Ngày làm việc thứ 9, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XII

30/05/2009

Quốc hội thảo luận về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản và Dự thảo Luật Quản lý nợ công

Ngày 29/5, các đại biểu Quốc hội đã dành thời gian buổi sáng thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản.

Buổi chiều, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật quản lý Nợ công và cho ý kiến về một số nội dung của Dự thảo luật này. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên điều khiển phiên họp.

Cho ý kiến về Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo cần quy định rõ các công trình loại nào được chỉ định thầu và cần xác định rõ trách nhiệm của các bên tham gia dự án nhằm đảm bảo chất lượng công trình, tránh tình trạng đổ lẫn trách nhiệm cho nhau. Đại biểu Đinh Thị Biểu (đoàn Quảng Ngãi) nêu ý kiến: “Trình độ quản lý của địa phương còn yếu, phụ thuộc vào các đơn vị tư vấn, xong các đơn vị này làm không hết trách nhiệm… dẫn đến việc sai lệch trong khảo sát và chất lượng công trình kém…”.

Một số đại biểu không đồng tình với việc quy định phê duyệt dự án trước khi đánh giá tác động môi trường. Các đại biểu cho rằng cần thực hiện đánh giá tác động môi trường để làm căn cứ cho việc phê duyệt dự án, nhằm khắc phục tình trạng trước khi triển khai công trình, thậm chí khi công trình đi vào hoạt động mới xem xét đến đánh giá tác động môi trường.

Hầu hết ý kiến đồng thuận với quy định của dự luật về việc bỏ sổ đỏ và giấy hồng để thống nhất cấp 1 loại giấy là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất.

Chiều nay, Quốc hội nghe Uỷ viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Quản lý nợ công và cho ý kiến về Dự thảo luật này.

Báo cáo nêu rõ phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật Quản lý nợ công gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Dự thảo Luật bổ sung các quy định cụ thể về điều kiện được vay, được bảo lãnh; chế độ thanh tra, giám sát; trách nhiệm báo cáo, công khai thông tin; cơ chế kiểm toán; những hành vi bị cấm trong quản lý nhà nước…

Về trách nhiệm trong quản lý nợ, Báo cáo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, do ông Phùng Quốc Hiển trình bày nêu rõ: “Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cơ quan quyết định cho vay, cơ quan thẩm định vay phải chịu trách nhiệm về quyết định và kết qủa thẩm định cho vay vốn, nhất là trong trường hợp tổ chức được vay vốn không đủ năng lực tài chính, sử dụng đồng vốn không hiệu quả. Vì vậy, để nâng cao trách nhiệm và hiệu quả quản lý, tiếp thu ý kiến, xin bổ sung điều 17 mới quy định về chế độ trách nhiệm đối với người quyết định cho vay và cơ quan thẩm định”.

Đa số đại biểu Quốc hội nhận định, việc quy định cụ thể các vấn đề liên quan đến quản lý nợ công là cần thiết, nhằm đảm bảo tính hiệu quả, chặt chẽ, minh bạch trong quản lý. Tuy nhiên dự thảo còn quy định chưa cụ thể về trách nhiệm của cơ quan quyết định cho vay, cơ quan thẩm định vay trong việc quản lý nợ. Do vậy cần có những quy định  xác định rõ mức độ trách nhiệm đến đâu của những cơ quan này.

Hầu hết ý kiến đồng ý với Dự án Luật quy định thẩm quyền của Quốc hội theo hướng: Quốc hội có thẩm quyền quyết định những vấn đề cốt lõi mang tính định hướng trong quản lý nợ công; bao gồm quyết định các mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công trong từng giai đoạn 5 năm; quyết định các chỉ tiêu an toàn về nợ, tổng mức, cơ cấu vay và trả nợ hàng năm…

Về vấn đề này, đại biểu Lê Việt Trường (đoàn An Giang) nêu ý kiến: “Để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tôi đề nghị khoản 5 của điều 7 chương 2 nên chỉnh lại, tức là Quốc hội ở đây không giám sát việc sử dụng vốn mà Quốc hội giám sát về việc thực hiện pháp luật về quản lý nợ công. Nên quy định chung như vậy thì thống nhất với hiến pháp và pháp luật. Và Quốc hội giám sát việc thực hiện luật cũng như nghị quyết chứ không phải đi giám sát những việc cụ thể”. 

Một vấn đề được nhiều đại biểu đề cập là việc quy định 3 cơ quan  tham gia quản lý nhà nước về nợ công và ký kết hiệp định vay nợ với các tổ chức quốc tế là phân tán, cần quy về một mối thống nhất để quản lý có hiệu quả. Đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương, đoàn Đà Nẵng nói: “Về cơ quan quản lý nợ công, cho dù Dự luật này đã cố gắng tập trung chức năng này cho Bộ Tài chính thì cách quy định đó làm cho hoạt động quản lý nợ công phân tán, cho 3 cơ quan là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch-Đầu tư và Ngân hàng Nhà nước, làm cho quản lý nợ công không đảm bảo đựơc 3 yêu cầu là chưa tích hợp quản lý nợ nước ngoài và quản lý nợ trong nước, chưa tích hợp quản lý tiền mặt và quản lý nợ công, thứ 3 là chưa tách bạch được chức năng quản lý nợ công với quản lý tiền tệ, dẫn đến nguy cơ rủi ro, lãng phí trong hoạt động quản lý”.

Ngày 30/5, Quốc hội tiếp tục làm việc, nghe trình bày một số đề án, dự thảo Luật, và thảo luận về các nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị./. 

 

Bá Thi-N.Nhung

(http://vovnews.vn/)