Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì Hội thảo Chế độ kinh tế trong Hiến pháp năm 1992 - những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung

11/06/2012

Ngày 9.6, tại Hà Nội, Ban chủ nhiệm đề tài độc lập cấp Nhà nước Cơ sở lý luận và thực tiễn sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 phù hợp với tình hình mới đã tổ chức Hội thảo Chế độ kinh tế trong Hiến pháp năm 1992 – những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu chủ trì Hội thảo.

Chế độ kinh tế được quy định tại Hiến pháp 1992, từ Điều 15 đến Điều 29 với những thay đổi cơ bản so với chế độ kinh tế được quy định trong các Hiến pháp 1959 và Hiến pháp 1980. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, những quy định này là kết quả của một quá trình thay đổi lớn lao trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội ở nước ta. Sự đổi mới này phản ảnh những nhận thức mới của Đảng về vai trò của nền kinh tế thị trường và lĩnh vực kinh tế tư nhân trong quá trình xây dựng CNXH. Sự thể chế hóa đó có tác dụng lớn đối với việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam, biến Việt Nam thành điểm đến thân thiện hơn đối với các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, sau hơn 20 năm kể từ thời điểm ban hành, chế độ kinh tế quy định tại Hiến pháp 1992 đứng trước nhu cầu cần sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng tình hình mới. Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung chế độ kinh tế trong Hiến pháp 1992 tập trung vào một số vấn đề cơ bản, trọng tâm như: mục tiêu của chính sách kinh tế; vấn đề sở hữu nhà nước, sở hữu đất đai... Việc sửa đổi cần hướng tới xử lý vấn đề cơ bản của nền kinh tế - vấn đề sở hữu theo hướng thừa nhận sở hữu cá nhân về đất đai bên cạnh sở hữu Nhà nước về đất đai, loại bỏ khái niệm sở hữu toàn dân về đất đai. Nhiều ý kiến tại Hội thảo cho rằng, cần xem xét việc thiết kế hoặc bỏ chương chế độ kinh tế trong mối liên hệ mật thiết với các chương về chế độ văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng; nên sử dụng thống nhất thuật ngữ hình thức sở hữu thay cho từ chế độ sở hữu; phân loại chế độ sở hữu...     

Phát biểu tại Hội thảo, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu khẳng định, nếu Hiến pháp năm 1992 có sứ mạng quan trọng trong quá trình đổi mới đất nước thì chương về chế độ kinh tế có đóng góp nổi bật nhất với những quy định có tính chất nền tảng về kinh tế. Tuy nhiên, trong quá trình đổi mới của đất nước, cần có những nghiên cứu sửa đổi, bổ sung vấn đề kinh tế trong Hiến pháp để phù hợp với Cương lĩnh, Nghị quyết của Đảng. Từ thực tiễn đổi mới, Phó chủ tịch QH yêu cầu làm rõ các nội dung quan trọng như: chế độ sở hữu; các hình thức sở hữu; vai trò của kinh tế Nhà nước trong nền kinh tế thị trường; vai trò của nhà nước trong nền kinh tế; việc sửa đổi, bổ sung lần này phải vừa bảo đảm được định hướng vừa phản ánh được thực tiễn, nhất là nhu cầu đổi mới của đất nước; chú trọng xử lý và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn như quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng XHCN.

 

Phùng Hương

(http://daibieunhandan.vn)