cứng nhắc, tham mưu không chính xác, không kịp thời”, ĐB Dung nói.

“Dù trình bày đã tương đối kỹ nhưng tôi biết sẽ chưa đáp ứng được yêu cầu của các ĐB, của cử tri, của bà con nông dân”. Bộ trưởng Hoàng xoa dịu. Đồng thời khẳng định, một phần trách nhiệm trong điều hành xuất khẩu gạo là của Bộ Công thương.

Tuy nhiên, sau đó Bộ trưởng đã có phần diễn giải khá dài dòng về vấn đề lời lãi trong sản xuất lúa của bà con nông dân, khiến Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng phải nhắc “Đề nghị Bộ trưởng đi vào trả lời trực tiếp câu hỏi của ĐB Dung”. ĐB Dung cũng tiếp tục đứng lên truy vấn: “Đề nghị Bộ trưởng trả lời sát thực tế hơn, vì tôi không có ý định bàn cãi về cơ chế lời lãi của nông dân trong sản xuất lúa”.

Bộ trưởng Hoàng nói: chúng tôi chưa bao giờ tham mưu cho CP dừng xuất khẩu gạo. Mà chỉ là  tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu mới vì chưa biết được kết quả thu hoạch như thế nào, sau khi có sản lượng, chúng tôi kiến nghị xuất khẩu ngay. “Việc tham mưu, giúp CP để CP đưa ra kết luận tạm dừng xuất khẩu gạo trong thời điểm đó là chính xác. Nếu không  khi giá xuất khẩu gạo tăng, thương lái đổ xô đi thu mua thì không biết  giá gạo trong nước sẽ bị đẩy tới đâu, chỉ số giá tiêu dùng cao thế nào và an ninh lương thực liệu có được bảo đảm. Đó là quan điểm của Bộ Công thương, của cá nhân tôi”.

Bộ trưởng nói thêm, nếu không đúng, tôi xin chịu trách nhiệm. Nhưng tôi vẫn cho là tham mưu đó là chính xác.

Phần trả lời này tiếp tục bị ĐB Nguyễn Hữu Nhơn, Đồng Tháp truy, cho là tham mưu không chính xác. Đoàn ĐB Đồng Tháp cũng không đồng tình khi Bộ trưởng cho rằng chưa đến mức phải truy trách nhiệm cá nhân. 

Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định là không có bộ ngành, địa phương nào chạy theo  lợi ích cục bộ của mình. CP luôn chỉ đạo là phải bảo đảm để bà con nông dân vất vả một sương hai nắng được hưởng thành quả của  mình. Cũng có thể có lúc bộ tham mưu chưa kịp thời. Việc tham mưu xuất khẩu gạo không phải là quyết định của một ai, mà là của cả Tổ điều hành xuất khẩu gạo, có sự tham vấn của các doanh nghiệp, các hiệp hội lương thực. Tuy nhiên, cuối cùng Bộ trưởng vẫn nói: chúng tôi xin nhận một phần trách nhiệm.

Điện: Không thể để độc quyền doanh nghiệp

Trong sáng nay, các ĐB cũng hết sức quan tâm đến vấn đề kinh doanh độc quyền của ngành điện, việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thiếu trách nhiệm với đất nước khi trả lại CP 13 dự án điện, việc EVN vừa trình tăng giá điện vì cho rằng kinh doanh khó khăn, vừa xin CP trích hơn 1.000 tỷ đồng để khen thưởng.

ĐB Nguyễn Ngọc Minh, Ninh Thuận cho rằng việc triển khai Luật Điện lực hiện nay đã dẫn đến độc quyền giá điện. ĐB Trần Thị Hoa Vi (Bạc Liêu) cũng gay gắt yêu cầu chỉ ra trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Công thương trước những vấn đề “lùm xùm” của ngành điện trong thời gian  qua. ĐB Vũ Quang Hải, Hưng Yên cũng cho rằng, việc tăng giá điện theo cơ chế thị trường là cần thiết, nhưng không thể để biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp.

“Năm 2009, tình trạng cắt điện có diễn ra như năm nay hay không. Nếu tiếp tục cắt, thì có đền bù cho doanh nghiệp, cho dân hay không, tất cả những vấn đề về ngành điện phải thuộc về Bộ trưởng Bộ Công thương”, ĐB Hải bức xúc.

Trước các truy vấn của ĐB, Bộ trưởng Bộ Công thương nói,  việc trả lại 13 dự án điện của EVN là do EVN chưa làm hết trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, Bộ trưởng vẫn cho rằng, đó là do tình hình bất khả kháng, vì năm 2008 lạm phát cao, chính sách điều hành tiền tệ thắt chặt khiến EVN khó vay vốn. Vì vậy, CP đã giao Bộ Công thương cân nhắc và giao thêm cho các tập đoàn khác có năng lực tiếp nhận 11/13 dự án điện này. 

Bộ trưởng Hoàng cũng cho rằng, kết quả sản xuất kinh doanh của ngành điện hiện vẫn đang chờ kiểm toán. Tuy nhiên, có thể thấy là  tỷ suất lợi nhuận trên vốn hiện nay của ngành điện chỉ đạt dưới 3%, vì vậy  rất khó vay vốn của ngân hàng. “2007, EVN lãi khoảng 4.000 tỷ đồng, vì vậy đã xin trích 1.002 tỷ đồng để vào quỹ phúc lợi khen thưởng, đây là số lãi của năm 2007 chứ không phải 2008”.

Bộ trưởng cũng “hứa” năm 2009 tình hình cung ứng điện sẽ được cải thiện, tuy nhiên vẫn không chắc là vào mùa khô có hết cảnh cắt điện hay không. “Chúng tôi đã yêu cầu EVN quyết liệt hơn”, Bộ trưởng hứa .

 

Quang Phương

(http://www.sggp.org.vn/)