CẦN LÀM TỐT CÔNG TÁC TƯ VẤN, ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP CHO THANH NIÊN

04/04/2022

Tại Diễn đàn Thanh niên 2022 với chủ đề “Đào tạo nghề cho thanh niên”, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, chúng ta cần tăng cường và làm tốt công tác tư vấn nghề nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho thanh niên.

Toàn cảnh Diễn đàn

Theo Báo cáo Tổng quan về đào tạo nghề cho thanh niên của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho thấy, thanh niên chiếm tỷ lệ chủ yếu trong lực lượng lao động qua đào tạo nghề và là những người tiếp thu nhanh khoa học - công nghệ, có tính năng động cao. Tuy nhiên, lao động thanh niên được đào tạo nghề mới chỉ chiếm khoảng 20 - 21% so với tổng số thanh niên, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển công tác đào tạo nghề, trong đó có đào tạo nghề cho thanh niên. Nhưng thực tế công tác đào tạo nghề cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như: cơ chế, chính sách chưa đồng bộ; quy mô đào tạo chưa tương xứng với lực lượng lao động, nhất là với thanh niên; chất lượng đào tạo nghề còn có khoảng cách với yêu cầu của thị trường lao động và còn thấp trong tương quan với các nước phát triển trong khu vực ASEAN và thế giới. 

Đại diện Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho biết, hiện nay, nhiều sinh viên ra trường chưa tìm được việc làm do thiếu định hướng nghề nghiệp. Công tác định hướng nghề nghiệp cho thanh niên trong hệ thống giáo dục - đào tạo của nước ta được triển khai khá muộn so với các nước trên thế giới. Mặt khác, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp cũng mới chỉ liên kết chủ yếu với các doanh nghiệp lớn, còn doanh nghiệp vừa và nhỏ hầu như chưa liên kết với cơ sở đào tạo nghề, làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp này.

Đại diện Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội cho rằng, đào tạo nghề cho thanh niên cần được xem là một trọng tâm của hệ thống giáo dục - đào tạo ở mọi cấp, trình độ, hình thức đào tạo thay vì chỉ xem đây là nhiệm vụ của riêng hệ thống giáo dục nghề nghiệp như hiện nay. Điều này đòi hỏi cách tiếp cận hệ thống, đồng bộ, hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực ở mọi cấp độ, mọi địa phương, lĩnh vực, tránh sự chia cắt cơ học, không hợp lý. 

Các đại biểu tham dự Diễn đàn đều cho rằng, bối cảnh phát triển đất nước hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức đối với việc đổi mới hệ thống đào tạo nghề nghiệp, nhất là đào tạo nghề cho thanh niên. Cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, đại dịch COVID-19 sẽ thúc đẩy quá trình tự động hóa trong sản xuất, kinh doanh, dẫn đến lực lượng lao động trực tiếp sản xuất sẽ giảm mạnh, trước hết là số lao động làm gia công, lắp ráp và đòi hỏi lực lượng lao động phải có trình độ, chất lượng ngày càng cao. Việc thay đổi nghề nghiệp và nâng cao trình độ, chất lượng lao động sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Các đại biểu cho rằng, trong môi trường số đã và sẽ xuất hiện những nghề nghiệp mới chưa có trong danh mục nghề nghiệp và các chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay chưa bắt kịp xu thế chuyển đổi số và cũng tỏ ra lúng túng trong việc tìm kiếm cách thức, mô hình, lộ trình thực hiện chuyển đổi số.

Trong bối cảnh thị trường lao động liên tục biến chuyển hiện nay, yêu cầu đặt ra đối với lực lượng lao động ngày càng cao, câu chuyện “đào tạo lại” là cực kỳ cần thiết. Nhiều ý kiến tại Diễn đàn cũng nhấn mạnh vai trò “không thể tách rời” của doanh nghiệp trong đào tạo nghề cho thanh niên. Thời gian qua, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã làm rất nhiều việc nhằm hỗ trợ đào tạo nghề cho thanh niên, tuy nhiên, theo đánh giá của một số đại biểu, việc phát triển thị trường lao động dường như chưa được quan tâm đúng mức. Các ý kiến này đề nghị phải hình thành phân lớp thị trường lao động rõ ràng hơn.

Đại diện Hội Doanh nhân trẻ TP. Hồ Chí Minh cho biết, trong môi trường số đã và sẽ xuất hiện những nghề nghiệp mới chưa có trong danh mục nghề nghiệp và các chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay chưa bắt kịp xu thế chuyển đổi số và cũng tỏ ra lúng túng trong việc tìm kiếm cách thức, mô hình, lộ trình thực hiện chuyển đổi số.

Đại biểu phát biểu tại Diễn đàn

TS. Nguyễn Nhật Quang, chuyên gia về chuyển đổi số, cho biết, đi cùng với những thách thức, chuyển đổi số cũng tạo ra cơ hội nếu thanh niên ở trong tâm thế sẵn sàng nắm bắt cơ hội. Để tận dụng được các lợi ích của Cách mạng Công nghiệp 4.0, TS. Nguyễn Nhật Quang nhấn mạnh, cần xây dựng nền tảng chuyển đổi trong đào tạo nghề, nhằm kết nối người dạy và người học, kết nối doanh nghiệp với người lao động, tránh tình trạng đào tạo xong mới đi tìm nghề. Bên cạnh đó, đào tạo nghề cần được tổ chức linh hoạt, tạo cơ hội cho thanh niên có thể tiếp cận tốt hơn các hình thức đào tạo nghề hoặc tự học với nhiều phương thức khác nhau.

Đại diện Trung tâm Hướng nghiệp thanh niên thuộc Thành Đoàn Tp. Hồ Chí Minh Trần Hồng Tiến cho biết, nhiều thanh niên sau khi xuất ngũ tìm đến Trung tâm hầu như không biết đến các chính sách, chương trình dạy nghề cho thanh niên. Điều này cũng phản ánh thực tế công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách về giáo dục nghề nghiệp chưa được tốt, chưa phát huy hiệu quả. 

Do vậy, các đại biểu kiến nghị, cần tăng cường công tác tư vấn nghề nghiệp, hướng nghiệp và định hướng nghề nghiệp cho thanh niên; nâng cao giá trị xã hội của công tác đào tạo nghề cho thanh niên gắn với dự báo nhu cầu thị trường lao động; ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề. Đồng thời, đổi mới, hoàn thiện nội dung, chương trình và phương thức đào tạo phù hợp, hiệu quả, đối với từng trình độ, lĩnh vực, đối tượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế - xã hội, nhất là nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề ngắn hạn đối với lực lượng lao động đang trực tiếp sản xuất, kinh doanh./.

Thu Phương