Ngày làm việc thứ 31, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII: Thông qua Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi)

29/11/2013

* Thảo luận Dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam

Mở đầu ngày làm việc, QH nghe Phó Chủ tịch QH, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Uông Chu Lưu trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (DTSÐHP) năm 1992 trình QH xem xét, thông qua và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp. Báo cáo đã nêu rõ những vấn đề được đông đảo nhân dân và đại biểu QH quan tâm thảo luận, đồng thời giải trình rõ những vấn đề đã tiếp thu ý kiến của đại biểu QH và chỉnh lý vào Dự thảo, những vấn đề Ủy ban DTSÐHP đề nghị QH cho giữ nguyên như dự thảo. Chẳng hạn, về bản chất Nhà nước và nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước, đa số ý kiến tán thành với quy định về Nhà nước, quyền lực nhà nước và nguyên tắc tổ chức quyền lực nhà nước tại Ðiều 2 của Dự thảo. Có ý kiến đề nghị quy định "Nước CHXHCN Việt Nam là một nước dân chủ, do nhân dân làm chủ"; đề nghị bổ sung "khối đại đoàn kết toàn dân tộc" là nền tảng của quyền lực nhà nước.

Ủy ban DTSÐHP nhận thấy, quy định nước CHXHCN Việt Nam do nhân dân làm chủ đã thể hiện rõ bản chất dân chủ của Nhà nước ta. Ðiều 2 của Hiến pháp kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1992 thể hiện bản chất của Nhà nước, đồng thời khẳng định nền tảng vững chắc của chính quyền nhân dân là liên minh giữa giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Ðây là vấn đề đã được thể hiện trong Cương lĩnh và thực tiễn hoạt động của Nhà nước; còn "đại đoàn kết toàn dân tộc" là một trong những động lực rất quan trọng để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước đã được thể hiện tại Ðiều 5, Ðiều 9 và các nội dung khác của Dự thảo. Do đó, đề nghị QH cho giữ Ðiều 2 như Dự thảo.

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước, các đại biểu Quốc hội đều tán thành với quy định về Chủ tịch nước tại Ðiều 88 của Dự thảo. Theo đó, Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa XHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại, thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, giữ chức Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh. Một số ý kiến đề nghị làm rõ hơn vị trí, thẩm quyền của Chủ tịch nước trong cơ chế thực hiện quyền lực nhà nước ở nước ta; làm rõ hơn vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước.

Tiếp thu ý kiến nêu trên, Dự thảo đã làm rõ thẩm quyền của Chủ tịch nước trong từng lĩnh vực lập pháp, hành pháp, tư pháp và quy định mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với Quốc hội, Chính phủ, cơ quan tư pháp. Ðồng thời, Dự thảo đã làm rõ hơn vai trò thống lĩnh lực lượng vũ trang của Chủ tịch nước trong việc quyết định phong, thăng, giáng, tước quân hàm cấp tướng, chuẩn đô đốc, phó đô đốc, đô đốc hải quân; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Tổng tham mưu trưởng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam... Cùng với đó là bổ sung quy định thẩm quyền của Hội đồng quốc phòng và an ninh do Chủ tịch nước làm Chủ tịch quyết định việc lực lượng vũ trang nước ta tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, Ủy viên Ủy ban DTSÐHP năm 1992, Trưởng Ban biên tập DTSÐHP năm 1992 Phan Trung Lý trình bày toàn văn Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi), QH tiến hành biểu quyết thông qua toàn văn Dự thảo đã được chỉnh lý. Có 488 đại biểu QH tham gia phiên họp, bằng 97,99% tổng số đại biểu QH, trong đó 486 đại biểu QH tán thành, bằng 97,59% tổng số đại biểu QH, không có đại biểu nào không tán thành, hai đại biểu không biểu quyết, bằng 0,40% tổng số đại biểu QH. Như vậy, với tuyệt đại đa số đại biểu tán thành, QH đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi).

Tiếp đó, các đại biểu QH cũng đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, Ủy viên Ủy ban DTSÐHP năm 1992, Trưởng Ban biên tập DTSÐHP năm 1992 Phan Trung Lý trình bày dự thảo Nghị quyết quy định một số điểm thi hành Hiến pháp (sửa đổi) và tiến hành biểu quyết thông qua Nghị quyết này. Với 491 đại biểu tán thành, bằng 98,59% tổng số đại biểu QH, QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp. Theo đó, Hiến pháp này có hiệu lực từ ngày 1-1-2014.

Trong phiên họp buổi chiều, QH đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu QH về phương án phát hành bổ sung và phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016 và Ủy viên Ðoàn Thư ký kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Ðinh Văn Nhã trình bày toàn văn dự thảo nghị quyết. Trên cơ sở đó, QH đã tiến hành biểu quyết thông qua hai điều (Ðiều 1 và Ðiều 2) có ý nghĩa quan trọng của nghị quyết và thông qua toàn bộ dự thảo nghị quyết với 418 đại biểu tán thành, bằng 83,94% tổng số đại biểu QH.

Cuối phiên họp, các đại biểu QH đã thảo luận về Dự án Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Các ý kiến phát biểu đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật này như Tờ trình của Chính phủ. Một số ý kiến còn nhấn mạnh, cần sớm ban hành luật này (Nguyễn Anh Sơn - Nam Ðịnh). Có ý kiến cho rằng, việc ban hành luật này là cần thiết và kịp thời (Nguyễn Minh Kha - Cần Thơ). Nhiều ý kiến phát biểu cũng nhất trí với tên gọi, bố cục của dự án luật. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đã đóng góp ý kiến vào nhiều vấn đề cụ thể, góp phần hoàn chỉnh dự thảo.

Quá trình tiếp thu ý kiến của Ban soạn thảo Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 vừa qua tiến hành một cách công phu, kỹ lưỡng. Giai đoạn tiếp thu ý kiến của xã hội là một công đoạn rất khó khăn. Bởi vì đề cập xã hội liên quan đông đảo nhân dân, mỗi người đều có ý kiến phong phú, đa dạng từ góc độ cá nhân.

Có một thiết chế mới rất hệ trọng với quản trịị quốc gia được thành lập là Hội đồng Bầu cử. Đó là một trong những nét mới của Hiến pháp lần này. Sắp tới, chúng ta phải triển khai Hiến pháp này, vấn đề với nội dung được sửa đổi khá nhiều như vậy, nhiều tư tưởng của nó phải được thể hiện vào luật, đặc biệt, Luật Tổ chức, liên quan tổ chức Quốc hội, tổ chức Chính phủ, tổ chức Tòòa án, rất có thể có một đạo luật về bầu cử nữa, qua đó quy địịnh chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Bầu cử.

TS NGUYỄN SĨ DŨNG Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH

Với tôi, đây là thời khắc rất quan trọng khi gần như tuyệt đại đa số đại biểu QH biểu quyết tán thành thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Điều đó chứng tỏ, bản Dự thảo cuối cùng đã được chuẩn bịị rất công phu, phù phợp. Với sự đồng thuận cao như thế của đại biểu QH là những người đại diện cho nhân dân, tôi tin đây cũng là sự đồng thuận cao của nhân dân đối với bản Hiến pháp này. Mọi người dân sẽoe tuân thủ và chấp hành nghiêm chỉnh đúng nội dung của bản Hiến pháp mới.

TS ĐINH XUÂN THẢO Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ QH

(http://www.nhandan.com.vn)