(VOV) - Chiều nay (11/10), các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Luật Các tổ chức Tín dụng được Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 12/12/1997, có hiệu lực thi hành từ 01/07/1998 và được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 20/2004/QH11 ngày 15/6/2004.
Qua hơn 10 năm thực hiện, Luật Các tổ chức Tín dụng đã bộc lộ những bất cập, nhiều quy định của Luật hiện hành không còn thích hợp đã trở nên gò bó, làm giảm tính tự chủ của tổ chức tín dụng, không đồng bộ với các luật khác mới ban hành (Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán…) và chưa phù hợp với thông lệ quốc tế.
Dự thảo Luật được Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 này nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập của những quy định hiện hành, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của hoạt động ngân hàng trong nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.
Tiếp tục khắc phục một số hạn chế trong dự thảo Luật
Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban kinh tế của Quốc hội thống nhất cho rằng: Về cơ bản, dự thảo Luật đã có nhiều đổi mới, khắc phục được một số bất cập của Luật Các tổ chức Tín dụng hiện hành; thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển ngành Ngân hàng; dự thảo Luật đã đề cập và đưa vào áp dụng nhiều thông lệ, chuẩn mực quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam, qua đó tạo cơ sở pháp lý xây dựng hệ thống tổ chức tín dụng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng nhằm xây dựng thị trường tiền tệ lành mạnh, đồng thời hạn chế rủi ro, đảm bảo an toàn trong hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra cũng chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục trong dự thảo Luật lần này như: Mục tiêu trong đề án phát triển ngành ngân hàng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 kèm theo Quyết định số 112/2006/QĐ-TTg ngày 24/05/2006 của Thủ tướng Chính phủ là “Bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong kinh doanh. Tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng trong nước nâng cao năng lực quản lý, trình độ nghiệp vụ và khả năng cạnh tranh. Bảo đảm quyền kinh doanh của các ngân hàng và các tổ chức tài chính nước ngoài theo các cam kết của Việt Nam với quốc tế”. Tuy nhiên, dự thảo Luật lại thiên về việc tăng cường, kiểm tra, giám sát bảo đảm an toàn, chưa tạo được sự hài hòa giữa bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và bảo đảm quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Các quy định về quản lý nhà nước đối với tổ chức, hoạt động của tổ chức tín dụng còn nặng về hành chính, cấp phép mà chưa thể hiện tư tưởng đổi mới quản lý các tổ chức tín dụng theo tinh thần Quyết định 112.
Bên cạnh đó, trong Luật còn nhiều quy định chưa cụ thể, có quá nhiều nội dung giao cho Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nước quy định (trên 40 nội dung). Một số quy định của dự thảo Luật còn có sự trùng lặp với các luật khác như Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán…
Nên có chế tài đối với hoạt động của HĐQT và Ban Kiểm soát
Tại phiên thảo luận tổ chiều nay, nhiều đại biểu bày tỏ tán thành với việc cần thiết phải sửa đổi Luật Các tổ chức Tín dụng để phù hợp với tình hình thực tiễn. Về dự thảo Luật lần này, các đại biểu cũng đồng tình với những ý kiến trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm những điều khoản trong dự thảo Luật cho phù hợp với tình hình hiện nay.
|
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận |
Đại biểu Nguyễn Văn Thuận (đoàn Quảng Nam) đưa ra vấn đề về tổ chức nội bộ của các tổ chức tín dụng, bày tỏ quan điểm không tán thành với việc thành lập Hội đồng quản trị ở các doanh nghiệp, nhất là ở các doanh nghiệp Nhà nước, hoặc các doanh nghiệp mà Nhà nước chiếm cổ phần chi phối. Theo đại biểu Thuận, việc thành lập Hội đồng quản trị theo cách này thực chất là chỉ thêm cơ cấu để… chia tiền chứ không giải quyết vấn đề gì. Theo đại biểu, mô hình thành lập HĐQT chỉ nên áp dụng cho các ngân hàng, doanh nghiệp tư nhân. Còn đã là ngân hàng vốn của Nhà nước thì không có HĐQT nữa, và như vậy chúng ta phải sửa cả Luật Doanh nghiệp. Thứ 2 là Ban Kiểm soát cũng do nội bộ quy định và trách nhiệm thực chất cũng không được thể hiện nhiều. Trong dự thảo sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng lần này cũng chưa làm rõ được vai trò của 2 bộ phận này.
|
Đại biểu Lê Văn Cuông |
Đại biểu Lê Văn Cuông (đoàn Thanh Hoá) cho rằng, mô hình tổ chức HĐQT và Ban Kiểm soát là rất hay nếu các tổ chức này phát huy được tác dụng và có quyền lực thực sự thì sẽ quản lý tốt tài sản và phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, lâu nay chúng ta có thành lập nên nhưng tổ chức này chỉ mang tính hình thức, đôi khi có tổ chức nhưng không có cái “hồn” của nó, không có chức năng thực sự. Chính việc thành lập các tổ chức này đôi khi lại làm cho các cơ quan quản lý chủ quan, bởi cho rằng đã có “tai mắt”, có người “gác gôn” rồi. Theo đại biểu, cần có chế tài cho việc tổ chức, hoạt động của 2 bộ phận này. Nếu không thực hiện được nhiệm vụ được giao thì phải bị xử lý thế nào…
Nhiều quy định của dự thảo Luật còn quá chặt
Đại biểu Phương Hữu Việt (đoàn Bắc Ninh) cũng thống nhất với báo cáo thẩm tra cho rằng, dự thảo Luật vẫn thiên về kiểm tra, kiểm soát chứ chưa thực sự giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Đại biểu cũng cho rằng, nhiều quy định trong luật còn trùng lặp với Luật Doanh nghiệp và các luật chuyên ngành khác.
|
Đại biểu Phương Hữu Việt |
Về tiêu chuẩn của thành viên HĐQT quy định, “tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng quản trị phải có bằng Đại học về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh” theo đại biểu Phương Hữu Việt là quá chặt chẽ. Liệu chúng ta đã làm thống kê xem trong các ngân hàng của chúng ta hiện nay, thành viên của HĐQT có bao nhiêu người đáp ứng được tiêu chuẩn này. Liệu quy định như thế này thì khi ban hành, các doanh nghiệp có phải tiến hành đại hội cổ đông để bầu lại HĐQT hay không? Do vậy cần xem xét lại quy định này cho phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam.
Một số đại biểu Quốc hội đề nghị, nên quy định tổ chức tín dụng chỉ được kinh doanh trong phạm vi pháp luật cho phép chứ không được kinh doanh những gì pháp luật không cấm để phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam và đặc thù hoạt động của tổ chức tín dụng là rủi ro cao, có tác động đến toàn xã hội nên tổ chức tín dụng thực hiện các hoạt động ngân hàng phải có đủ điều kiện và phải được pháp luật cho phép. Bởi vậy, việc cấm ngân hàng thương mại, công ty con của ngân hàng thương mại mua, nắm giữ cổ phần của các tổ chức tín dụng khác quy định tại khoản 6, Điều 103 là quá chặt chẽ, không phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.
|
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý |
Về quy định ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cho vay đầu tư, kinh doanh cổ phiếu quy định tại Điều 126, một số đại biểu Quốc hội nhận xét là "quá chặt chẽ", vì quy định như vậy sẽ tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong khi đó, Quy định của pháp luật hiện hành vẫn cho phép các ngân hàng cho vay đầu tư, kinh doanh chứng khoán. Tuy nhiên, để bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng cũng cần thiết phải đưa ra giới hạn mà các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép cho vay vào hoạt động này. Trong một số trường hợp, thị trường chứng khoán có dấu hiệu bất ổn, Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng một số công cụ như nâng mức dự phòng rủi ro đối với những hoạt động này để hạn chế các ngân hàng cho vay kinh doanh chứng khoán.
Ngoài các ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (đoàn Đà Nẵng) bàn về một số quy định trong dự thảo Luật còn chưa cụ thể. Đại biểu dẫn chứng, Điều 9, khoản 3 điểm d quy định “Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước” là chưa đầy đủ, mà phải quy định là “các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác theo quy định của pháp luật” thì sẽ bao trùm đầy đủ hơn. Tại khoản 4 của điều 9 quy định “Ngân hàng Nhà nước quy định cụ thể về hình thức xử lý các hành vi quy định tại khoản 3 Điều này”. Theo đại biểu, nếu giao cho NHNN quy định hình thức xử lý ở đây là không phù hợp với các văn bản pháp luật khác có liên quan như xử phạt vi phạm hành chính thì thẩm quyền thuộc Chính phủ chứ không phải ai khác.
Ngày mai (12/11), buổi sáng Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Nuôi con nuôi và thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại tổ về dự án Luật Thuế nhà, đất./.