Phiên họp thứ Ba mốt của UBTVQH

11/05/2010

* Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của QH về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009; tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2010: Giữ ổn định kinh tế vĩ mô cần được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu

Ngày 7.5, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, UBTVQH đã cho ý kiến về Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010; Báo cáo đánh giá bổ sung về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2009, tình hình triển khai thực hiện và những giải pháp điều hành ngân sách nhà nước năm 2010.

Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ Bộ trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã trình bày Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010; Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2009, tình hình triển khai thực hiện và những giải pháp điều hành ngân sách nhà nước năm 2010.

Thẩm tra Báo cáo đánh giá bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2009, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nhấn mạnh, thông qua việc ban hành kịp thời, đồng bộ các chính sách kinh tế - xã hội, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng thuận cao trong tổ chức thực hiện, nền kinh tế đất nước đã sớm vượt qua được thời điểm khó khăn nhất, hoàn thành mục tiêu nêu trong Nghị quyết số 23 của QH là ngăn chặn suy giảm kinh tế và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý; bảo đảm yêu cầu cơ bản về an sinh xã hội, quốc phòng an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tiếp tục nâng cao uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010, Ủy ban Kinh tế cho rằng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô cần được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu trong điều kiện hiện nay, nhằm tạo tiền đề cho tăng trưởng cao trong những năm sau và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, kiềm chế lạm phát, cải thiện cán cân thanh toán, giảm thâm hụt ngân sách nhà nước là những nhiệm vụ cần tập trung quyết liệt trước mắt để thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội năm 2010. Đồng thời, cần phối hợp đồng bộ chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa, hạn chế phát sinh những tác động ngược chiều; xử lý các vấn đề ngắn hạn phải gắn với sự phát triển dài hạn, tạo ra môi trường chính sách ổn định nhằm giúp các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư có cơ sở tính toán, mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh. Xây dựng các chính sách và biện pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Tập trung thực hiện tốt công tác quản lý thị trường, kiểm soát giá các hàng hóa thiết yếu. Ngoài ra cần sớm công bố chủ trương, các biện pháp chiến lược mang tính tổng thể cho nền kinh tế để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh, đổi mới cơ cấu doanh nghiệp và sản phẩm một cách thích hợp; đẩy nhanh tiến độ hướng dẫn, triển khai Nghị quyết 30a của Chính phủ về hỗ trợ các huyện nghèo; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chính sách để bảo đảm kịp thời, rõ ràng, tránh tạo tâm lý không tích cực...

Báo cáo thẩm tra về đánh giá bổ sung về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2009 do Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Đinh Trịnh Hải, thừa ủy quyền của Chủ nhiệm Ủy ban, trình bày nêu rõ: để ngăn ngừa nguy cơ lạm phát tăng cao trở lại trong năm 2010, ngoài các giải pháp về chính sách tiền tệ, Chính phủ cần khai thác tốt các nguồn thu từ thuế, phí; chống thất thu và gian lận thương mại; kiểm soát giá cả và cương quyết điều tiết các khoản chênh lệch do tăng giá bất hợp lý. Rà soát lại chi tiêu hành chính công, cơ cấu lại chi ngân sách, nhất là chi đầu tư xây dựng cơ bản. Để tài chính quốc gia vững mạnh, Chính phủ cần thực hiện bội chi ngân sách nhà nước trong giới hạn 5% GDP đã được QH quyết định, lấy vấn đề hiệu quả sử dụng vốn vay làm mục tiêu quan trọng hàng đầu trong việc quản lý, điều hành chi ngân sách. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế tài chính, đặc biệt là một số chính sách thuế hướng mạnh vào mục tiêu phát triển dài hạn, nuôi dưỡng nguồn thu; bảo đảm các khoản thu ngân sách nhà nước có cơ sở ổn định, bền vững; thận trọng với những dự án đầu tư đòi hỏi nguồn vốn ngân sách lớn... Chính phủ cũng cần phân tích sâu hơn các khoản chi vượt dự toán, để đưa ra những biện pháp khắc phục.

Các Ủy viên UBTVQH đánh giá cao những kết quả mà Chính phủ đã đạt được trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước thời gian qua. Tuy nhiên, theo Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn thì Báo cáo của Chính phủ mới tập trung đánh giá về tình hình kinh tế và còn mỏng khi đề cập các vấn đề xã hội, an ninh quốc phòng, môi trường... Đây là những vấn đề bảo đảm sự phát triển kinh tế bền vững và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Đồng thuận với nhận định nêu trên, nhiều Ủy viên UBTVQH đề nghị, trong các Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của các cơ quan của QH đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và ngân sách nhà nước cần chú ý cân đối, hài hòa giữa nội dung kinh tế và nội dung xã hội, bảo đảm phản ánh một cách toàn diện hơn tình hình kinh tế - xã hội, công tác đối ngoại, an ninh, quốc phòng... của đất nước.

Ở góc nhìn khác, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai tâm tư: mặc dù nền kinh tế nước ta đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất, đang từng bước phục hồi và tăng trưởng nhưng trong cân đối vĩ mô vẫn tiềm ẩn những nguy cơ như bội chi ngân sách cao, dư nợ Chính phủ tăng nhanh và đang tiệm cận tới giới hạn không an toàn. Quốc hội và Chính phủ cần quyết tâm hơn nữa trong việc thực hiện mục tiêu giảm dần bội chi ngân sách trong năm nay và những năm tiếp theo. Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh: theo Báo cáo của Chính phủ, những kết quả đạt được trong 4 tháng đầu năm 2010 là rất đáng phấn khởi, tuy nhiên nền kinh tế đang còn nhiều nhân tố tiềm tàng làm tăng bội chi ngân sách, mức nhập siêu cao... Do đó, cần theo dõi sát tình hình để có những chủ trương biện pháp quyết liệt hơn, chỉ đạo và lãnh đạo để thực hiện bằng được mục tiêu và các chỉ tiêu kinh tế – xã hội theo đúng Nghị quyết của QH.

P. Thủy – H. Vân

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)