Ủy ban Tài chính và Ngân sách tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 20

27/04/2010

Ngày 26.4, tại Hà Nội, Ủy ban Tài chính và Ngân sách đã tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ 20, thẩm tra chính thức Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách năm 2009, tình hình triển khai thực hiện và các giải pháp điều hành ngân sách nhà nước năm 2010. Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển chủ trì Phiên họp.

Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, trong 3 tháng cuối năm 2009, cùng với sự phục hồi và chuyển biến tích cực của nền kinh tế, hoạt động ngân sách nhà nước đã đạt kết quả khả quan hơn so với đánh giá báo cáo QH tại Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XII. Cụ thể, thu ngân sách nhà nước năm 2009 đạt 442.340 tỷ đồng, vượt dự toán 134,4% và đạt tỷ lệ động viên 26,3% GDP. Về cân đối ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách được giữ ở mức 6,9%; tính đến ngày 31.12.2009, dư nợ Chính phủ bằng 41,9% GDP và dư nợ nước ngoài bằng 38,9% GDP – vẫn trong giới hạn bảo đảm an ninh tài chính quốc gia. Các thành viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách cơ bản tán thành với các đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách năm 2009 của Bộ Tài chính; đánh giá cao việc thực thi chính sách tài khóa tích cực, thận trọng và thực hiện chính sách tiền tệ khá linh hoạt của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương. Nền kinh tế thoát khỏi đà suy giảm, từng bước phục hồi tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội; các khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã từng bước được khắc phục; các cân đối tài chính – tiền tệ đã cơ bản được giữ vững góp phần giảm các chi phí vốn cho doanh nghiệp và cung ứng kịp thời các nguồn lực tài chính đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển của đất nước... Tuy nhiên, từ thực tế thu – chi ngân sách năm 2009, theo các thành viên Ủy ban Tài chính và Ngân sách, vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục xử lý trong thời gian tới như: bội chi ngân sách, việc chuyển nguồn từ năm 2008 sang năm 2009 và các khoản chi vượt dự toán.

 

Về triển khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2010, đa số ý kiến trong Ủy ban cho rằng, khả năng hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của QH là rất khả quan. Song, để đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần kiên trì thực hiện các giải pháp đã đề ra; đồng thời xử lý linh hoạt các tình huống, nhất là các chính sách tài chính, ngân hàng và tài khóa. Cần tiếp tục thực hiện triệt để tiết kiệm; tăng cường hiệu quả chi ngân sách; tăng cường quản lý giá, chống lợi dụng độc quyền, lợi dụng việc tăng lương tối thiểu để tăng giá; từng bước giảm bội chi ngân sách; thận trọng với các dự án đầu tư đòi hỏi nguồn vốn lớn từ ngân sách nhà nước. Đồng thời, cần sớm xem xét việc đổi mới chính sách thu – chi ngân sách nhà nước theo hướng minh bạch, công khai, loại bỏ các yếu tố xin – cho, bảo đảm công bằng trong việc phân bổ ngân sách; tiếp tục hoàn thiện thể chế tài chính, đặc biệt là hoàn thiện một số chính sách thuế hướng mạnh vào mục tiêu phát triển dài hạn, nuôi dưỡng nguồn thu và cần sớm có những giải pháp dài hạn để tạo điều kiện cho sự phát triển của nền kinh tế thời kỳ hậu khủng hoảng.

P.Thúy

(http://nguoidaibieu.com.vn)