Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng dự Tọa đàm CEDAW và pháp luật về bình đẳng giới tại Việt Nam

25/11/2009

Chủ trì Tọa đàm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Chủ tịch Nhóm Nữ nghị sỹ Việt Nam Trương Thị Mai khẳng định, trên thực tế, ở Việt Nam sự nghiệp giải phóng phụ nữ đã gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và quá trình xây dựng đất nước

Tối 24.11, Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đã dự Tọa đàm CEDAW và pháp luật về bình đẳng giới tại Việt Nam do Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Nhóm Nữ nghị sỹ Việt Nam phối hợp với Cơ quan Liên Hiệp quốc tại Việt Nam tổ chức. Tham dự Tọa đàm có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Hà Thị Khiết; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan

 

 

Tính đến ngày 18.12.2009, Công ước quốc tế về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ (CEDAW) đã được Đại hội đồng Liên Hiệp quốc thông qua tròn 30 năm. Đối với nhân loại tiến bộ đã và đang đấu tranh cho những giá trị về quyền con người, thì đây là một dấu mốc đáng nhớ. Với giá trị tiến bộ, CEDAW đã thu hút sự tham gia của 186 quốc gia thành viên, trở thành một trong những điều ước quốc tế có số lượng thành viên tham gia đông, chỉ đứng sau Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tham gia ký kết, phê chuẩn CEDAW.

 

Chủ trì Tọa đàm, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội, Chủ tịch Nhóm Nữ nghị sỹ Việt Nam Trương Thị Mai khẳng định, trên thực tế, ở Việt Nam sự nghiệp giải phóng phụ nữ đã gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và quá trình xây dựng đất nước. Những nguyên tắc cơ bản của CEDAW hoàn toàn phù hợp với đường lối, mục tiêu và hành động của Đảng, Nhà nước ta. Bình đẳng giới đã trở thành một quyết tâm chung, là mục tiêu phấn đấu của cả hệ thống chính trị. Mục tiêu bình đẳng giới của Đảng và Nhà nước Việt Nam được bảo đảm bằng trách nhiệm quốc gia trước cộng đồng quốc tế; trở thành một nguyên tắc chủ đạo, có giá trị chi phối đối với pháp luật có liên quan đến quyền con người. Bởi vậy, Việt Nam đã chuyển hóa các nội dung cơ bản của Công ước vào hệ thống pháp luật, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và truyền thống của dân tộc. 

 

Các đại biểu tham dự Tọa đàm đã đánh giá những thành tựu và thách thức trong việc thực hiện cam kết CEDAW tại các quốc gia nói chung và tại Việt Nam nói riêng; đặc biệt trong việc xây dựng và thực hiện pháp luật về bình đẳng giới; vai trò của ĐBQH; đồng thời kiến nghị các giải pháp để thực hiện tốt hơn CEDAW và pháp luật về bình đẳng giới tại Việt Nam.

 

Hải Yến

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)