Mở đầu phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu khẳng định, bản dự thảo Hiến pháp hôm nay đã thể hiện được ý chí, lòng dân, được chuẩn bị công phu, tâm huyết, thực sự là một bản Hiến pháp đáp ứng được yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi là kết quả làm việc tâm huyết của Quốc hội, đồng bào cả nước, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bản dự thảo Hiến pháp được chuẩn bị với tinh thần như vậy nên đã thể hiện được ý Đảng, lòng dân. Mỗi vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều đã làm việc hết sức mình, thảo luận nhiều phiên qua 3 kỳ họp với tinh thần lắng nghe, thấu hiểu, chắt lọc được tinh hoa trí tuệ của toàn dân vào bản dự thảo Hiến pháp thông qua lần này.
Kết quả, trong tổng số 488 ĐBQH, chiếm 97,99% tham gia biểu quyết, đã có 486 ĐBQH chiếm 97,59% tán thành thông qua Hiến pháp sửa đổi. Chỉ có 2 ĐBQH không biểu quyết. Không có ĐBQH không tán thành.
Trước khi bấm nút thông qua, Quốc hội đã nghe Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các ĐBQH về Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp.
Báo cáo cho biết, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, từ năm 2011 đến nay, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp (Ủy ban DTSĐHP) đã tổ chức tổng kết việc thi hành Hiến pháp năm 1992 và xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội cho ý kiến. Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 38 về tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, ngày 2-1-2013, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã được công bố để lấy ý kiến nhân dân. Hoạt động này đã được các cấp, các ngành triển khai sâu rộng, nghiêm túc, thu hút được sự tham gia tích cực, tâm huyết của đông đảo các tầng lớp nhân dân và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý dân chủ, sâu rộng trong cả hệ thống chính trị. Trên cơ sở ý kiến của nhân dân, ý kiến của ĐBQH và các cơ quan, tổ chức hữu quan, Ủy ban DTSĐHP đã nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này. Tại kỳ họp này, các ĐBQH đã nghe Ủy ban DTSĐHP báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trên cơ sở ý kiến của nhân dân và của các ĐBQH, Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại tổ và tại hội trường. “Sau mỗi phiên họp, chất lượng của Dự thảo được nâng lên, nhiều ý kiến hợp lý của ĐBQH đã được Ủy ban DTSĐHP tiếp thu, chỉnh lý và giải trình cụ thể”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết. Các ĐBQH đều tán thành với bố cục của Dự thảo Hiến pháp gồm 11 chương, 120 điều (giảm 1 chương và 27 điều so với Hiến pháp năm 1992) và cho rằng, bố cục của Hiến pháp như vậy là hợp lý, chặt chẽ và khoa học, nội dung và kỹ thuật trình bày bảo đảm các quy định của Hiến pháp đúng tầm là đạo luật cơ bản, có tính ổn định lâu dài.
“Có thể nói, với tinh thần dân chủ, trách nhiệm, với trí tuệ và cách làm khoa học, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị nước ta đã tham gia xây dựng Dự thảo Hiến pháp này. Bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội thông qua lần này đã phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp tình hình thực tiễn và yêu cầu xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh.