Phiên họp thứ Ba mốt của UBTVQH

11/05/2010

Sáng 10.5, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Tố tụng hành chính.

* Dự án Luật Tố tụng hành chính: có nên mở rộng quyền khởi kiện tại tòa án của các tổ chức, cá nhân?

Theo Tờ trình dự án Luật Tố tụng hành chính do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trình bày, việc ban hành Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính và các pháp lệnh sửa đổi, bổ sung đã tạo điều kiện cho việc giải quyết các khiếu kiện hành chính. Tuy nhiên, thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính thời gian qua cho thấy, các quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đã bộc lộ nhiều hạn chế, làm giảm hiệu quả giải quyết các vụ án hành chính của tòa án, gây trở ngại cho người dân khi khởi kiện hành chính. Một số quy định của Pháp lệnh mâu thuẫn với quy định của các văn bản quy phạm pháp luật khác như Luật Khiếu nại, tố cáo; Luật Đất đai. Pháp lệnh cũng chưa có quy định cụ thể về thi hành bản án, quyết định hành chính của tòa án, dẫn đến bản án, quyết định hành chính của tòa án không được thi hành hoặc thi hành không đầy đủ. Việc ban hành Luật Tố tụng hành chính là hết sức cần thiết nhằm bảo đảm tính đồng bộ và thống nhất của hệ thống pháp luật, góp phần bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tố tụng hành chính do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba trình bày, nêu rõ: Ủy ban Tư pháp tán thành với việc dự thảo Luật quy định các khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo phương án loại trừ. Theo đó: Tòa án có thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, trừ các quyết định hành chính, hành vi hành chính trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao theo danh mục do Chính phủ quy định và các hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước. Song, chỉ nên loại trừ một số quyết định hành chính, hành vi hành chính đặc biệt trong các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, ngoại giao; đồng thời, cần làm rõ và thể hiện ngay trong dự thảo Luật các hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước là những hành vi nào để tránh cách hiểu không thống nhất, khó vận dụng khi Luật được ban hành. Đồng tình với quan điểm này, nhiều ủy viên UBTVQH cho rằng quy định như dự thảo Luật là phù hợp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, một số Ủy viên UBTVQH băn khoăn, theo Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính hiện hành, tòa án có thẩm quyền giải quyết 22 loại khiếu nại hành chính. Luật Khiếu nại, tố cáo cũng không giới hạn các khiếu kiện hành chính được giải quyết tại tòa án. Với quy định như dự thảo Luật, thẩm quyền của tòa án được mở rộng hơn nhưng thực tế, tổ chức, đội ngũ nhân lực, cơ sở vật chất lại chưa tương xứng. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận, báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật cần đánh giá kỹ hơn cơ cấu, tổ chức bộ máy, nhân lực của hệ thống tòa án hiện nay đã đáp ứng được khối lượng lớn công việc được giao hay chưa.

Các Ủy viên UBTVQH cũng còn có quan điểm khác nhau về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính. Dự thảo Luật quy định, với các khiếu kiện hành chính về một số vụ việc có tính chuyên môn sâu như lĩnh vực thuế, sở hữu trí tuệ...; khiếu kiện về danh sách cử tri bầu cử ĐBQH, đại biểu HĐND thì phải qua thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện ra tòa án, còn các khiếu kiện khác có thể khởi kiện ngay ra tòa. Theo Ủy ban Tư pháp, nếu quy định như dự thảo Luật thì hầu hết các khiếu kiện sẽ phải qua thủ tục khiếu nại tại cơ quan hành chính trước khi khởi kiện tại tòa. Như vậy sẽ không đổi mới được cơ chế giải quyết khiếu kiện hiện nay; tình hình giải quyết khiếu kiện sẽ không có sự thay đổi căn bản. Do đó, nên quy định theo hướng: cá nhân, tổ chức khi không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có quyền lựa chọn khiếu nại tại cơ quan hành chính hoặc khởi kiện ngay vụ án hành chính tại tòa án. Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn cho rằng, quy định như đề xuất của Ủy ban Tư pháp sẽ mở rộng quyền khởi kiện tại tòa án của các tổ chức, cá nhân; bảo đảm quyền được tự do lựa chọn cách thức giải quyết khiếu nại, khiếu kiện của công dân; phù hợp với xu hướng mở rộng thẩm quyền giải quyết các khiếu kiện hành chính tại tòa án, đồng thời giảm bớt áp lực cho các cơ quan hành chính nhà nước. Ở góc độ khác, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên cho rằng: do thẩm quyền của tòa án ngày càng được mở rộng nên thực tế tòa án đang quá tải trong việc giải quyết các vụ án, khiếu kiện. Nếu cá nhân, tổ chức có thể khởi kiện ra tòa mà không phải qua thủ tục khiếu nại tại cơ quan hành chính thì có làm tăng số vụ việc tòa án phải giải quyết, làm căng thẳng thêm tình trạng quá tải hiện nay hay không?

Một số Ủy viên UBTVQH đề nghị Ban soạn thảo xem xét, nghiên cứu lại quy định: với những trường hợp chưa được Luật quy định thì tòa án được áp dụng các quy định tương ứng của Bộ luật Tố tụng dân sự để giải quyết. Tuy nhiên, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, cần hết sức cân nhắc việc áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự để giải quyết các vụ án hành chính vì thủ tục tố tụng dân sự và thủ tục tố tụng hành chính là hai thủ tục khác nhau. Cần làm rõ đặc trưng, bản chất của tố tụng hành chính, nghiên cứu kỹ các quy định hiện hành về tố tụng hành chính để quy định trong dự thảo Luật.

Buổi chiều, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật Biển Việt Nam.

 

H.Vân

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)